Hồi sinh Nặm Ngặt!
BHG- Hơn ba mươi năm trước, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) được coi là “vùng đất chết” trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, khi phải hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn dội xuống. Đến hôm nay, khi đất nước đã yên tiếng súng, những con người nơi đây đang quyết tâm hồi sinh mảnh đất biên cương Tổ quốc, dù tàn dư của cuộc chiến vẫn hàng ngày gieo khổ đau lên cuộc sống mưu sinh của biết bao gia đình!
Những thửa ruộng bậc thang dưới chân các điểm cao do người dân Nặm Ngặt khai phá đang trong thời kỳ chuẩn bị vào vụ. |
Ký ức người lính già
Cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đã lùi xa nhưng đối với mỗi người lính năm xưa, những trận đánh gắn liền với các địa danh như: Ngã ba cửa tử, Thác gọi hồn, điểm cao 772, điểm cao 685, mặt trước các điểm cao 300, 400... vẫn còn hằn sâu trong tâm trí. Còn nhớ, trong cuộc hội ngộ đầy xúc động của những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên trở về thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi gặp cựu binh Lê Hồng Mai, người đã cùng các chiến sĩ trong Sư đoàn 356 tham gia những trận đánh quyết tử để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cựu binh Lê Hồng Mai – người con của mảnh đất Diễn Châu (Nghệ An)- vẫn còn nhớ như in những tháng ngày nằm sương, bám đá cùng đồng đội ở trận địa Thanh Thủy. Một loạt địa danh với cái tên “Đồi xay thịt”, “Lò vôi thế kỷ”... cùng những trận đánh quyết tử vẫn hằn sâu trong ký ức. Ông xúc động kể lại: “Cuối tháng 4.1984, Sư đoàn nhận được lệnh điều động từ tỉnh Lào Cai sang Hà Giang phối hợp cùng các Sư đoàn khác thực hiện chiến dịch MB 84 chiếm lại các điểm cao mà Trung Quốc đã lấn chiếm. Tháng 10.1984, nhận được lệnh chiếm lại điểm cao 685 thuộc vùng đất thôn Nặm Ngặt. Khi đó tôi là Thiếu úy, Trung đội trưởng Công binh, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 356). Trung đội có nhiệm vụ vận chuyển gỗ và cát lên xây hầm quân sự ở điểm E1, dò mìn và lấn chiếm trận địa”. Suốt thời gian 3 tháng (từ tháng 10 – 12.1984) tất cả các chiến sĩ ngày nằm ở trong hầm, đêm ra trận địa thực hiện nhiệm vụ. Đến cuối tháng 12.1984, Sư đoàn Trưởng giao nhiệm vụ cùng Đội cảm tử của Trung đoàn 153 đánh chiếm điểm E1, E2 và E3. Khi hoàn thành nhiệm vụ dò mìn mở đường và đào hầm trú ẩn, Trung đội giao lại chiến trường cho bộ binh đánh tiếp cận địch. Ở trận đánh này, mảnh đất Nặm Ngặt tan hoang trước những loạt đạn pháo trút như mưa của địch. Mặc dù quân ta đã chiếm được căn cứ nhưng cũng bị tổn thất lớn; chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ (5 - 9h sáng) quân địch đã trút hàng tấn đạn pháo bắn tan toàn bộ số hầm mà Trung đội xây cho chiến sĩ bộ binh ẩn náu.
Theo tìm hiểu, những năm 1981 – 1986, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16 Sư đoàn, 4 Lữ đoàn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 12.7.1984, trận đánh “mở màn” chiếm lại điểm cao 772 ở trận địa thôn Nặm Ngặt, riêng Sư đoàn 356 có gần 600 chiến sĩ hy sinh. Đây được coi là ngày “giỗ trận” của đơn vị này và cũng từ đó, thôn Nặm Ngặt được xem là “vùng đất chết” bởi mỗi mét đất đều bị đạn pháo cày xới.
Những quả bom, mìn còn sót lại do người dân thôn Nặm Ngặt thu được trong quá trình lao động, sản xuất. |
Sau ngày tiếng súng bình yên, những gia đình di tản quay trở về quê cũ mưu sinh. Ngày ấy, mảnh đất Nặm Ngặt chỉ còn lại trơ đất, đá và cả những quả đạn chưa kịp nổ chìm sâu trong lòng đất. Bằng bàn tay cần cù, mồ hôi và nước mắt, gần 60 hộ dân ở Nặm Ngặt hôm nay đang góp sức tạo nên màu xanh cuộc sống mới cho mảnh đất biên cương.
Hồi sinh “vùng đất chết”
Thôn Nặm Ngặt hiện hữu với đồi chè Shan tuyết, ruộng bậc thang bao quanh những ngôi nhà sàn vững chãi nằm ngay dưới chân các điểm cao. Để có được cuộc sống như hôm nay, người dân nơi đây đã phải đánh đổi một phần cơ thể hoặc cả mạng sống của mình và người thân bởi tàn dư của cuộc chiến để lại. Gia đình anh Phàn Văn Diện và chị Bồn Thị Thể lấy nhau chưa được một năm, người vợ đã phải chịu cảnh thương tật suốt đời. Khi đứa con đầu lòng vừa tròn 7 tháng tuổi, vì cuộc sống mưu sinh, chị Thể đã mất đi một chân trong lúc làm nương do giẫm phải mìn. Không cam chịu đói, nghèo; vợ chồng chị vẫn bám đất, mở rộng ruộng nương, trồng Thảo quả và phát triển chăn nuôi. Đến nay, thu nhập gia đình dần ổn định, đói nghèo không còn bủa vây như những năm về trước. Giống như vợ chồng chị Thể, nhiều gia đình ở thôn Nặm Ngặt cũng chịu cảnh mất mát, đau thương. Bởi theo người dân, các loại bom, mìn sót lại có loại nhìn được bằng mắt, có loại nằm dưới mặt đất nên rất dễ gặp tai nạn đáng tiếc trong quá trình lao động sản xuất. Thậm chí, nhiều người đi làm nương vô tình nằm nghỉ ngay sát quả mìn mà không hề hay biết; đến khi phát hiện mới thấy may mắn khi vẫn giữ được tính mạng.
Trong buổi trò chuyện với Trưởng thôn Nặm Ngặt - Bồn Văn Bằn - được biết: Thôn hiện còn nhiều khó khăn về đường giao thông; người dân đa phần sản xuất nông nghiệp; hơn 300 khẩu chủ yếu trông vào trồng lúa, phát triển chăn nuôi lợn, trâu, trồng cây rau màu, chè Shan tuyết và Thảo quả. Mặc dù thôn còn gần 200 ha đất chưa được rà, phá bom mìn nhưng do nhu cầu cuộc sống nên nhiều gia đình vẫn phải “liều mình” mở ruộng, len rừng để phát triển kinh tế. Sau nhiều năm vất vả, đất không phụ công người, những thửa ruộng bậc thang xanh tốt; nhiều mô hình kinh tế mới đã và đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Bên cạnh đó, với sự đồng lòng, chung sức, người dân đã mở mới đường nội thôn; đến nay, đời sống có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm...
Chia tay Nặm Ngặt, ngoảnh đầu nhìn lại vẫn còn đó các điểm cao ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân và dân ta; còn đó màu xanh cuộc sống mới đang hiện hữu, tạo nên “phên giậu” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc!
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc