Nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới
BHG - Trước yêu cầu thực tế đặt ra trong công tác Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), đòi hỏi phải có sự phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân khi xảy ra các sự cố, tai nạn cũng như nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác CNCH. Ngày 18.7.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83 quy định về công tác CNCH của lực lượng Phòng cháy, chữa cháy (PCCC); ngày 5.3.2018 Bộ Công an ban hành Thông tư số 08/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017 về công tác CNCH của lực lượng PCCC. Theo đó, lực lượng PCCC thực hiện công tác CNCH đối với các sự cố tai nạn gồm: Sự cố tai nạn cháy; tai nạn nổ; tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối; tai nạn sạt lở đất, đá; tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà, công trình, trên cao, dưới sâu, trong thiết bị, trong hang, hầm, công trình ngầm; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu; tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm; tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí; tai nạn khác theo quy định của pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ thường xuyên kiểm tra vận hành các trang thiết bị CNCH sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác CNCH trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vu; trong đó, nòng cốt là Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 83 của Thủ tướng Chính phủ một cách hiệu quả thiết thực như: Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Là đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các sự cố, tai nạn, yêu cầu CNCH; chủ động hướng dẫn kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn khác. Đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin về các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH theo quy định. Xây dựng, tổ chức thực tập phương án CNCH có huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan để thống nhất công tác phối hợp, quy trình tham gia CNCH các sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn.
Việc tổ chức CNCH ở hiện trường các sự cố, tai nạn lớn thường có diễn biến phức tạp, khó lường, có thể phải thực hiện trong thời gian dài, nguy cơ xảy ra tai nạn thứ cấp cao; đòi hỏi CBCS phải có thể lực tốt, tinh thông về nghiệp vụ, triển khai lực lượng, phương tiện CNCH vào vị trí chiến đấu nhằm đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho việc cứu người, tài sản và khắc phục những tai nạn, sự cố xảy ra, chỉ huy CNCH phải áp dụng linh hoạt các phương pháp, biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở hiện trường.
Nhằm tăng cường khả năng ứng phó, thực hiện nhiệm vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC đã đẩy mạnh việc tập luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Mỗi CBCS làm nhiệm vụ CNCH đều có sự rèn luyện thường xuyên và tích lỹ kinh nghiệm từ thực tiễn trong công tác CNCH, các bài học thực hành tình huống không chỉ đòi hỏi về sức khỏe thể chất, thuần thục các kỹ năng mà phải có tinh thần đồng đội cao, có sự phối hợp nhịp nhàng để xử lý tình huống đạt hiệu quả cao nhất.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, KT - XH, KHKT ngày càng phát triển, kéo theo đó là các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu người dân tăng cao. Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ như tai nạn, sự cố, cháy, nổ,… tác động trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người, cũng như tài sản của nhà nước và nhân dân. Vì vậy, cần phải tổ chức công tác CNCH kịp thời.
Để triển khai thực hiện tốt Nghị định 83/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC trên địa bàn tỉnh, rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiệu của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân để lực lượng Cảnh sát PCCC ngày càng trưởng thành, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.
Diệu Loan
Ý kiến bạn đọc