Những người thầy mang quân phục
BHG - Khi nhắc đến các thầy, cô giáo chúng ta nghĩ ngay đến những người đang làm công tác giảng dạy trong các nhà trường. Nhưng với đặc thù của Quân đội, ngoài các thầy, cô giáo đang công tác tại các học viện, nhà trường thì những cán bộ quản lý, chỉ huy vẫn ngày đêm quản lý bộ đội, bám nắm thao trường, bãi tập, sinh hoạt, uốn nắn từng động tác, chỉ bảo từng hành động, tác phong, lời nói giúp chiến sĩ trưởng thành. Họ xứng đáng được tôn vinh là những người thầy, với nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả.
Huấn luyện Điều lệnh đội ngũ cho chiến sỹ mới. |
7 giờ sáng, trước sân chào cờ Trung đội Cảnh vệ, Bộ CHQS tỉnh đã nghe tiếng hô vang của Thiếu úy Hoàng Xuân Hùng, Trung đội trưởng Trung đội Cảnh vệ, bằng phương pháp chia nhỏ, tập nhiều, làm chuẩn, mẫu động tác của Thiếu úy Hoàng Xuân Hùng và tinh thần hăng say của chiến sĩ, kết thúc buổi tập, các đồng chí tập các động tác nghi lễ hợp luyện khá thống nhất.
Tranh thủ giờ giải lao, tôi bắt chuyện với Binh nhất Nguyễn Văn Biên: “Những ngày đầu huấn luyện các động tác nghiệp vụ nghi lễ, tiêu binh, đặc biệt là các động tác sử dụng súng trường CKC là những động tác khó, tôi hay bị mất tập trung nên không đồng nhất với các đồng chí khác trong đội. Nhiều khi tay, chân mỏi rã rời thực hiện động tác cũng không chuẩn xác. Một, hai lần đầu đồng chí Hùng nhắc nhở, lần thứ ba thì đồng chí Hùng dùng giải pháp “lấy tập thể rèn cá nhân”, khi tôi làm sai thì cả đội phải tập lại từ đầu. Để không ảnh hưởng đến tập thể và nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, tôi cố gắng tập luyện, tự rèn từng động tác theo kịp với đồng đội”.
Mặc dù là sỹ quan trẻ mới ra trường nhưng từ khi nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng Cảnh vệ, Thiếu úy Hoàng Xuân Hùng đã áp dụng những kiến thức được đào tạo ở nhà trường để uốn nắn, truyền thụ giúp chiến sĩ trưởng thành lên từng ngày và gắn bó với môi trường Quân đội. Thiếu úy Hoàng Xuân Hùng cho biết: “Người cán bộ chỉ huy phải là người mẫu mực trong lời nói, việc làm để bộ đội luôn xem đơn vị là nhà, đồng đội là anh em. Ở đâu có hoạt động, công tác của bộ đội, ở nơi đó có cán bộ chỉ huy. Các biện pháp trong quản lý, huấn luyện bộ đội cũng được chúng tôi “mềm hóa” tạo tâm lý tích cực, giảm bớt áp lực trong thực hiện nhiệm vụ và xây dựng mối quan hệ cán binh ngày càng gắn bó”.
Với các chiến sĩ ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 877, những bài giảng chính trị của Đại úy Ngô Thanh Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn đã đi vào tâm trí mỗi người. Bởi nó không chỉ mang ý nghĩa về quân sự, chính trị mà còn là bài học trong cuộc sống, giữa đồng chí, đồng đội. Binh nhì Vũ Quốc Khánh, Đại đội 3 chia sẻ: “Sau giờ học tập, huấn luyện, anh em trong đơn vị chúng tôi đều hào hứng tham gia các buổi sinh hoạt do đồng chí Sơn chủ trì. Ở đó, chúng tôi học thêm nhiều kiến thức bổ ích, hiểu thêm giá trị cuộc sống và nghe những câu chuyện của người lính trong thời bình. Để chiến sĩ an tâm tư tưởng, hoàn thành nhiệm vụ. Đại úy Ngô Thanh Sơn cùng các đồng chí cán bộ luôn động viên, chia sẻ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vơi đi nỗi nhớ nhà và giải tỏa áp lực trong học tập, huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ”. Theo Đại úy Ngô Thanh Sơn, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội, Chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn. Qua những buổi sinh hoạt chính trị, nói chuyện tọa đàm, tôi cố gắng truyền thụ tối đa kiến thức cho các chiến sĩ, nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò của người lính thông tin trong thời đại mới, đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người để có hướng quan tâm, động viên, giải quyết kịp thời.
Tri ân nghề giáo không chỉ là tôn vinh những thầy, cô đứng trên bục giảng. Trong đó còn có những đồng chí cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, chỉ huy là người đưa đò bao thế hệ chiến sĩ, vững bước, trưởng thành, góp phần xây dựng LLVT tỉnh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Trọng Tâm (Bộ CHQS tỉnh)
Ý kiến bạn đọc