Cuộc sống mới ở Lùng Thàng
BHG - Lùng Thàng là thôn biên giới của xã Xín Cái (Mèo Vạc), từ xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng tinh thần vượt khó của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, đến nay đời sống ở Lùng Thàng đã từng bước đổi thay, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần giữ gìn đường biên mốc giới.
Thôn Lùng Thàng giáp ranh với 2 thôn Mè Nắng và Sả Nhè Lử, có 2,5 km đường biên giới, được giao nhiệm vụ tự quản 6 mốc chính, 10 mốc phụ, từ Mốc 480 đến Mốc 485. Thôn có 49 hộ, 279 khẩu, trong đó có 10 đảng viên, dân tộc Dao chiếm đa số, sống rải rác trên các sườn núi có độ dốc lớn. Phát triển kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tỷ lệ lao động chưa có việc làm còn nhiều, trình độ dân trí chênh lệch cao. Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xín Cái đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại vật nuôi, cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho nhân dân. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày một tăng lên, cuộc sống ổn định hơn.
Người dân thôn Lùng Thàng kiểm tra cột mốc biên giới 484. |
Gia đình ông Phàn Vần Thàng trước đây kinh tế khó khăn, thu nhập chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, được chính quyền địa phương và cán bộ biên phòng tuyên truyền, vận động, ông đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp. Hiện tại, ngoài kinh doanh cửa hàng tạp hóa, còn nuôi bò, lợn, dê, trồng thêm ngô, lúa phục vụ gia đình và chăn nuôi.
Cùng với thi đua phát triển kinh tế, bà con trong thôn cũng tích cực tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ban quản lý thôn thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng và Công an xã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh tố giác, phát giác tội phạm; chấp hành tốt các quy định của pháp luật, quy chế khu vực biên giới. Thôn có tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc với thành viên là các gia đình có đất canh tác giáp biên. Quá trình sinh sống, canh tác, các thành viên trong tổ tự quản và nhân dân trong thôn luôn đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, chủ động báo với lực lượng chức năng khi phát hiện những bất thường xảy ra trên biên giới. Qua đó, nhiều nguồn tin có giá trị được người dân trong thôn cung cấp giúp chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng (BĐBP) kịp thời xử lý các vụ việc. Nhờ đó, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, vận chuyển hàng cấm cơ bản được kiểm soát.
Anh Hoàng Sơn Lùng, người dân thôn Lùng Thàng chia sẻ: Sinh sống tại khu vực biên giới, tôi cũng như bà con nơi đây luôn nêu cao trách nhiệm, thường xuyên phối hợp với cán bộ, chiến sỹ BĐBP tham gia tuần tra đường biên, mốc giới. Các thành viên trong tổ tự quản luôn nhắc nhở bà con phải có trách nhiệm với bản, với biên giới, không phát rừng, xâm phạm vào đường biên giới. Nếu phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo ngay với chính quyền địa phương và BĐBP để kịp thời xử lý.
Giờ đây, thôn biên giới Lùng Thàng đang thật sự đổi thay, bản làng khang trang, sạch đẹp. Trong năm 2023, tổng diện tích gieo trồng toàn thôn là 29 ha, đàn gia súc 301 con, người dân thực hiện tốt việc chăm sóc và bảo vệ rừng. Thôn có 26 hộ khá, 34 hộ trung bình, 6 hộ cận nghèo và 9 hộ nghèo. 100% số hộ đều được sử dụng điện thắp sáng, 90% hộ có phương tiện đi lại, 100% trẻ em ở độ tuổi được đến trường.
Theo đồng chí Chảo Chỉn Chản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xín Cái, cho biết: Tuy là thôn vùng biên còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân thôn Lùng Thàng luôn đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất và tích cực tham gia các phong trào của địa phương, cùng chung tay góp sức với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên của Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giảm dần diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả có lợi thế, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế ổn định và phát triển là nền tảng để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới trên địa bàn.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc