Quân nhân "5 trong 1"
BHG - Đều đặn, 21 giờ 15 phút thứ 3 tuần 1 và thứ 3 tuần 3 trong tháng; tôi lại chăm chú xem chuyên mục Lực lượng vũ trang trên kênh truyền hình Hà Giang. Không biết tự lúc nào, tôi đã mê cái văn phong rắn rỏi nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển cùng những hình ảnh đẹp về anh bộ đội Cụ Hồ của tác giả Quốc Hoàn. Tháng 6 năm 2018, được tiếp xúc với Thượng úy Ngô Quốc Hoàn, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, Bộ CHQS tỉnh trong chuyến đi phòng, chống lụt bão tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên; khác với những gì tôi nghĩ, đã là nghệ sĩ thì râu, tóc phải bóng mượt, bồng bềnh..., nhưng với anh thì lại khác, khoác trên mình bộ rằn ri, trông anh rất khỏe mạnh, cứng cỏi; chuyến công tác đó đã để lại trong tôi khá nhiều ấn tượng. Khi cơn lũ đi qua, để lại sau nó là bao hậu quả nặng nề; người chết, nhà bị cuốn trôi, mưa như trút, đất đá sạt lở, dưới suối lũ gầm rú như muốn cuốn phăng đi tất cả... Giữa lúc mọi người ai cũng tìm cho mình nơi an toàn, thì anh lại dấn thân vào rốn lũ để ghi lại những hình ảnh về các lực lượng cứu hộ đang gồng mình đưa người dân ra vùng an toàn. “Nước lũ lớn thế, anh không sợ à ?” Khi tôi ái ngại hỏi, anh chỉ cười “Nhiệm vụ mà, là người lính Cụ Hồ, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng và hoành thành tốt. Những lúc khó khăn thế này, cũng là lúc người dân cần chúng ta nhất; và mình cần phải bám sát các lực lượng cứu hộ đến hiện trường để có những hình ảnh chân thực nhất phản ánh tới bạn xem truyền hình”.
Thượng úy chuyên nghiệp Ngô Quốc Hoàn (bên phải) tác nghiệp tại cơ sở. |
Khi tôi hỏi về gia đình, anh xúc động kể: “Sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang. Cuộc sống gia đình anh trước đây rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố là thương binh hạng 2/4, do mất 1/2 cánh tay trái; hiện vẫn còn nhiều mảnh đạn trong người. Những lúc trái gió, trở trời, người đau nhức nên không làm được việc nặng; nhưng ông đã cố gắng nuôi 4 chị em ăn học nên người. Bố tôi thường dặn các con không được làm gì ảnh hưởng đến truyền thống gia đình”. Theo ý nguyện của bố, năm 1998 anh tình nguyện nhập ngũ tại Hà Giang, nhờ sự chăm chỉ rèn luyện và sự giúp đỡ của đồng chí đồng đội, anh đã nhanh chóng trưởng thành.
Nhập ngũ và đóng quân tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 877; do có tay nghề sửa chữa điện tử từ nhà, nên ngoài giờ huấn luyện, anh được chỉ huy đơn vị phân công sửa chữa những vật tư, thiết bị điện tử của đơn vị. Sau thời gian công tác tại Trung đoàn 877, anh được chỉ huy phân công về Ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh với nhiệm vụ phụ trách hệ thống âm thanh Hội trường; rồi cơ duyên nghề phóng viên đến với anh cũng rất tự nhiên, anh kể: Thời gian đó, Thiếu tá Trịnh Văn Quyết, Trưởng ban Tuyên huấn và nay là Thiếu tướng Chính ủy Quân khu 2 và Thiếu tá Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Chủ nhiệm Nhà Văn hóa; khi Bộ CHQS tỉnh có các sự kiện, các thủ trưởng thường xuyên cho anh đi cùng và hướng dẫn từ cách viết bài và hướng dẫn từng góc quay, lấy khuôn hình…, dần dần, anh trưởng thành và biết viết tin, bài và cả chụp ảnh, quay hình một cách thành thạo. Thấy anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nên cấp trên tin tưởng và phân công nhiệm vụ cho anh; từ đó, anh gắn bó với nghề cho tới tận bây giờ... Đây là công việc có tính đặc thù, khá vất vả, chịu áp lực về thời gian, đòi hỏi phải nhanh nhạy và một chút năng khiếu. Dẫu không được đào tạo cơ bản, nhưng bằng tình yêu nghề, anh đã cố gắng vừa học hỏi vừa làm... Đến nay, một mình anh có thể kiêm nhiều khâu: Từ viết kịch bản, quay phim, dựng phim, MC cho đến đạo diễn chương trình... Vì thế, nhiều người trìu mến gọi anh là quân nhân “5 trong 1”.
Gần 20 năm, ngày nắng cũng như mưa; cho dù thời tiết có thế nào thì chuyên mục của anh cũng đều được phát sóng đều đặn. Có lẽ gia đình chính là động lực để anh phấn đấu, cống hiến; đó là người vợ thủy chung luôn động viên anh những lúc khó khăn nhất và hai đứa con đáng yêu. Bên cạnh đó là những ghi nhận của cấp trên. 3 năm liền, anh được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen... Hạnh phúc càng lớn hơn, khi những tác phẩm dự thi của anh trong Liên hoan Truyền hình toàn quân năm 2016 đoạt giải Vàng; năm 2013, 2018 đoạt 3 giải Bạc cùng nhiều giải liên hoan truyền hình cấp tỉnh…, những phần thưởng cao quý mà phóng viên không chuyên ai cũng mong gặt hái được.
Chia tay anh, tôi thầm thán phục; tuy là một phóng viên không chuyên, song anh đã có gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; nhưng với anh như thế vẫn chưa đủ, anh và các đồng đội vẫn luôn cố gắng từng ngày trong tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Bài, ảnh: Cẩm Lê
Ý kiến bạn đọc