Những mô hình giữ bình yên xóm bản
BHG - Những mô hình “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tiếng mõ an ninh”, “Chiếc gậy an toàn”... trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) đã trở thành những hạt nhân quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) từ cơ sở, từng bước tạo nền tảng vững chắc, giữ vững ANTT trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Cục Xây dựng phong trào bảo vệ ANTT, Bộ Công an về việc triển khai Đề án xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, năm 2013, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2013 – 2020” (Đề án). Trong giai đoạn 2 (2016 – 2018) của Đề án, Công an tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng được 362 mô hình tự quản về ANTT với 74 mô hình trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và 288 mô hình tại xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, tiến hành cấp mũ cát, áo mưa, đèn pin, gậy cao su, còi, băng đeo tay cho tổ tự quản nhằm đảm bảo công cụ để các thành viên hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, tạo nên những phong trào sôi nổi, không ngừng phát triển và tác động mạnh mẽ tới đông đảo người dân.
Các thành viên “Dòng họ Lý Văn Minh không có tội phạm và tệ nạn xã hội” thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. |
Nói về công tác xây dựng và thực hiện Đề án, Thượng tá Lê Thế Hữu, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện công tác tham mưu, Phòng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ chủ chốt tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn; phối hợp với các ngành, đoàn thể, Công an các huyện tổ chức vận động, giáo dục tuyên truyền về pháp luật và các tệ nạn xã hội, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Qua đó, các mô hình từng bước được xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong đảm bảo ANTT ở cơ sở, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh...”.
Được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, Đề án đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định ANTT tại các địa bàn thôn, tổ dân phố. Hoạt động của các mô hình được thể hiện bằng việc làm cụ thể: Các Tổ tự quản thường xuyên tuần tra đảm bảo ANTT với trên 200 lượt tại các tuyến đường, tổ dân phố; phối hợp giải quyết hòa giải được gần 3.000 vụ; phối hợp giáo dục, cảm hóa các đối tượng, quản lý con em trong gia đình, dòng họ thành người lương thiện, không vi phạm pháp luật, qua đó nhiều mô hình đã trở thành “kiểu mẫu” và nhân rộng.
Vinh dự là một trong 5 người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, bác Lý Văn Minh, thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) cho biết: “Trước sự vận động của Công an huyện và là người đứng đầu dòng họ Lý, tôi cùng các thành viên xây dựng Mô hình “Dòng họ Lý Văn Minh không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Kể từ khi thành lập, tổ đã làm tốt công tác giữ gìn ANTT, ngăn chặn và kịp thời hòa giải những vụ việc phát sinh. Qua đó, sau 2 năm triển khai, Mô hình dòng họ Lý không xảy ra tình trạng xích mích, vi phạm trật tự an toàn giao thông...”. Bác Minh vui vẻ cho biết thêm: Đôi lúc mình được ví như một thẩm phán, bất kể việc xảy ra trong gia đình hay xích mích nhỏ của các hộ dân, mọi người đều kéo đến nhà Trưởng họ nhờ giải quyết...
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, Công an tỉnh đã đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là tiếp tục quán triệt, phổ biến đầy đủ nội dung, lộ trình của Đề án đến các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị kiến thức nghiệp vụ, pháp luật và cấp trang phục, phương tiện, vật tư cho hoạt động của các Tổ tự quản; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, thực hiện phòng, chống tội phạm...
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc