Điện Biên Phủ trên không" (12.1972 - 12.2017) - Diễn biến và kết quả 12 ngày đêm chống cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ
BHG - Ngày 17.12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Chiến dịch mang tên Lai-nơ-bêch-cơ II. Bộ Tổng Tham mưu ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B 52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Tên lửa SAM 2 trong trận chiến lịch sử 12 ngày đêm tháng 12.1972 - Ảnh: Tư liệu/Internet |
10giờ 30 phút, ngày 17.12, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ trực tiếp chỉ thị cho các đơn vị toàn quân chủng, đặc biệt là hai khu vực Hà Nội, Hải Phòng: Tình hình rất khẩn trương, các đơn vị cần thực sự chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng chiến đấu, có kế hoạch tiếp tế đạn cho tên lửa, bảo đảm vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu với hệ số kỹ thuật cao nhất; thông tin liên lạc phải thường xuyên thông suốt; tổ chức báo động kiểm tra các đơn vị.
Toàn Quân chủng PK-KQ cùng quân và dân miền Bắc đã làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, quyết đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng Pháo đài bay B-52 của Mỹ nếu chúng liều lĩnh leo thang ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trên miền Bắc.
Đêm 18.12.1972:
18 giờ 50 phút, toàn quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái chiến đấu vào cấp 1.
19 giờ 10 phút, Đại đội ra đa 16 (Trung đoàn 291) phát hiện được nhiễu B-52, tiếp đó 19h15 phút, Đại đội ra đa 45-Trung đoàn 291 phát hiện và kịp thời báo cáo về sở chỉ huy: "B-52 đang vào miền Bắc".
19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F4, F8, F 111, A6, A7...). Cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở chỉ huy trung tâm: Máy bay F.111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Thủ đô ra lệnh báo động toàn thành phố.
Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B- 52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...
19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 (Trung đoàn Tên lửa 257) được phóng lên. Cuộc chiến đấu ác liệt của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội - chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" bắt đầu.
20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn tên lửa phòng không 261) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy, phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp hạ ngay 1 máy bay B- 52 (máy bay rơi xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trận địa gần 10 km). Đây là chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội.
Đêm 18, rạng ngày 19.12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 8 lần chiếc F.111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom làm chết 300 người. Quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay B52 (2 chiếc rơi tại chỗ), 3 máy bay chiến thuật (2 chiếc F4, 1 chiếc A7).
Đêm 19.12.1972:
Sau cuộc chiến đấu ngày 18.12 các lực lượng chiến đấu đã kịp thời rút kinh nghiệm và hạ quyết tâm đánh mạnh hơn nữa lập thành tích chào mừng Ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.
Nhiều nước trên thế giới ra tuyên bố hoặc điện tới Tổng thống Mỹ yêu cầu chấm dứt hành động dùng máy bay B-52 ném bom tàn phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam. Nhân dân nhiều nước trên thế giới, cả nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Đêm 19 rạng ngày 20.12, máy bay B-52 tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Riêng ở Hà Nội 87 lần chiếc B-52 và hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội ngoại thành. Ta bắn rơi .1 máy bay B-52 và 1 máy bay F4.
Đêm 20.12.1972:
Đêm 20, rạng ngày 21.12, địch sử dụng 93 lần chiếc B-52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào đánh phá nội, ngoại thành Hà Nội và một số mục tiêu ở khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên..
21giờ, tại trận địa Vân Đồn (Hà Nội), các chiến sĩ tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, nhà máy gỗ Hà Nội và nhà máy cơ khí Lương Yên) bằng 19 viên đạn 14,5 ly đã bắn rơi 1 máy bay F.111 "cánh cụp cánh xòe" của Mỹ.
Đêm 20, rạng ngày 21.12, bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B- 52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Tiêu biểu là trận đánh lúc 5 giờ 2 phút đến 5 giờ 11 phút các tiểu đoàn (57, 77, 79) chỉ trong 9 phút với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B-52 (3 chiếc rơi tại chỗ). Riêng tiểu đoàn 57 với 2 quả đạn cuối cùng trong 2 phút (từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 11 phút) bắn rơi 2 máy bay B-52 (1 chiếc rơi tại chỗ).
Ngày 21.12.1972:
Ban ngày, 180 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ đánh phá các mục tiêu trọng yếu: Ga Hàng Cỏ và Sở Công an (Hà Nội), Nhà máy điện Yên Phụ, Bộ Giao thông, cầu Phủ Lý và 6 đợt đánh vào khu vực thị xã Thanh Hóa. Địch cho 2 lần chiếc máy bay trinh sát Hà Nội và đường số 1 Bắc, nhằm thăm dò lực lượng của ta và chuẩn bị cho đợt tập kích tiếp theo.
Đêm 21, rạng sáng 22, địch huy động 24 lần chiếc máy bay B-52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh sân bay và Bệnh viện Bạch Mai, Giáp Bát, Văn Điển... Ngoài ra, 30 lần chiếc máy bay F4 và F105 vào đánh phá các khu vực Bắc Giang, ga Kép, sân bay Yên Bái, cảng Hải Phòng, Cát Bi và An Lão (Kiến An) - Phát huy khí thế chiến thắng của 3 ngày đêm trước quân và dân ta đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó bắn rơi tại chỗ 3 máy bay B-52, 2 máy bay F4, 2 máy bay A7, 1 máy bay F.111, 1 máy bay A6, 1 máy bay RA50, 1 máy bay F105...
