Hiệu quả mô hình trồng cam VietGap ở Quang Bình
BHG- Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của thứ quả “đặc sản” - Cam sành, huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2013. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế khả quan của anh Tưởng Văn Thành ở thôn Chàng Mới, xã Yên Hà. |
Quang Bình là một trong 3 huyện có diện tích cam lớn nhất của tỉnh với hơn 2.300 ha, trong đó có hơn 700 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình gần 4.000 tấn quả mỗi năm. Từ năm 2013, huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện sản xuất Cam sành theo hướng VietGap, từng bước phát triển vùng sản xuất cam hàng hóa tập trung.
Ban đầu, huyện thành lập 2 Tổ sản xuất cam VietGAP tại 2 xã Hương Sơn và Yên Hà với 33 hộ dân đăng ký tham gia phát triển 31,6 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia Tổ sản xuất, các hộ dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây cam theo đúng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn; từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, mẫu mã, chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, họ có điều kiện trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, liên kết, nắm bắt thông tin thị trường (giá cây giống, phân bón, giá cam thành phẩm, thị trường tiêu thụ). Đến nay, diện tích cam VietGAP của huyện Quang Bình đã mở rộng được trên 480 ha. Số lượng Tổ sản xuất cam cũng phát triển lên 15 tổ tại 7 xã: Hương Sơn, Yên Hà, Tân Trịnh, Tiên Yên, Bằng Lang, Vĩ Thượng và Xuân Giang với 557 hộ dân tham gia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh cho biết: Sản phẩm cam VietGap luôn được thương lái chọn mua vì được đảm bảo an toàn về chất lượng, mẫu mã đẹp, đều và có thể bảo quản trong thời gian dài. Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây cam, đồng thời giữ vững uy tín và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm cam sành của địa phương. Nhờ đó, thu nhập của các hộ trồng cam cũng ngày càng tăng cao, nhiều gia đình đã thoát nghèo, làm giàu bền vững, tiêu biểu như gia đình ông Lưu Tiến Long ở xã Hương Sơn, Đào Duy Hạnh ở xã Yên Hà, Nguyễn Quang Ý ở xã Vĩ Thượng... Vụ cam năm nay, sản lượng cam tăng cao hơn so với vụ trước, dự tính có thể được trên 4.500 tấn, giá cam Sành tại vườn đầu vụ được khoảng 10.000 đồng/kg và chắc chắn sẽ tăng giá thêm vào chính vụ.
Hợp tác xã (HTX) Xuân Khu ở thôn Xuân Phú, xã Yên Hà, một trong những “Tổ sản xuất cam VietGAP” ra đời đầu tiên trên địa bàn huyện Quang Bình được thành lập từ năm 2013 với 11 thành viên là các hộ dân tại 2 thôn Xuân Phú và Xuân Hà. Đến đầu năm nay, Tổ sản xuất cam VietGAP Xuân Khu đã phát triển lên thành HTX với 31 thành viên. Ông Đặng Huy Tiến, Phó Giám đốc HTX Xuân Khu, chia sẻ: Phát triển thành HTX không chỉ tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các xã viên mà còn góp phần hoàn thiện cơ cấu quản lý, vận hành; mở rộng nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh; đảm bảo giá trị sản phẩm cam Sành ra thị trường ổn định, không bị cạnh tranh phá giá. Diện tích cam được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP của HTX Xuân Khu có 33,2 ha (tăng gấp 4 lần so với diện tích năm 2013). Sản phẩm cam đưa ra thị trường có mẫu mã đẹp, đồng đều, được đóng thùng 10 kg, có địa chỉ, mã vạch rõ ràng, được nhiều thương lái Hà Nội, Thái Nguyên, Lào Cai... ưa chuộng. Với giá bán bình quân 10.000 – 20.000 đồng/kg, các thành viên trong HTX thu lãi được từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi vụ cam.
Gia đình anh Tưởng Văn Thành ở thôn Chàng Mới, xã Yên Hà có 1 ha cam trong tổng diện tích cam VietGAP của Tổ sản xuất cam VietGAP Thành Mới. Anh Tưởng cho hay: “Vụ cam năm nay, do được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật VietGAP, cây cam rất sai quả, trung bình mỗi cây cho 2 – 3 tạ quả, dự kiến sẽ thu khoảng 20 tấn quả (năng suất cao gấp 4 lần so với vụ cam trước); mẫu mã quả đẹp và đều hơn so với phương pháp trồng, chăm sóc cam truyền thống. Nếu giá cam vẫn ổn định như năm ngoái thì gia đình tôi có thể thu được cả trăm triệu trong vụ cam này”.
Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất cam hàng hóa ổn định, bền vững, thời gian tới, huyện Quang Bình xác định sẽ duy trì ổn định diện tích cam (không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cam ồ ạt); đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KH – KT vào sản xuất cam VietGAP; kiểm soát chặt chẽ chất lượng cam thành phẩm trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ; tăng cường quảng bá sản phẩm cam tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
YẾN VŨ
Ý kiến bạn đọc