Bài học lớn nhất trong tiễu Phỉ giai đoạn 1947 – 1962

09:11, 13/04/2017

BHG - Trải qua 16 năm (1947-1962) liên tục chiến đấu tiễu trừ Thổ phỉ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân - dân Hà Giang đã phá tan tận gốc rễ các ổ, nhóm Thổ phỉ với mức độ lớn, nhỏ khác nhau do Pháp - Mỹ - Tưởng gây nên. Nạn Thổ phỉ hoành hành hàng chục năm bị quét sạch, nhân dân các dân tộc được sống một cuộc sống thanh bình, yên ổn làm ăn.

Công tác tiễu Phỉ diễn ra rất gay go phức tạp, gian khổ hy sinh nhất của quân và dân Hà Giang trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc là chiến công to lớn thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp của đồng bào các dân tộc, là sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng. LLVT địa phương được bộ đội chủ lực dìu dắt, đã trưởng thành nhanh chóng sau mỗi đợt tiễu Phỉ, xứng đáng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác của Đảng. Rất nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Chỉ riêng cuộc vượt núi Tây Côn Lĩnh đánh vào sau lưng địch của Đại đội 652 Hà Giang tháng 7.1948, đã có 7 chiến sỹ hy sinh vì đói rét, tai nạn. Chỉ trong tháng 3.1949, ở Hoàng Su Phì trong chiến dịch Lao - Hà đã có 54 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, 31 người bị thương. Nhân dân các dân tộc ở vùng địch hậu bị Pháp, Phỉ chèn ép khống chế nên việc xây dựng cơ sở cách mạng lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Tuy lòng dân luôn hướng về kháng chiến, mong mỏi bộ đội về giải phóng khỏi cuộc sống tối tăm khổ cực. Nhưng trước thế lực Phỉ mạnh, họ không dám liên lạc với cán bộ, bộ đội.

Cán bô, chiến sỹ địch hậu phải vượt qua muôn vàn khó khăn trong vòng vây của Phỉ, vật lộn hàng ngày hàng giờ với Phỉ để tồn tại, phát triển giành thắng lợi. Các tổ, đội vũ trang tuyên truyền lúc bấy giờ phải nằm hàng tháng ngoài rừng, chịu đói, chịu rét, ăn củ chuối, củ mài thay cơm, lấy tro than thay muối, để bắc chiếc cầu nối lòng dân địch hậu với Đảng, với cách mạng. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của Quân đội đã không quản ngại gian khổ hy sinh, bám sát cơ sở trực tiếp cùng bộ đội chiến đấu và hy sinh anh dũng trên trận tuyến thầm lặng ấy (đồng chí Hồng Quân, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, Chính trị viên Đại đội Tây Tiến, hy sinh đầu năm 1948: đồng chí Hồng Phong, Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Đại đội Độc lập của tỉnh, hy sinh năm 1948; đồng chí Hồng Kỳ, Thường vụ Tỉnh uỷ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Lao-Hà, hy sinh tháng 3.1949).

Trên mặt trận tiễu Phỉ gian khổ ác liệt ấy, công tác vận động quần chúng luôn được Đảng bộ chính quyên các cấp đặt lên hàng đầu và giành được thắng lợi to lớn. Nhân dân các dân tộc Hà Giang sau hàng chục năm bị Phỉ chèn ép khống chế, được tuyên truyền học tập chủ trương, chính sách của Đảng đã hiểu và tin vào thắng lợi của cách mạng, tích cực giúp đỡ bảo vệ cán bộ, bộ đội, không sợ Phỉ trả thù, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ cán bộ, tích cực tham gia tiễu Phỉ bảo vệ bản, làng. Chính nhờ có sức mạnh đấu tranh của quần chúng nên các chiến dịch tiễu Phỉ của ta mới đi đến thành công. Bài học về công tác vận động quần chúng tiễu Phỉ ở Hà Giang là bài học sâu sắc nhất vẫn còn nguyên giá trị cho mọi cuộc vận động cách mạng ở Hà Giang từ đó đến nay. Bởi quần chúng nhân dân luôn là cái gốc cho mọi cuộc cách mạng.

Công tác tiễu Phỉ ở Hà Giang diễn ra trên một chục năm, những kinh nghiệm diễn ra trong quá trình tiễu Phỉ hết sức phong phú. Trong đó có những vấn đề nổi bật có lẽ không bao giờ quên trong ký ức của những người tham gia tiễu Phỉ và những người đang nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề Phỉ. Những sự tích đau thương nhất, những chiến công anh hùng nhất của đồng bào đồng chí cần được đánh giá đúng mức và tuyên truyền giáo dục bằng mọi hình thức như phim, truyện, nghệ thuật sân khấu, bia căm thù, đài tưởng niệm... Để đồng bào, đồng chí chúng ta không bao giờ quên công ơn của cha anh đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng vì sự bình yên hôm nay và mai sau.

  Phạm Xuân Thủy (Nguyên Trưởng ban Khoa học lịch sử Bộ CHQS tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bề dày truyền thống "Dân vận khéo"

BHG - Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Giang trong cách mạng tháng 8.1945 diễn ra chủ yếu bằng quá trình vận động, thu phục các lực lượng đối địch (Phát xít Nhật, Quốc dân Đảng, Thổ ty, Bang tá) với sức mạnh chính trị của quần chúng và lực lượng quân sự hỗ trợ. Các đội du kích, tự vệ tuyên truyền ở hai vùng cách mạng phía Nam và phía Bắc tỉnh dưới sự chỉ đạo của các Ban Việt Minh đã thực hiện thành công Cuộc vận động thu phục các thế lực đối địch, giành chính quyền từng châu lỵ và thị xã Hà Giang mà không phải đổ máu. Như vậy, công tác vận động cách mạng ở Hà Giang từ buổi đầu đã mang lại thành công lớn, có ý nghĩa chính trị và bài học lịch sử sâu sắc.

30/03/2017
Trường Quân sự tỉnh: 25 năm xây dựng và trưởng thành

BHG - Cách đây 25 năm, ngày 2.4.1992, Bộ Tư lệnh Quân khu II ra Quyết định thành lập Trường Quân sự địa phương tỉnh Hà Giang.

30/03/2017
Thành phố Hà Giang quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, văn minh đô thị

BHG - Thực hiện chủ đề năm 2017 về "Tiếp tục thực hiện kỷ cương văn minh đô thị; nâng cao năng lực quản trị xã hội và chất lượng cải cách hành chính; tập trung thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế vùng động lực – Thực hiện nói đi đôi với làm", thành phố Hà Giang đang triển khai những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, văn minh đô thị.

30/03/2017
Bộ Tư lệnh BĐBP: Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2017

BHG - Sáng ngày 29.3, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hà Giang, Đại tá Nguyễn Xuân Bốn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và Bộ CHQS tỉnh.

29/03/2017