Ngày 22.12.1972:
Ban ngày, 56 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đánh phá các mục tiêu: Ga Kép, thị xã Bắc Giang, thành phố Việt Trì, thị trấn Vĩnh Yên.
Ban đêm, 24 lần chiếc B-52 có 30 chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, 9 F-111 tập trung đánh khu vực Hải Phòng gồm Sở Dầu, Nhà máy xi-măng, khu An Dương, Đông Anh (Hà Nội), Hoà Lạc, Đáp Cầu... Quân và dân ta bắn rơi 5 máy bay, trong đó bắn rơi tại chỗ 3 máy bay B-52, 1 máy bay F4.
Ngày 23.12.1972:
Ban ngày, 54 lần chiếc máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội. Mai Dịch, Trạm Trôi, Hoài Đức ( Hà Tây).
Ban đêm 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và khu vực Bắc Giang; 30 chiếc máy bay F4 và F105, 11 máy bay F.111 đánh vào Yên Viên, Giáp Bát, Đa Phúc và các sân bay Nội Bài, Yên Bái. Hướng biển, có 7 máy bay chiến thuật của Hải quân Mỹ vào đánh Uông Bí, Phà Rừng, Sở Dầu và sân bay Kiến An (Hải Phòng).
Ta bắn rơi 4 máy bay trong đó có 2 máy bay B-52, 1 máy bay F4, 1 máy bay A7.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng quân dân miền Bắc và cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng PK-KQ đã chiến đấu oanh liệt, giành thắng lợi to lớn, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52.
Ngày 24.12.1972:
Ban ngày, địch huy động 44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên (Cao Ngạn và dọc đường số 1), Sen Hồ, Việt Yên (Hà Bắc).
Ban đêm, từ 19 giờ 50 phút, địch dùng 33 lần chiếc B-52 đánh phá ác liệt ga Kép, Bắc Giang, phối hợp với 39 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ đánh phá các sân bay Yên Bái, ga Kép và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội).
Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 5 máy bay, trong đó có 1 máy bay B-52, 2 máy bay F4, 2 máy bay A7.
Do bị thất bại nặng nề và lấy cớ nghỉ lễ Nô-en, 24 giờ ngày 24.12, địch tạm ngừng cuộc tập kích để củng cố lực lượng, ổn định tinh thần bọn giặc lái, rút kinh nghiệm tìm thủ đoạn và cách đánh mới.
Ngày 25.12.1972:
Sáng 25, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ triệu tập Hội nghị quân chính, tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu giai đoạn 1 và phổ biến tình hình nhiệm vụ giai đoạn tới.
Qua 7 ngày chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bộ đội tên lửa, pháo phòng không hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ cùng bộ đội rađa, không quân và các lực lượng phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 53 máy bay địch, có 18 máy bay B-52, 5 máy bay F.111. Trong đó Quân chủng PK-KQ bắn rơi 31 chiếc (tên lửa bắn rơi 23 máy bay, trong đó có 17 chiếc B-52, không quân bắn rơi 1 máy bay F4, Pháo phòng không bắn rơi 7 máy bay). Lực lượng phòng không địa phương, dân quân tự vệ bắn rơi 22 máy bay, trong đó có 4 chiếc máy bay F.111 và pháo 100 ly được công nhận bắn rơi 1 máy bay B-52.
Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương nhận định: Địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân Thủ đô Hà Nội cần gấp rút chuẩn bị tốt lực lượng đánh địch trong những ngày tới.
Ngày 26.12.1972:
13 giờ ngày 26.12, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh.
Ban đêm, từ 22 giờ 05 phút ngày 26 .12, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và đánh tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên (Mỹ tập trung 66 lần chiếc B-52 vào đánh phá Hà Nội, 21 lần chiếc B-52 đánh Thái Nguyên và 18 lần chiếc B-52 đánh Hải Phòng).
Đây là trận đánh lớn nhất và là trận then chốt trong cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.
22 giờ 24 phút, Đại đội 174 pháo 100mm của Trung đoàn PPK 252 (Quân khu Việt Bắc) bắn rơi 1 chiếc B52.
22 giờ 40 phút, máy bay B-52 ồ ạt đến ném bom rải thảm dữ dội vào tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội. Khu phố Khâm Thiên và Khu Hai Bà Trưng bị tàn phá nặng nề.
Trận chiến đấu đêm 26 .12 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không 3 thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B-52, riêng Hà Nội Bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt quyết định bắn rơi nhiều máy bay chiến lược B-52 nhất trong 9 ngày qua. Trận đánh đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền nhà trắng và Lầu Năm góc nhất là giặc lái Mỹ.
NHÓM PV TRUNG TÂM PTTH QUÂN ĐỘI
(CÒN NỮA…)
[links()]
Ý kiến bạn đọc