Nỗi đau từ tiếng nổ sau chiến tranh
BHG- Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã kết thúc gần 40 năm, Hà Giang là địa phương ra khỏi chiến tranh muộn nhất; hiện nay, ảnh hưởng của mìn, vật nổ còn sót lại vẫn đe dọa nghiêm trọng đến nhiều cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh còn hơn 85 ngàn ha đất bị ô nhiễm; trong đó, huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh là những nơi mìn, vật nổ còn sót lại nhiều nhất và phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Nói đến hậu quả ô nhiễm bom, mìn, vật nổ; ít người nhắc đến Hà Giang. Nhưng với những chuyến đi thực tế tại nhiều địa phương nói trên, chúng tôi mới thấy được những nguy hiểm tiềm ẩn mà mỗi người dân sống trên dải biên giới Hà Giang hàng ngày phải đối mặt.
Đến thăm gia đình chị Vàng Thị Mỷ ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) có chồng vừa qua đời vì vướng phải mìn mới thấy được nỗi đau của hậu quả bom, mìn, vật nổ để lại. Cách đây chưa lâu, trên đường đi làm nương về, khi trời vừa nhá nhem tối; không hiểu vì lý do gì mà chồng chị lại đi lạc vào khu vực nguy hiểm đã được cảnh báo còn nhiều vật cản nổ sót lại sau chiến tranh, anh vướng phải mìn và bị cụt mất bàn chân phải, bàn chân trái bị thương nặng; anh lết xuống được 30 m thì kiệt sức. Mất nhiều máu do vết thương quá nặng, khi được đưa đi cấp cứu, anh đã không qua khỏi và ra đi ở tuổi 45. Chồng mất, để lại cho chị mái nhà dột nát và 5 đứa con, đứa nhỏ nhất năm nay mới 8 tuổi và chắc chắn việc học của các cháu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều; còn những đứa lớn hơn, giờ cũng phải nghỉ học để phụ giúp mẹ công việc gia đình.
Ông Hầu Nhè Chứ ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy cho biết: “Tôi sống ở đây mấy chục năm, cũng không nhớ là đã phải đi bao nhiêu đám tang, đưa bao nhiêu người đi cấp cứu vì mìn, vật nổ; còn trâu, bò, dê vướng vào thì thường xuyên, nên chăn nuôi ở đây cũng rất khó”. Ông cho biết thêm, dù cũng được các cấp chính quyền tuyên truyền, đặt biển cảnh báo nguy hiểm; nhưng vì sinh sống quanh năm ở đây nên cũng có lúc chủ quan, mất cảnh giác và cũng vì kế sinh nhai nên những tai nạn vẫn cứ sảy ra...
Theo số liệu điều tra của cơ quan chức năng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, một số khu vực trực tiếp tiếp xúc giữa ta và địch có liên quan nhiều đến hệ thống mìn, vật cản nổ dọc tuyến biên giới. Chủng loại bao gồm: Mìn chống tăng, mìn sát thương bộ binh, đạn cối, lựu đạn,... làm ô nhiễm trên 85 ngàn ha tập trung chủ yếu dọc tuyến biên giới của tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ: Hà Giang đã có 396 người là nạn nhân của mìn, vật nổ; trong đó, 231 người đã tử vong và chắc chắn đây chưa phải là con số cuối cùng.
Để giảm bớt những thiệt hại do mìn, vật nổ gây ra, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức cắm biển cảnh báo, thường xuyên tổ chức các tổ công tác xuống tận thôn, bản tuyên truyền cho nhân dân tác hại của mìn, vật nổ; cách nhận biết và phòng tránh, phối hợp với các lực lượng rà, phá vật cản trên tuyến biên giới. Tính từ 1990 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã hiệp đồng với các đơn vị Công binh chuyên trách tiến hành rà phá được 4.836 ha; nhiều vùng đất “chết” nay đã hồi sinh, người dân có thêm đất đai để sản xuất. Tuy nhiên, diện tích bị ô nhiễm mìn, vật nổ ở Hà Giang là rất lớn, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, lực lượng, phương tiện cho công tác rà phá chưa nhiều nên ước tính phải mất hàng trăm năm nữa, Hà Giang mới khắc phục xong diện tích bị ô nhiễm mìn, vật nổ.
Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng trên biên giới, đâu đó vẫn còn những tiếng nổ; danh sách nạn nhân của bom, mìn, vật nổ vẫn tiếp tục dày thêm. Để giảm bớt nguy cơ, những nỗi đau từ hiểm họa bom, mìn vật nổ, cần lắm sự quan tâm và chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
QUỐC HOÀN
Ý kiến bạn đọc