Từ cực Bắc về miền đất Tổ

07:39, 24/03/2016

BHG- Giữa những ngày tháng Ba sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuổi trẻ Báo Hà Giang cùng với báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tiếp nối “Hành trình về nguồn” được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ. Cuộc hội ngộ lần thứ 11 thực sự ý nghĩa khi chúng tôi – những người làm báo nơi cực Bắc được trở về vùng đất của di sản văn hóa, cội nguồn dân tộc.

Đoàn viên, thanh niên Báo Hà Giang trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng.
Đoàn viên, thanh niên Báo Hà Giang trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng.

Đặt chân tới miền đất Phú Thọ, ấn tượng đầu tiên chính là nét đặc trưng của vùng đất trung du, từ những quả đồi hình bát úp cho đến cánh đồng trải dài ngút tầm mắt hay những dải đất phù sa ven sông đều hiện hữu màu xanh của cây cối tốt tươi. Trong chuyến hành trình về vùng đất Phú Thọ được mệnh danh “đẹp như gấm hoa”, chắc hẳn ai cũng thấy thêm tự hào về đất nước, quê hương mình.

Sáng sớm, khi đất trời còn đang giao hòa ở Đền Thượng, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, 19 báo Đảng: Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Hà Nội Mới và Báo Kinh tế đô thị đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Đối với mỗi người dân đất Việt, chắc hẳn đều biết Đền Hùng đã in đậm những sự tích ngợi ca công cha, nghĩa mẹ. Công đức của các Vua Hùng là niềm tự hào, là nơi hội tụ của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt các báo Đảng, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ Nguyễn Kim Chi tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Đồng thời, các báo đã trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, đánh dấu năm thứ 11 “Hành trình về nguồn” nhiều ý nghĩa.

Tiếp tục hành trình, tuổi trẻ các báo đến với mảnh đất Tam Nông, một huyện còn nhiều khó khăn của Phú Thọ. Tại đây, tuổi trẻ báo Đảng được hiểu biết thêm về truyền thống cách mạng khi thăm đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích – người đã lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp và giành nhiều thắng lợi oanh liệt. Đối với mỗi đoàn viên, thanh niên, có lẽ vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi đứng dưới Cột cờ Hưng Hóa mang dáng dấp Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nơi cực Bắc Hà Giang. Cột cờ này được xây dựng vào triều Nguyễn, đời vua Thiệu Trị thứ 3 (1842), gắn liền với hoạt động của Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích và phong trào Cần Vương (1885 – 1893). Tại đây, trong Cách mạng Tháng 8.1945, Mặt trận Việt Minh đã cắm cờ đỏ sao vàng và tổ chức Lễ ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Cột cờ được xây dựng với đế lớn hình vuông rộng 17,52m, cao 2,40m; đế nhỏ hình vuông, rộng 11,42m, cao 3.10m; thân Cột cờ hình bát giác, cao 18,34m, bên trong có 55 bậc; tổng chiều cao Cột cờ 23,84m. Năm 1999, Cột cờ Hưng Hóa được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa.

Trong “Hành trình về nguồn”, các báo Đảng luôn có những hoạt động hướng về cộng đồng gian khó. Năm nay, ở huyện Tam Nông, các báo đã chung tay, góp sức trao 100 suất quà đến với những học sinh nghèo vượt khó và trao 2 con bò sinh sản cho 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thay mặt các báo, đồng chí Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Hà Giang đã động viên, chia sẻ và cảm ơn sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân huyện Tam Nông đối với những người làm báo.

Chặng cuối của “Hành trình về nguồn”, các báo trở về Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh ở huyện Thanh Thủy - một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Đây được xem là điểm xuất phát để ngành du lịch Phú Thọ tạo đà phát triển dịch vụ, du lịch trong hành trình về miền đất Tổ. Nơi đây, vốn là bãi bồi nổi giữa sông Hồng, bên dưới có một mạch ngầm nước khoáng nóng với trữ lượng lớn nhất cả nước. Vì thế, Đảo Ngọc Xanh như một hòn đảo ngọc, xanh biếc giữa lòng thành phố. Cũng tại nơi đây, báo Đảng các tỉnh trung  du, miền núi phía Bắc được hòa mình vào những làn điệu hát Xoan. Bạn Ma Ngọc Hưng, đoàn viên Báo Tuyên Quang cho biết: “Trước đây chỉ biết đến hát Xoan qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hôm nay, được trực tiếp chứng kiến mới thấy nét văn hóa độc đáo xứng danh di sản văn hóa phi vật thể.

Có đi mới biết và càng thêm yêu đất nước mình. Đó là động lực để mỗi chúng ta phát huy tinh thần xung kích, không ngại gian khó để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí”.

Tạm biệt mảnh đất cội nguồn, mỗi đoàn viên, thanh niên báo Đảng đều giữ cho mình những kỷ niệm đẹp về chuyến đi đầy ý nghĩa. Chia tay các đồng nghiệp, “Hành trình về nguồn” hẹn gặp lại năm 2017 ở Thủ đô Hà Nội.

Phú Thọ, tháng 3.2016

Ghi chép: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Đại hội Đảng bộ và Đại hội sản xuất Hà Giang (ngày 26.3.1961)

BHG- Hôm nay Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ lên thăm Đại hội Đảng và Đại hội sản xuất tỉnh nhà.

24/03/2016
"Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp"

BHG- Đây là một phong trào sôi nổi, đạt được kết quả cao của Đoàn thanh niên tỉnh ta trong những năm vừa qua mà trọng tâm là công tác định hướng, tư vấn và hỗ trợ giải quyết việc làm cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).

24/03/2016
In mãi dấu chân Người

BHG- Cánh đồng xã Phương Thiện, sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26.3, khuôn viên của Uỷ ban MTTQ tỉnh... những nơi mà hơn nửa thế kỷ trước đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm; đến nay như vẫn còn in mãi dấu chân Người với Cụm tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang", với cây đại vẫn mãi xanh tươi.

23/03/2016
Nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang

BHG- Ngày 26.3.1961, một dấu mốc lịch sử quan trọng luôn khắc ghi trong tâm trí bao thế hệ đồng bào các dân tộc Hà Giang, đó là ngày mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hà Giang được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc; được nghe Người trò chuyện, khen ngợi về những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp và thành quả trong xây dựng, phát triển KT - XH

19/03/2016