Tích cực triển khai chủ đề của Năm ATGT vào thực tiễn cuộc sống
BHG - Chủ đề của Năm an toàn giao thông (ATGT) 2017 “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “tính mạng con người là trên hết” đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã, đang tạo những chuyển biến sâu sắc, từng bước hình thành người công dân có văn hóa khi tham gia giao thông.
Trường Tiểu học Lê Lợi, phường Nguyễn Trãi, nằm cạnh đường Trần Hưng Đạo - một trong những tuyến giao thông quan trọng của thành phố Hà Giang. Hàng ngày, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này lớn, nhất là vào những giờ cao điểm... nên việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho giáo viên, học sinh được nhà trường tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức sinh động. Cô Lê Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi khẳng định: Nhà trường hiện có 20 lớp, gần 640 học sinh, hàng ngày vào đầu giờ làm việc buổi sáng và cuối giờ học buổi chiều, khu vực cổng trường luôn tập trung lượng lớn người, phương tiện đưa đón học sinh, nhiều bậc phụ huynh đứng tràn cả xuống lòng đường, gây tắc nghẽn cục bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Học sinh đến trường bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. |
Nhận thấy rõ những nguy cơ nên ngoài giờ học chính khóa, nhà trường rất coi trọng việc giáo dục pháp luật về ATGT cho giáo viên, học sinh. Quá trình đưa kiến thức pháp luật vào trường học, được tiến hành linh hoạt, sinh động, tránh tình trạng khô khan, giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện. Khi truyền thụ các quy định của pháp luật, các bộ phận phụ trách của nhà trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, tìm tòi, nghiên cứu các phương thức truyền thụ, đặc biệt coi trọng hình thức sân khấu hóa với các tiểu phẩm sinh động nên thu hút được nhiều học sinh tham gia, bước đầu tạo hiệu ứng tích cực. Những kiến thức cơ bản của pháp luật về ATGT được các chú CSGT trực tiếp truyền thụ, dưới sự hỗ trợ về phương pháp sư phạm của giáo viên nên mỗi giờ học đã trở thành buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích và lý thú.
Thời gian gần đây, Trường Tiểu học Lê Lợi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh phường Nguyễn Trãi, triển khai hiệu quả mô hình cổng trường ATGT. Thực hiện mô hình này, nhà trường phổ biến rõ quy định, phụ huynh đưa đón con phải đúng vị trí, cách cổng trường 5 m, không được tràn xuống lòng đường và phải đội mũ bảo hiểm (MBH) cho các em. Vào đầu giờ học buổi sáng, các em trong Đội cờ đỏ sẽ đeo băng đỏ, cầm sổ ghi chép, nếu phát hiện trường hợp vi phạm như phụ huynh dừng, đỗ xe trước cổng trường không đúng quy định, không đội MBH cho các em thì sẽ trực tiếp nhắc nhở, đồng thời yêu cầu chính học sinh đó tuyên truyền cho mọi người trong gia đình chấp hành nghiêm quy định. Trong giờ tan học buổi chiều, sẽ có lực lượng Công an phường đến hỗ trợ, nhắc nhở phụ huynh thực hiện đúng quy định trong việc dừng, đỗ xe đón học sinh... Mô hình này mới thực hiện được thời gian ngắn, nhưng đang phát huy hiệu quả rõ rệt, ý thức của phụ huynh cũng được nâng lên, tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh giành chỗ đứng đón con em trước cổng trường đã giảm rất nhiều.
Nhiều phụ huynh đón con nhưng “quên” mang theo mũ bảo hiểm. |
Qua theo dõi cho thấy, cùng với Trường Tiểu học Lê Lợi, hiện các trường trong hệ thống giáo dục của tỉnh đang tích cực tổ chức giáo dục pháp luật về ATGT cho giáo viên, học sinh. Triển khai chủ đề của Năm ATGT 2017 vào thực tiễn hoạt động, ngành Giáo dục đã có văn bản gửi các trường, yêu cầu thực hiện nghiêm. Việc giáo dục pháp luật ATGT trong nhà trường, đã tạo ra những hiệu ứng tích cực từ phía các em và người thân khi đưa đón. Cảnh phụ huynh đưa đón học sinh đầu không đội MBH, hình ảnh các cháu đi trên đường dàn hàng 3, hàng 4, đi xe đạp điện không đội MBH đã ít xuất hiện hơn. “Ngoài việc tăng cường giáo dục pháp luật về ATGT trong nhà trường, chính phụ huynh cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng thực hiện thì mới phát huy hiệu quả” - Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Lợi, Lê Thị Thu cho biết thêm: Nhiều học sinh của nhà trường khi bố mẹ đến đón, không mang theo mũ, các em không lên xe, sẵn sàng đi bộ về. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp, phụ huynh quá xem nhẹ, không chấp hành quy định của nhà trường, bỏ qua lời nhắc nhở của con trẻ, khi bảo vệ nhà trường yêu cầu thực hiện liền bị họ gây gổ, người lớn còn như vậy, làm sao nêu gương cho con em.
Tình trạng vượt đèn đỏ, say rượu bia, chở quá số người, dàn hàng ba, hàng bốn trên đường khi tham gia giao thông của học sinh, sinh viên, thanh niên trong thời gian qua vẫn luôn ở mức báo động và khó kiểm soát. Những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do lứa tuổi này gây ra thời gian gần đây đã, đang ngày một gia tăng, đặc biệt thanh niên vùng nông thôn - ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nêu thực trạng. Giải pháp thực hiện chủ đề Năm ATGT 2017, theo anh Nguyễn Phi Long - Bí thư T.Ư Đoàn, các cấp Đoàn, Hội, Đội cần tổ chức hoạt động về ATGT trong thanh, thiếu niên với nội dung trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho thanh, thiếu niên, trọng tâm học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn; tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Thanh niên với văn hoá giao thông” trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi; tập trung thành lập, duy trì và đẩy mạnh hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự ATGT...
Hưởng ứng chủ đề của Năm ATGT 2017, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã, đang triển khai nhiều hoạt động tích cực như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, ra quân đảm bảo trật tự ATGT... Nhìn lại quá trình thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT năm qua cho thấy, các cấp, các ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, kiềm chế hiệu quả TNGT. Kết thúc năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ TNGT khiến 54 người bị chết, 44 người bị thương, giảm 6 vụ, giảm 10 người bị thương nhưng tăng 8 người chết so với năm trước. Trong năm nay, các cấp, ngành của tỉnh đang quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016 tối thiểu 10%; không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Thực hiện mục tiêu này, tại Hội nghị triển khai kế hoạch Năm ATGT 2017, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh yêu cầu Ban ATGT tỉnh cần có giải pháp hiệu quả lập lại trật tự ATGT, điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông; Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT tại các tuyến đường huyện, xã; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, CCVC, người lao động ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp, ngành nghiên cứu phương án tổ chức giao thông hợp lý, xây dựng lộ trình dành riêng cho xe tải trọng lớn, tránh tình trạng các phương tiện lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Giang; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo trật tự ATGT...
Bài, ảnh: Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc