Những người lính “hai vai”
BHG - Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính biên phòng, những người lính mang quân hàm xanh về tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy 34 xã, thị trấn biên giới của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), giúp nhân dân vùng biên vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trung tá Đặng Hữu Hạc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) thăm mô hình sản xuất chè của gia đình anh Nông Đình An, thôn Giang Nam. |
Trước khi được nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy (Vị Xuyên), Trung tá Đặng Hữu Hạc, Sỹ quan Biên phòng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy từng có thời gian dài làm cán bộ tăng cường cấp xã. Đã nhiều năm tiếp xúc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc vùng biên nên anh hiểu và dễ chia sẻ với bà con. Bởi vậy, hình ảnh Trung tá Hạc gần gũi, tận tâm, trách nhiệm đã in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Với kinh nghiệm dày dặn, anh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những cách làm mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
Nhờ sự góp sức của Trung tá Hạc, đến nay, 7 thôn của xã Thanh Thủy đều có Tổ tự quản về ANTT, khu vực trung tâm xã được lắp đặt camera an ninh, dòng họ Bồn thôn Nặm Ngặt là dòng họ tự quản ANTT. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân đang sinh sống trên vùng phên dậu của Tổ quốc, anh còn tích cực bám nắm địa bàn, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới và xóa bỏ hủ tục. Trung tá Hạc cho biết: “Trong các thôn của xã, 4 thôn vùng cao Lùng Đoóc, Cốc Nghè, Nà Toong và Nặm Ngặt khó khăn nhất, còn sót lại nhiều bom, mìn, kỷ vật sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Có những người đi làm nương, chăn thả gia súc không may dẫm phải bom, mìn mà mất tay, mất chân, hỏng mắt, nên điều tôi mong muốn nhất là giúp đỡ bà con thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống. Giờ đây, các gia đình dần tiến bộ, đổi mới hơn trong cách nghĩ, cách làm kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cho thu nhập ổn định”.
Người dân thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) sản xuất chè sao phơi nắng để xuất khẩu. |
Ngay khi về xã Thanh Thủy, Trung tá Hạc đã phát huy được vai trò trong công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng ưu tú kết nạp Đảng, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Chị Trần Thị Thủy, Bí thư Chi bộ thôn Giang Nam chia sẻ: “Thôn có 310 hộ, số đảng viên có 35 đồng chí. Đồng chí Hạc được cấp ủy xã phân công phụ trách, theo dõi và trực tiếp tham gia sinh hoạt tại chi bộ; đồng chí luôn quan tâm, cùng Chi bộ tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên và định hướng, chỉ đạo rất sát thực tế những vấn đề mà đảng viên, người dân quan tâm. Dù nằm ở địa bàn phức tạp nhất, có đến 50 hộ kinh doanh, đa dạng ngành nghề song tình hình ANTT của thôn được giữ vững, người dân nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thông thương hàng hóa sau khi mở cửa hoạt động tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy”.
Tỉnh ta có đường biên giới dài hơn 227 km, có 34 xã, thị trấn biên giới với 123 thôn, bản giáp biên. Thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được bố trí chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn biên giới, sự hiện diện của những người lính đã góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa quân, dân và cấp ủy, chính quyền nơi vùng biên. Có thể thấy, trên mọi mặt lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, phát triển KT - XH, đảm bảo AN - QP, cán bộ BĐBP đã hiến kế những cách làm cụ thể, thiết thực và đem lại những kết quả ấn tượng. Từ năm 2017 đến nay, các xã, thị trấn biên giới kết nạp 958 đảng viên mới; kiện toàn 346 tổ an ninh tự quản; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên 5.000 buổi, thu hút hàng nghìn lượt người nghe; duy trì 107 tập thể và 856 hộ gia đình, cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc giới; hỗ trợ cho 258 nghìn lượt hộ phát triển sản xuất và xây dựng hơn 100 mô hình giảm nghèo. Đặc biệt, trong đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường có 16 đồng chí tham gia HĐND các xã, thị trấn, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thượng tá Lê Việt Phương, Phó Chính ủy Bộ BĐBP tỉnh cho biết: “Một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn cán bộ BĐBP tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn biên giới là có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao. Hơn nữa, các đồng chí phải có tâm huyết với đồng bào các dân tộc, am hiểu địa bàn, tiếng nói, tâm lý và phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Qua đánh giá, nhận xét hằng năm, đa số các cán bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được nhân dân, cấp ủy, chính quyền tín nhiệm. Với bản lĩnh của người lính, tin chắc rằng các đồng chí sẽ luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, đồng hành, giúp cho đời sống đồng bào biên cương ngày càng đổi thay, khởi sắc”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc