Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt của chiến tranh Việt Nam

10:20, 22/01/2018
Mặt trận Sài Gòn - Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) có vai trò rất quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tại địa bàn chiến lược này, các lực lượng của ta đã đánh thẳng vào "trung ương thần kinh địch", qua đó phơi bày sự thất bại về quân sự và sự yếu kém trong tiến hành chiến tranh của Mỹ - ngụy, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh.

 

          

 

Khí thế tiến công của tuổi trẻ Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Những cú đánh "vỗ mặt"

Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (tức đêm mùng Một rạng mùng Hai Tết Mậu Thân), quân và dân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên toàn chiến trường miền Nam, gồm 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định. Ở Sài Gòn - Gia Định, lực lượng của ta chia thành 6 phân khu, bố trí thành 5 mũi tiến vào nội đô. Đặc biệt, phân khu 6 (các quận) có 11 đội đặc công, biệt động, tổ chức thành 3 cụm (Đông, Nam, Bắc). Các phân khu khác có từ 4 đến 6 tiểu đoàn bộ binh, tổ chức thành những đơn vị mũi nhọn hướng vào nội đô để phối hợp và tiếp ứng cho các đội đặc công, biệt động. Nhiều cán bộ, đảng viên được bí mật tăng cường vào Sài Gòn nhằm điều tra, nghiên cứu mục tiêu, gây dựng cơ sở, cất giấu vũ khí... Gần 400 cơ sở cách mạng, kho vũ khí bí mật được hình thành ngay trong nội đô Sài Gòn. Tại mặt trận này, các mục tiêu trọng yếu được xác định là: Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát... 

Thiếu tướng Trương Văn Hai, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh kể lại, tại Dinh Độc Lập, Đội 5 biệt động gồm 17 cán bộ, chiến sĩ đã triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Trước khi rút vào nhà số 56, Thủ Khoa Huân và tổ chức cố thủ trên tầng 3, ta đã tiêu diệt nhiều tên địch bên trong Dinh Độc Lập và bắn cháy 4 xe chở lực lượng tiếp viện của địch. Tại Bộ Tổng Tham mưu, Cụm biệt động 679 gồm 27 cán bộ, chiến sĩ tấn công vào cổng số 4 (ngã ba Trương Quốc Dung - Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ). Địch chống trả quyết liệt ngay từ đầu nên các mũi xung kích không vào được bên trong căn cứ, phải trụ lại dọc các ngôi nhà kế cận, lợi dụng địa hình chiến đấu. Ta tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên, bắn cháy 2 xe GMC và phá hủy 1 súng đại liên. Phối hợp với cụm biệt động, Tiểu đoàn 2 Gò Môn nổ súng tấn công cổng số 5 Bộ Tổng Tham mưu, chiếm được Trường Sinh ngữ, phòng hành chính, dãy nhà sĩ quan và hội trường.

Tại Tòa Đại sứ quán Mỹ, các chiến sĩ Đội 11 dùng tiểu liên diệt lính gác cổng chính ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Sau đó, dùng bộc phá đánh lô cốt góc đường Mạc Đĩnh Chi - Thống Nhất và đột nhập khuôn viên Đại sứ quán Mỹ. Một tổ án ngữ khống chế cổng chính, để tổ xung kích đánh vào Tòa Đại sứ, chiếm tầng trệt, bắt tù binh Mỹ. Bị tấn công bất ngờ, địch rối loạn, chống trả yếu ớt. Tình thế thuận lợi, tổ của đồng chí Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chiếm được từ tầng 1 tới tầng 3, bắt một số tù binh, giữ trận địa được 6 giờ trước khi bị địch phản kích tái chiếm. Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội 4 biệt động tiếp cận trước cổng đài, nhanh chóng chiếm được khu vực đài phát sóng ở tầng 1. Trước sự phản kích quyết liệt của địch, các chiến sĩ biệt động kiên quyết giữ vững trận địa.

Ở hướng Tây Bắc, Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng phối hợp với các đơn vị đánh chiếm căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng, giữ trận địa được 2 ngày, sau đó chuyển về khu ngã năm Bình Hòa và ngã ba Cây Thị, sát Tòa Thị chính và Bộ Chỉ huy tiểu khu Gia Định, phát động quần chúng nổi dậy và trụ lại chiến đấu nhiều ngày. Lực lượng vũ trang Tân Bình đánh địch ở Cầu Ván, Cầu Sắt... Lực lượng vũ trang Bình Chánh giải phóng đồn Hưng Long. Ở hướng Tây, Tiểu đoàn 6 Bình Tân thọc sâu theo trục lộ Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2), đánh địch ở quận 5, quận 10, quận 11, khu vực Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài, cư xá Hỏa Xa... Ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức phối hợp với các đơn vị chiếm được cù lao Bình Quới Tây, trụ lại đánh phản kích nhiều ngày. Ở phía Đông Nam, hỗ trợ cho lực lượng địa phương, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đánh chiếm đồn Phú Hữu, Lý Nhơn, đồn Đông Hòa, Long Thạnh và 6 ấp chiến lược khác... Chỉ trong 24 giờ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch rung chuyển.

