Hiện thực hóa ước mơ
BHG - “Nhờ có Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy (Chương trình hỗ trợ nhà ở) đã giúp chúng tôi hiện thực hóa giấc mơ về ngôi nhà mới”, đây là tâm sự của nhiều hộ khó khăn tại 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc. Căn nhà mới đã giúp họ “an cư, lạc nghiệp”, ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng mảnh đất nơi biên cương ngày càng tươi sáng.
Ngôi nhà mới của cựu chiến binh Chảo A Nghì (giữa), thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc). Ảnh: TL |
Tôi càng cảm nhận rõ hơn khi mình phải sống trong căn nhà tạm, gió lạnh từng cơn xuyên qua tường. Mặc nhiều áo ấm, ngồi sưởi lửa vẫn còn thấy lạnh, khi ấy, tôi đã mơ ước một ngày sẽ được sống trong căn nhà kiên cố, ấm áp hơn. Và rồi, ước mơ đã trở thành hiện thực vào cuối năm 2019 khi gia đình tôi được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà mới từ nguồn kinh phí Chương trình hỗ trợ nhà ở của Tỉnh ủy.
Cùng chung tâm trạng như anh Chinh, chị Sùng Thị Di, thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ cho biết: Hàng năm, vào mùa mưa bão thường xảy ra mưa lớn, dông lốc, đây là mối nguy hiểm thường trực đe dọa cuộc sống của người dân, nhất là đối với những gia đình đang sống trong nhà tạm; gia đình tôi cũng nằm trong số đó. Nhiều năm trước, căn nhà tạm của gia đình tôi thường xuyên bị mưa bão “trêu đùa”, mỗi lần như thế, căn nhà lại xiêu vẹo thêm, đôi khi còn bị cuốn bay mấy tấm mái. Bị thiệt hại, lại phải khắc phục, khó khăn càng thêm khó khăn; giá như không phải mất số tiền ấy tôi đã có thêm tiền mua con lợn, con gà để chăn nuôi hoặc mua cho con chiếc áo mới để tới trường… Nhưng điều tuyệt vời đã đến, cuối năm 2019, tôi được Chương trình hỗ trợ nhà ở hỗ trợ kinh phí để xây nhà mới. Sau hơn 1 tháng xây dựng, ngôi nhà đã hoàn thành, đảm bảo cứng nền, cứng khung-tường, cứng mái. Cũng nhờ đó mà gần 2 năm qua, trải qua nhiều đợt mưa bão, căn nhà của gia đình tôi vẫn bình yên.
Niềm vui của anh Chinh, chị Di cũng là niềm vui chung của gần 400 hộ nghèo tại các xã biên giới huyện Mèo Vạc khi được hỗ trợ kinh phí làm nhà ở. Tính hết tháng 10.2021, 3 xã biên giới Xín Cái, Sơn Vĩ và Thượng Phùng đã triển khai được 378 nhà (chiếm hơn 50% trong tổng số nhà đã triển khai của huyện). Riêng giai đoạn 2 (từ tháng 9.2020 đến nay), 3 xã đã triển khai được 90 nhà. Tổng số ngày công các cá nhân, tổ chức hỗ trợ xây nhà 3 xã trên hơn 8.000 công lao động. Có thể nói, được sống trong căn nhà mới là dấu mốc quan trọng trong đời của mỗi hộ dân nghèo ở các xã biên giới Mèo Vạc, để từ đó yên tâm làm ăn, bám đất, bám bản, cùng với chính quyền và lực lượng biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái: Hiện nay, Đồn đang quản lý tuyến biên giới dài hơn 23 km thuộc địa bàn xã Xín Cái và Thượng Phùng. Đa phần đồng bào tại 2 xã này đều là dân tộc Mông. Thời gian qua, thực hiện công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát địa bàn cho thấy, số vụ công dân thuộc địa bàn Đồn quản lý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do đã giảm mạnh so với những năm trước, không còn tình trạng người dân di cư tự do đến các địa phương khác. Có thể khẳng định, kết quả này có sự tác động không nhỏ từ Chương trình hỗ trợ nhà ở của Tỉnh ủy.
Cùng chung nhận định trên, lãnh đạo 3 xã Xín Cái, Thượng Phùng và Sơn Vĩ cho rằng: Chương trình hỗ trợ nhà ở đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ giúp thay đổi diện mạo nông thôn mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân. Nhìn chung, những hộ sau khi được hỗ trợ làm nhà ở đã đẩy mạnh lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; tích cực tham gia vào phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Để tiếp tục giúp các hộ ổn định cuộc sống, hiện nay, các xã đang triển khai nhiều giải pháp tạo sinh kế cho người dân, như Chương trình Cải tạo vườn tạp; các chương trình giảm nghèo từ nguồn vốn T.Ư, tỉnh, huyện; đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả của địa phương…
Giờ đây, dù mưa dông hay giá buốt thì gần 400 hộ nghèo xã biên giới của huyện Mèo Vạc cũng phần nào được an tâm hơn bởi họ được bảo vệ trong những ngôi nhà mơ ước - ngôi nhà của ý Đảng, lòng dân, tình quân dân và tình làng nghĩa xóm. Trong tâm thế mới, họ tiếp tục lạc quan, lao động sản xuất và trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương cực Bắc.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