Tín dụng cho hộ cận nghèo:
Niềm vui nhân... ba nhưng dân chưa mặn mà
HGĐT- 2.875/23.039 hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm hộ cận nghèo được sở hữu tài sản là những con trâu, bò sinh sản từ Quyết định 352/QĐ-UBND của UBND tỉnh; các chính sách này mở ra cơ hội cho hộ cận nghèo bứt phá, phát triển sản xuất, kinh doanh; thoát khỏi vòng quay tái nghèo. Nhưng khi tư duy và ý chí làm giàu của người dân vẫn còn “yên phận” thì sự ưu đãi khó “bám rễ” vào cuộc sống.
Theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo thì mức cho vay đối với hộ cận nghèo không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo; lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Đây có thể coi là chiếc “chìa khóa” vàng mở cánh cửa phát triển kinh tế cho hàng nghìn hộ cận nghèo tỉnh ta, bởi câu chuyện thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trăn trở. Là một tỉnh khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao (26,95%); đặc biệt có 6 huyện nằm trong “danh sách nghèo” theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm qua, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân phát triển KT - XH: Đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, xóa nhà tạm... Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Chỉ tính riêng từ năm 2012 – 2013, toàn tỉnh đã có 20.239 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, điều khiến các ngành chức năng phải suy nghĩ là có đến 9.196 hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh; con số này cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn chưa thật sự bền vững; khi mà nguy cơ chịu ảnh hưởng về thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất thường... luôn rình rập đời sống của người dân thì ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo là rất mong manh; nguy cơ tái nghèo làđiều khó tránh khỏi.
Ghi nhận sau hơn 1 năm triển khai thực hiện gói tín dụng dành cho hộ cận nghèo theo quyết định 15 (có hiệu lực từ 1.5.2013); Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tích cực triển khai, giúp người dân sớm tiếp cận được nguồn vốn. Tổng dư nợ đến thời điểm hiện tại đạt 72.721 triệu đồng, đã giải ngân cho 2.875 hộ cận nghèo vay vốn. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm, doanh số cho vay đối với hộ cận nghèo đạt 20.329 triệu đồng.
Niềm vui được nhân lên đối với các hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh khi vào tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh có Quyết định 352/QĐ-UBND về việc về phê duyệt phương án hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Theo đó, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong 36 tháng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH với định mức 22 triệu đồng/hộ để mua trâu hoặc bò sinh sản, trồng cỏ và làm chuồng trại (không kể các chương trình tín dụng ưu đãi khác). Đến thời điểm này, các huyện đều đang tích cực giải ngân, hàng trăn hộ cận nghèo không có trâu, bò sinh sản thì nay đã có được “đầu cơ nghiệp” là đầu kéo cho con tàu kinh tế gia đình. Cùng thời điểm này, Ngân hàngCSXH đã có quyết định 34/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh lên 50 triệu đồng/hộ vay; điều này đồng nghĩa các hộ cận nghèo sẽ được hưởng gói tín dụng cho vay bằng với gói cho vay của hộ nghèo theo Quyết định 15. Từ đây, khó khăn về nguồn vốn vay mở rộng, phát triển sản xuất của hộ cận nghèo được tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên, anh Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Với các chính sách ưu đãi này, hộ cận nghèo đang có cơ hội để phát triển bền vững; họ đã được đáp ứng nhu cầu về bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh; bước đầu, một số mô hình đầu tư ngắn ngày đã mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để nguồn vốn vay thực sự có ý nghĩa, làm đổi thay cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... thì cấp ủy, chính quyền địa phương và các Tổ tiết kiệm và vay vốn cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc quản lý nguồn vốn vay, tránh trường hợp sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích dẫn đến nợ xấu”.
Kết quả dư nợ cho vay hộ cận nghèo thời gian qua cho thấy, các huyện có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế như Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang... có doanh số dư nợ cao; các huyện được hưởng lợi theo Nghị quyết 30a của chính phủcó số dư nợ đạt thấp, trong khi tỷ lệ hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo ở các huyện này cao hơn các huyện vùng thấp vì họ phải sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn và thường xuyên hứng chịu sự bất thường của thời tiết. Thêm một lý do được phía Ngân hàng CSXH đưa ra là tuy được ưu đãi, những nhiều hộ cận nghèo các vùng khó khăn vẫn chưa thực sự mặn mà; họ yên phận với thành tích “thoát nghèo” và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức tự vay vốn để vươn lên làm giàu chưa thực sự rõ nét.
Về vấn đề này, ông Đăng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Bắc Mê cho biết: Từ khi có các chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn; người dân trên địa bàn huyện đã được hưởng lợi rất nhiều; đặc biệt là Quyết định 352 của UBND tỉnh đã giúp; hàng trăm hộ cận nghèo đã có bò sinh sản để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là các hộ dân chưa chủ động tiếp cận nguồn vốn tín dụng; phía chính quyền địa phương phải làm cam kết với người dân về sử dụng nguồn vốn hiệu quả và khi có bò mới thực hiện giải ngân; một số hộ gia đình đã có trâu,bò không muốn tiếp cận vốn vay hộ cận nghèo nữa.
Để chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp họ thoát khỏi tình trạng chênh vênh: Tái nghèo, thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập để cải thiện đời sống; đó mới là gốc rễ cho sự thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc