Kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
BHG - Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 đã khẳng định: Từ sau khi thành lập BCĐ T.Ư đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta
Thế nhưng, thời gian qua, lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực y tế có sai phạm bị xử lý kỷ luật, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại cho rằng: “Bác sĩ đánh rơi y đức vì thể chế?”. Đây là luận điệu đã cố tình xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm phủ nhận sự quyết tâm, kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh và xử lý tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Chính phủ.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không dung túng, bao che cho cán bộ, đảng viên đã “nhúng chàm” dù người đó là ai, ở cương vị nào! Nhận thức rõ tầm quan trọng và những ảnh hưởng to lớn trực tiếp của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với toàn xã hội, Đảng, Chính phủ đã thực hiện tốt công tác này. Quốc hội chú trọng sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật kịp thời hoàn thiện cơ chế bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm khắc phục các kẽ hở ở các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Công tác cán bộ, tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng được tiến hành như: Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020… thể hiện quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Điều đó còn được thể hiện ở tư tưởng, quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” và kết luận chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã nhấn mạnh: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”. Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 13/9/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo: “Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư… trong phòng, chống dịch Covid-19”. Đặc biệt, gần đây nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Việt Á, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào.
Các vụ việc được phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh càng minh chứng cho thái độ kiên quyết xử lý tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Chính phủ. Điều này thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, không bỏ lọt tội phạm, dù là ai ở cương vị cao tới đâu, chuyên môn giỏi cỡ nào nhưng nếu đã vi phạm kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực thì đều bị xử lý theo pháp luật.
Sự kiên quyết, kiên trì, nghiêm minh trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là minh chứng chân thực nhất phản bác luận điệu phản động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, đấu tranh vạch trần mọi thủ đoạn, âm mưu đưa tin xuyên tạc sự thật của các thế lực phản động trên các trang mạng xã hội!
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng)
Ý kiến bạn đọc