NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ QUÂN SỰ TỈNH LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2015 – 2020
Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh: Phát huy vai trò tham mưu cho tỉnh kết hợp kinh tế với quốc phòng - quốc phòng với kinh tế
BHG- Là tỉnh vùng cao, biên giới, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, lại thoát khỏi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới muộn nhất cả nước; địa hình chia cắt, giao thông không thuận lợi; khí hậu thời tiết khắc nghiệt; thiếu đất, nước phục vụ sản xuất; công nghiệp, dịch vụ, du lịch còn manh mún... do vậy Hà Giang vẫn là tỉnh đặc biệt khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu quốc phòng, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, nhiệm kỳ qua đã tham mưu cho Tỉnh ủy – UBND tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN ngay từ trong nhận thức, trong các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện và các ban, ngành, đoàn thể. Trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, đều chú trọng bảo đảm cả mục tiêu KT-XH và QP-AN. Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH và nhiệm vụ QP-AN mà Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã xác định. Các dự án phát triển KT-XH của tỉnh đang triển khai xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có tính lưỡng dụng cao. Kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân và là cơ sở bảo đảm cho QP-AN. Đến nay, các tuyến Quốc lộ 2; 4C; 279; 34; đường liên tỉnh, liên huyện, đường vành đai biên giới (quốc lộ 4D) được xây dựng, cải tạo, nâng cấp; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, đã và đang được trải nhựa hoặc bê - tông hóa, nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các khu vực trọng điểm kinh tế - quốc phòng, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy KT-VH-XH phát triển và tạo nên thế trận QPTD vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới và hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ (KVPT) khi chiến tranh xảy ra.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể KT-XH, đô thị, khu, cụm công nghiệp... gắn với quy hoạch KVPT tỉnh, huyện (thành phố), Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện 17 đề án, dự án, kế hoạch xây dựng KVPT. Trước hết, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để xây dựng hệ thống thao trường huấn luyện từ tỉnh tới các xã; xây dựng các công trình phòng thủ, điểm tựa, cụm điểm tựa, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, sân bay, bãi cất hạ cánh trực thăng...; quy hoạch quản lý đất, các công trình quốc phòng, các điểm cao, hang động, khu vực có giá trị về KT-XH và QP-AN, tạo dựng thế trận liên hoàn, vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu. Các phương án, kế hoạch tác chiến phòng thủ của các cấp được xây dựng và thường xuyên có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với sự phát triển của tình hình. Triển khai rà phá bom mìn, vật nổ được hàng ngàn héc-ta đất, đưa dân tái định cư ở các thôn, bản giáp biên giới theo Chương trình 120; 504 của Chính phủ; đảm bảo tốt việc điều chỉnh quy hoạch, bố trí dân cư gắn với bố trí lực lượng phù hợp với từng vùng.
Phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia quy hoạch, thẩm định quy hoạch; đầu tư xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN. Tham gia có hiệu quả phong trào “LLVT Hà Giang chung sức xây dựng Nông thôn mới”, gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong KVPT. Chỉ đạo LLVT tỉnh tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, huy động trên 37.000 ngày công tham gia các chương trình phát triển KT-XH của địa phương, xây dựng cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp thực hiện tốt Chương trình 12 quân - dân y kết hợp và Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, khám và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh trong đơn vị và trên địa bàn. Thực hiện xóa đói, giảm nghèo trong DQTV, DBĐV; các chính sách về an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo, hậu phương quân đội, người có công... có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin, sự đồng thuận trong xã hội.
Chỉ đạo Đoàn KT-QP thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, triển khai các đề án, dự án KT-QP trong vùng dự án; thực hiện hỗ trợ giống, vốn, vật dụng gia đình, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, tham gia xây dựng đường giao thông, điểm trường, xóa 510 nhà tạm, giúp di giãn 115 hộ dân ra định cư sát biên giới; thực hiện tốt việc giám sát thi công xây dựng 15 công trình và thực hiện 2 dự án, góp phần ổn định dân cư vùng biên giới, phát triển KT-XH hội gắn với củng cố QP-AN trong vùng dự án, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã trong vùng dự án giảm từ 60% xuống còn 33,6%.
Cán bộ Đoàn KTQP 313 thực hiện “4 cùng” với nhân dân. Ảnh: Việt Tuấn |
Trong nhiệm kỳ tới, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN của Đảng và của cấp ủy cấp trên, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp tham gia thẩm định, khảo sát, quy hoạch và thực hiện các chỉ tiêu, chương trình, dự án phát triển KT-XH gắn với tăng cường củng cố QP-AN, bảo đảm tính hiệu quả cao. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Đoàn KT - QP 313 tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân. Tiếp tục tham mưu đề xuất với Quân khu và cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng các khu KT - QP trong vùng dự án; thực hiện có hiệu quả các dự án đã được đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lồng ghép các dự án KT-QP; giúp dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm, ra định cư trên biên giới, phát triển kinh tế biên mậu, góp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đại tá Đoàn Quốc Việt (Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh)
Ý kiến bạn đọc