Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị trong LLVT tỉnh
BHG- Quán triệt nội dung và nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị trong giai đoạn mới” theo Quyết định số 2677/QĐ-BQP ngày 23.7.2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt, triển khai đồng bộ, thống nhất các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Đề án. Đồng thời đưa nội dung thực hiện Đề án vào trong nghị quyết lãnh đạo năm, quý và nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, phân công trách nhiệm cho cấp ủy phụ trách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác GDCT ở các đơn vị được duy trì nghiêm túc, hoạt động giáo dục đã có sự đổi mới cả nội dung và hình thức, công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, tình hình tư tưởng của đơn vị ổn định; tuyệt đại đa số CBCS đã nắm được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”, đó là: Góp phần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; bồi dưỡng, hình thành, phát triển nhân cách, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, tư duy chính trị và hoạt động thực tiễn cho CBCS; góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng LLVT tỉnh trong tình hình mới.
Đại biểu tham dự Hội nghị rút kinh nghiệm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” tham quan trưng bày sách, báo và các mô hình bổ trợ cho công tác DGCT. Ảnh: Quốc Hoàn |
Tuy nhiên, so với yêu cầu của đơn vị thì công tác GDCT tại đơn vị trong LLVT tỉnh còn bộc lộ những mặt hạn chế, đó là: Cấp ủy, Chính ủy, Chính trị viên, cán bộ chủ trì có cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác GDCT. Nội dung giáo dục có mặt chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, nhất là những nội dung giáo dục do đơn vị tự xác định, việc kết hợp giữa giáo dục, thông tin, tuyên truyền với định hướng tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức. Hình thức giáo dục ở một số đơn vị chưa có sự đổi mới tích cực, chưa sinh động, hấp dẫn, còn để xảy ra tình trạng “Thầy đọc, trò ghi”. Chất lượng cán bộ giảng dạy chính trị chưa đều, chưa toàn diện, còn hạn chế về kinh nghiệm, khả năng sư phạm đã làm hạn chế đến chất lượng công tác GDCT ở các cơ quan, đơn vị trong những năm qua.
Để từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã xác định một số giải pháp chủ yếu, trong tâm cần làm tốt trong thời gian tới như sau:
Một là: Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị đối với việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch GDCT cho các đối tượng thống nhất, khoa học; chú trọng bảo đảm tài liệu, cơ sở vật chất cho công tác GDCT. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch GDCT ở các đơn vị, kịp thời điều chỉnh và uốn nắn những sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hai là: Thường xuyên kiện toàn, duy trì nghiêm nền nếp hoạt động của tổ cán bộ giảng dạy chính trị, coi trọng chế độ thông qua và phê duyệt bài giảng theo phân cấp, nhất là thông qua bài giảng đúng quy trình; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, dự giảng, hội thi, hội giảng ở các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ lý luận, phương pháp giảng dạy và kỹ năng sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là: Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục sát với từng đối tượng và nhiệm vụ đơn vị; chủ động nghiên cứu tài liệu, kịp thời bổ sung những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước mới ban hành, những vấn đề thực tiễn nảy sinh vào bài giảng. Tăng cường tính định hướng tư tưởng và hướng dẫn hành động thực tiễn cho người học, khắc phục triệt để tình trạng sao chép nguyên văn bản tài liệu, giáo án cũ, thiếu tính sáng tạo trong chuẩn bị và thực hành giảng dạy chính trị tại đơn vị; làm tốt công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng thảo luận chính trị ở tổ; động viên, khuyến khích cán bộ sử dụng công nghệ thông tin, trình chiếu, sơ đồ, bảng kẻ và các hình thức giáo dục trực quan khác trong giảng dạy chính trị; kết hợp chặt chẽ giữa GDCT với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống; gắn GDCT với huấn luyện quân sự, nắm, quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng bộ đội, giữ nghiêm kỷ luật trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Bốn là: Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra đánh giá kết quả, bảo đảm chính xác, kịp thời chống bệnh “thành tích”; lấy chất lượng hiệu quả GDCT của đơn vị và kết quả học tập chính trị của các đối tượng làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và trong bình xét thi đua khen thưởng, xét đề bạt, nâng lương, điều động, bổ nhiệm hàng năm.
Năm là: Thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Quản lý, phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; làm tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, nhất là những đơn vị làm điểm, lựa chọn những mô hình tốt, cách làm sáng tạo để phổ biến và nhân rộng; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo nên phong trào thi đua dạy và học rộng khắp trong LLVT tỉnh.
Đại tá: Phạm Văn Vĩnh
Chủ nhiệm Chính trị- Bộ CHQS tỉnh
Ý kiến bạn đọc