Theo Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, Sài Gòn - Gia Định là nơi tập trung sinh lực mạnh và khá nhạy cảm trong bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam. Vì vậy, đánh trực diện vào mặt trận này, ta đã thực hiện một đòn đánh hiểm, đau và đánh vào yết hầu, vào "trung ương thần kinh địch". Trước đòn đánh này, mọi yếu kém trong tiến hành chiến tranh của Mỹ đều phơi bày; qua đó phía ta có thêm nhiều kinh nghiệm quý để tổ chức các chiến dịch sau này.

Thế trận lòng dân

Trung tướng Võ Minh Lương cho biết thêm, có được thắng lợi tại Sài Gòn - Gia Định là do "thế trận lòng dân" được triển khai rộng khắp, vừa có diện rộng vừa có chiều sâu. Thành phố đã xây dựng được 19 "lõm chính trị", "lõm căn cứ" gồm 325 gia đình công nhân lao động. Lực lượng phụ nữ Sài Gòn - Gia Định tham gia nhiều trong các đội biệt động, lực lượng vũ trang địa phương, giao liên, dân công và cứu thương; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị trong lòng thành phố. Lực lượng Thành đoàn hoạt động mạnh ở nhiều cơ sở trong thành phố. Nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh đã cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ Quân giải phóng. Tổng hội Sinh viên cũng được thành lập, quy tụ hơn 500 người cứu trợ đồng bào. Các tầng lớp khác như giáo chức, văn nghệ sĩ, nông dân cũng tham gia tích cực hỗ trợ lực lượng vũ trang.

Có thể thấy, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra một thế trận tiến công thường xuyên và hiểm hóc trên cả chính diện và sau lưng địch, thực hiện bám trụ tại chỗ, "một tấc không đi, một ly không rời", đánh địch khắp nơi, vây hãm chúng vào thế bị động, lúng túng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tấn công địch.

Sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần rộng khắp của nhân dân thực sự là chỗ dựa vững chắc để các đơn vị chủ lực của ta đánh những đòn quyết định. Nhiều đơn vị chủ lực bí mật đứng vững được ngay tại cửa ngõ Sài Gòn là bởi có chỗ dựa chắc chắn, đó là dựa vào dân, vào các tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng ở địa phương. "Đây chính là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho các đơn vị chủ lực hoàn thành nhiệm vụ tấn công địch. Không có nhân dân thì ta không thể nắm tình hình, bộ đội khó có thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào, ém quân bí mật trong lòng thành phố - nơi gần sát các cơ quan đầu não của địch", Trung tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.
 
Theo HANOIMOI.VN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội đàm định kỳ lần thứ 22 giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Chi đội Công an Biên phòng Châu Văn Sơn (Trung Quốc)

BHG - Ngày 28.12,  tại thành phố Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn đại biểu Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang (Việt Nam), do Thượng tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh làm Trưởng đoàn và Chi đội Công an Biên phòng Châu Văn Sơn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do Đại tá Chu Kỳ Minh làm Trưởng đoàn, tiến hành hội đàm định kỳ lần thứ 22 năm 2017.

30/12/2017
Đảng ủy Quân sự tỉnh: Ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ QS-QP và công tác xây dựng Đảng bộ năm 2018

BHG - Ngày 29.12, Đảng ủy Quân sự tỉnh tổ chức hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng bộ năm 2018 (mở rộng). Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,  Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chính ủy Quân khu 2, các đồng chí trong BCH Đảng bộ Quân sự tỉnh và Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban CHQS 11 huyện, thành phố.

29/12/2017
Toàn cảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cuốn sách "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học trong lịch sử" ra đời trên cơ sở tập hợp 100 tham luận tại hội khoa học cùng tên diễn ra ngày 29-12-2017 tại TP Hồ Chí Minh.

18/01/2018
Tổng tiến công Xuân 1968 - Bài 3: Bước ngoặt lớn - buộc kẻ thù phải xuống thang chiến tranh

Cùng với chiến trường miền Nam, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế đã trở thành một dấu mốc ghi bước ngoặt lớn - đòn quyết định của cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, buộc kẻ thù phải xuống thang chiến tranh.

17/01/2018