Vị Xuyên quan tâm cơ chế hỗ trợ, hình thành vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa
HGĐT- Nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, từ năm 2011 đến nay, huyện Vị Xuyên quan tâm thực hiện chương trình phát triển sản xuất lúa, ngô hàng hóa. Để thực hiện được kế hoạch và mục tiêu đề ra, huyện tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trong tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện cơ chế hỗ trợ.
Đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương kiên cố phục vụ tưới tiêu ở xã Việt Lâm.
Bước đầu thực hiện, huyện đặt mục tiêu đến năm 2015 hình thành vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa quy mô 1.000 ha, trong đó 700 ha lúa và 300 ha ngô. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo ngành chức năng rà soát diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện để xây dựng quy hoạch vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa đảm bảo tính khả thi cao. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý nghĩa của chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa nhằm tạo sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động. Huyện cũng nghiên cứu, tận dụng cơ chế, chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh, lồng ghép với nguồn hỗ trợ từ phương án sản xuất lúa, ngô hàng hóa của tỉnh giao cho huyện hàng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nhân dân. Tính từ năm 2011 đến nay, huyện hỗ trợ cho nhân trên 530 tấn vôi bột, kinh phí trên 1.800 triệu đồng giúp nhân dân khử chua, cải tạo đồng ruộng; hỗ trợ 9.800 gói chế phẩm ủ phân xanh, trị giá gần 300 triệu đồng để hỗ trợ cho nhân dân sản xuất ra gần 10.000 tấn phân hữu cơ bón cây trồng; hỗ trợ 30% giá cho nhân dân mua 22 tấn phân bón viên nén để bón thúc đồng ruộng... Ngoài triển khai cơ chế hỗ trợ, huyện còn tập trung xây dựng các mô hình trình diễn xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thâm canh có ứng dụng khoa học, kỹ thuật theo đúng quy trình sản xuất cho người dân học tập. Nhằm đảm bảo yêu cầu sử dụng nước tưới, tiêu cho đồng ruộng, huyện hỗ trợ các địa phương sửa chữa hệ thống kênh mương với tổng số tiền trên 5.500 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ các Tổ hợp tác điều tiết thủy lợi trên 1.900 triệu đồng, hỗ trợ duy tu, nâng cấp, cải tạo kênh mương, thủy lợi trên 3.600 triệu đồng.
Từ các giải pháp thực hiện, đến nay huyện cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra trong chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa trên cả phương diện về diện tích cũng như giá trị sản phẩm trên một đơn vị đất canh tác. Hiện nay, huyện hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa với quy mô 1.000 ha, tập trung chính ở các xã Việt Lâm, Trung Thành, Linh Hồ, Phú Linh, Đạo Đức, Tùng Bá. Trên cơ sở quy hoạch chung của huyện, các địa phương tiến hành sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đảm bảo tiêu chí 5 cùng “Cùng làm đất, cùng giống, cùng cấy, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch”. Bên cạnh đó, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và thực hiện cho vay có thu hồi để nhân dân đảm bảo nguồn vốn. Qua đó, năng suất, giá trị lúa trong vùng quy hoạch sản xuất lúa hàng hóa có sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, năng suất lúa bình quân đạt gần 70 tạ/ha, tăng gần 15 tạ/ha so với năm 2011, giá trị thu được đạt gần 60 triệu đồng/ha, tăng trên 9 triệu/ha so với năm 2011. Đối với cây ngô hàng hóa, huyện chỉ đạo các xã rà soát lại diện tích đất trồng lúa không đảm bảo điều kiện canh tác, đặc biệt không chủ động được nguồn nước tưới tiêu để chuyển sang trồng ngô. Qua đó, tăng thêm diện tích ngô trong vùng quy hoạch sản xuất ngô hàng hóa, kết quả đạt vùng sản xuất hàng hóa có diện tích 2.500 ha, tập trung ở các xã Trung Thành, Đạo Đức, Ngọc Linh, Linh Hồ, Phong Quang... Với việc vận động nhân dân xây dựng vùng sản xuất ngô chuyên canh kết hợp đầu tư thâm canh theo đúng quy trình nên năng suất, sản lượng ngô tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể đến nay, năng suất ngô đạt 46 tạ/ha, tăng trên 15 tạ/ha so với năm 2011, giá trị thu được đạt trên 32 triệu đồng/ha, tăng gần 15 triệu/ha. Không những thế, trong vùng sản xuất ngô đã đẩy vụ sản xuất ngô từ 2 vụ lên 3 vụ, đưa cây ngô vụ Đông trở thành vụ chính tại các xã Đạo Đức, Việt Lâm, Trung Thành...
Đạo Đức là địa phương đi đầu trong việc sản xuất lúa, ngô hàng hóa. Trong những năm gần đây, xã tập trung sản xuất các loai giống lúa thuần chất lượng cao, dù năng suất không cao hơn so với các loại giống lúa lai nhưng giá thành sản phẩm cao nên đảm bảo mục tiêu nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Điển hình, trong vụ Xuân vừa qua, xã thí điểm đưa giống lúa Khẩu Mang, giống lúa đặc sản ở Đồng Văn vào gieo trồng, kết quả cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất 50 tạ/ha. Đến vụ Mùa năm nay, bà con tiếp tục đưa giống lúa Khẩu Mang trên diện tích 2 ha. Riêng đối với cây ngô, ngoài sản xuất ngô bán cho thị trường phục vụ nhu cầu chăn nuôi, bà con trong xã còn sản xuất ngô nếp để phục vụ nhu cầubắp ngô tươi trên thị trường, trong vụ ngô Đông năm 2013, xã triển khai trồng 25 ha ngô nếp chỉ phục vụ nhu cầu mua bắp ngô tươi trên thị trường đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho bà con. Đồng chí Lê Đình Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện đề án phát triển sản xuất ngô hàng hóa, năm 2014 xã được huyện hỗ trợ trên 130 triệu đồng, số tiền này xã hỗ trợ giá giống ngô năng suất, chất lượng cao cho bà con sản xuất trong vụ Hè - thu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho nhân dân tiếp tục triển khai trồng ngô vụ Đông, trong đó sẽ hỗ trợ giống cho bà con trồng thí điểm 4 ha ngô nếp tím đáp ứng thị trường. Giống như xã Đạo Đức, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp từ khi triển khai, thực hiện chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa.
Tới đây, huyện duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa, ngô hàng hóa tại các địa phương có điều kiện. Trong đó quan tâm đầu tư thâm canh trên cơ sở xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với cơ giới hóa nông nghiệp. Nhằm đảm bảo hỗ trợ cho người dân lâu dài, huyện mở rộng hình thức đầu tư có thu hồ để tái đầu tư. Thực hiện chặt chẽ khung thời vụ khép kín để mở rộng diện tịch ngô xuống ruộng vụ Đông trên đất lúa 2 vụ tại các xã vùng thấp. Và để chương trình sản xuất lúa, ngô hàng hóa thành công hơn, huyện cần tỉnh hỗ trợ về thủy lợi phí, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi. Xem xét hỗ trợ huyện xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, vừa bao tiêu sản phẩm ngô cho nhân dân, vừa giảm giá thành thức ăn chăn nuôi trên địa bàn...
Ý kiến bạn đọc