“Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn”
HGĐT- Tham gia chương trình truyền hình "Khi lãnh đạo lắng nghe" với tư cách khách mời đối thoại trực tiếp, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Lắng nghe để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn. Đây là chuyên mục mới của Đài PT-TH tỉnh với tên gọi "Chính sách và cuộc sống", được thực hiện dưới hình thức diễn đàn, nhằm chuyển tải ý kiến của người dân, cũng như nhận định, phân tích, quan điểm của cấp quản lý, nhằm làm sáng tỏ chủ trương, chính sách, vấn đề phát sinh khi triển khai chính sách vào cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh trao đổi về chủ đề “Khi lãnh đạo lắng nghe” tại trường quay Đài PTTH tỉnh. Ảnh: PHI ANH |
“Dư luận tốt” đó là đánh giá chung về một trong những thành tựu đạt được của năm 2011 vừa qua. Có được dư luận tốt là cả một quá trình hành động, với những việc làm cụ thể, nhằm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị. Tâm thế sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, để kịp thời điều chỉnh chính sách, từ đó có những hoạch định chiến lược, đường hướng phát triển sát với thực tế đã nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Đó không chỉ là những lời nói mang tính lý thuyết mà đã được nhìn nhận, triển khai một cách nghiêmtúc. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thiết lập những kênh thông tin mang tính phổ cập để “bắt sóng” dư luận một cách kịp thời nhất, đồng thời tạo nên diễn đàn dân chủ để người dân nêu chính kiến, phản hồi các chính sách, chủ trương và giải pháp điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cuộc trao đổi giữa người dẫn chương trình với các vị khách mời gồm Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh; Phó Trưởng BTG Tỉnh uỷ Triệu Minh Tư xung quanh chủ đề “Khi lãnh đạo lắng nghe” đã gợi mở cho chúng ta nhiều điều.
- Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh: Lắng nghe là tạo lòng tin trong Đảng, trong quần chúng nhân dân. Nếu những người lãnh đạo không lắng nghe thì ai nghe dân, khi chúng ta biết nghe dân và dân cũng nghe chúng ta. Quan điểm này phải được thể hiện từ thực tiễn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Từ nghĩ đến nói, nói và làm phải có hiệu quả, như vậy chúng ta phải biết lắng nghe thì mới biết làm cái gì. Việc lắng nghe không chỉ của riêng cá nhân những người lãnh đạo, ai cũng vậy, người nói phải có người nghe, nghe phải thực hiện. Khi những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thể hiện quan điểm, tinh thần lắng nghe, thì mỗi người dân Hà Giang, với bổn phận của con người Việt Nam phải có trách nhiệm với tỉnh, biết đóng góp khi lãnh đạo lắng nghe. Việc lắng nghe của người lãnh đạo là để Đảng gần dân, dân gần với Đảng hơn, có như vậy mới tiếp thu, tổng hợp được nhiều giải pháp sớm đưa Hà Giang thoát nghèo.
- Đồng quan điểm với Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Triệu Minh Tư cho rằng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển. Trong thực tế, mọi sự sáng tạo đều xuất phát từ thực tiễn, thực tiễn sáng tạo ra và kiểm nghiệm, thực tiễn chính là dân, để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết phải nghe từ dân, người lãnh đạo phải biết tiếp thu, tổng hợp ý kiến nhân dân góp ý với mình để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Với cách làm như vậy vừa để Đảng hiểu dân, dân gần Đảng, như vậy chúng ta mới tiếp thu, tổng hợp được giải pháp đưa sớm đưa Hà Giang thoát nghèo.
- Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh khẳng định: Hiện nay, cả nước đang triển khai học tập Nghị quyết T.Ư 4 khoá XI, đây là một đòi hỏi bức thiết của xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay và Đảng bộ Hà Giang không nằm ngoài tình hình chung này. Khi chúng ta lắng nghe, để tiếp tục lãnh chỉ đạo, thông qua việc lắng nghe của người lãnh đạo thì việc triển khai Nghị quyết T.Ư 4 sẽ thực tiễn hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần nói: Giữa nghĩ và nói khác nhau, nói và làm lại còn khác nhau nữa, làm lại còn không đến nơi đến chốn thì khi nào Nghị quyết T.Ư 4 mới đạt được mong muốn, cho nên phải lắng nghe. Không chỉ người đứng đầu Đảng bộ tỉnh mà mỗi một người dân, cán bộ, đảng viên ở bất cứ vị trí công tác nào đều phải biết lắng nghe và phản hồi ý kiến. Như thế là sự cầu thị, tiến bộ hơn, nếu không biết lắng nghe, thấy mình bằng lòng với chính bản thân mình thì rất tai hại.
- Xung quanh vấn đề sử dụng thư điện tử như một kênh thông tin tiếp nhận ý kiến phản hồi, đóng góp của người dân, Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh cho rằng: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin và đang sống cần nhu cầu thông tin rất cao, đây là nhu cầu tự thân của mỗi một con người. Còn khi là lãnh đạo thì sử dụng như thế nào, thực tế lãnh đạo đi cơ sở thì sự phản ánh trực tiếp có khách quan và chủ quan. Nhưng phản ảnh gián tiếp qua thư điện tử cũng thể hiện chủ ý của người gửi thư. Từ khi thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông, thư điện tử của cá nhân Bí thư Tỉnh uỷ nhận được rất nhiều ý kiến. Và khi biết lắng nghe thì nhiều vụ việc tiêu cực sẽ được đưa ra ánh sáng, khi không biết lắng nghe thì luôn luôn khu trú những tiêu cực và nó có tính bảo thủ. Qua thư điện tử, có rất nhiều ý kiến đóng góp tình hình cán bộ, đảng viên, những vụ việc tiêu cực hoặc có đề xuất phương pháp đánh giá cán bộ của người Hà Giang, của cả những người không phải ở Hà Giang nhưng vẫn cống hiến cho Hà Giang. Cũng không loại trừ việc gửi thông tin qua thư điện tử của Bí thư để lồng ý kiến cá nhân, đưa thông tin không chính xác. Nhưng chúng ta có tập thể lãnh đạo, khi nhận được thông tin, Bí thư Tỉnh uỷ đều đưa ra tập thể lãnh đạo tỉnh để cùng nghe, cùng biết, việc tiếp cận thông tin phải có sàng lọc, kiểm chứng thực tế. Như vậy, những cái gì đúng phải là đúng, một cán bộ tốt thì không thể nói xấu được, mọi người mạnh dạn đóng góp ý kiến, cán bộ tốt dứt khoát dư luận tốt.
- Khi người dẫn chương trình truyền hình nêu vấn đề: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ” - lời nói phải thường khó nghe, Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh thẳng thắn: Hà Giang rất khó khăn, nói về Hà Giang là thấy khó khăn, nên phải biết nghe cả những vấn đề rất khó nghe mà thực tế đòi hỏi như vậy. Việc sử dụng thư điện tử của Bí thư Tỉnh uỷ là hình ảnh đầu tiên có tác động đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh, noi theo đó đội ngũ lãnh đạo các huyện, thành phố đều công khai thư điện tử và nhận được nhiều ý kiến. Những ý kiến lãnh đạo huyện nhận được, đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng nhận được, sự trao đổi thông tin giữa các cấp với nhau như thế thì sự kiểm chứng được tốt hơn. Điều này phục vụ đắc lực cho quá trình lãnh đạo, ra chủ trương, quyết sách của tỉnh. Việc nắm bắt thông tin như vậy, phải có quá trình, bắt đầu từ những người đứng đầu rồi đến một tập thể, cơ quan, cấp, ngành. Thực tế lâu nay không phải lãnh đạo không lắng nghe, vẫn lắng nghe nhưng nghe và làm thế nào, nghe và hiểu, nói và làm đến đâu thì phải có quá trình. Sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chương trình hành động của Đại hội, các kết luận của tập thể BTV, sau đó kiểm chứng quá trình triển khai của chính quyền các cấp để khẳng định rằng nói, chỉ đạo và điều hành đúng như thế, phải tạo được lòng tin trong dân. Chúng ta lắng nghe là nghe lại những việc chúng ta đã chỉ đạo, có phản hồi lại những gì chưa phù hợp, có nhiều việc hôm nay chưa phù hợp, nhưng ngày mai sẽ phù hợp cũng phải biết phân tích, lắng nghe, đánh giá thông tin.
- Đồng chí Triệu Minh Tư đồng tình quan điểm lấy dư luận là một trong những kênh để đánh giá cán bộ. Dư luận xã hội phản ánh theo nhiều chiều, người phản ánh sống trong những điều kiện khác nhau, môi trường khác nhau, những ý kiến phản ánh rất chân trọng, nhưng người lãnh đạo lắng nghe phải biết tổng hợp, tiếp thu, phân tích, đánh giá thông qua thực tiễn thì mới đánh giá chính xác cán bộ.
- Bí thư Tỉnh uỷ Triệu Tài Vinh: Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, dư luận trong Đảng, trong xã hội nhìn chung là tốt. Đối với Hà Giang, bầu không khí dân chủ, dư luận tốt sẽ là nguồn lực để tiếp tục lắng nghe, thấu hiểu và làm nhiều việc tốt hơn nữa.
- Đồng chí Triệu Minh Tư: Muốn nghe được nhiều ý kiến, người cán bộ phải tạo được niềm tin với dân. Khi tin, họ mới nói, khi tiếp nhận phải biết tôn trọng, sàng lọc, đánh giá, đấy là giúp ta hoàn thiện phương pháp lãnh đạo của mình, thể hiện việc học tập đạo đức, tác phong của Bác trong làm việc.
“Khi lãnh đạo lắng nghe” sẽ tạo được dư luận lành mạnh hơn, đó là kết quả của nhiều ngày, nhiều cách Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang đã nỗ lực làm cho hình ảnh của tỉnh dần đẹp lên trong mắt bạn bè. Đặc biệt là cố gắng trong cách thông tin, tiếp nhận thông tin, làm sao để Đảng gần dân, dân gần Đảng hơn, để người cán bộ lãnh đạo sát dân, hiểu dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, từ đó có những điều chỉnh trong chính sách, chủ trương cho phù hợp với cuộc sống. Điều này chỉ đạt được khi mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp uỷ, chính quyền biết vận dụng bài học “lắng nghe” và xử lý thông tin một cách sáng suốt, hữu ích, có lý, có tình... Đây chính là thông điệp chương trình muốn chuyển đến độc giả và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc