Chung tay vì môi trường biển
BHG - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay; Liên chi Đoàn đảo Trường Sa đã phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với khẩu hiệu: “Ngay từ hôm nay tôi sẽ thu gom, xử lý rác thải biển”. Đó là lời thôi thúc mạnh mẽ để đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cùng chung tay bảo vệ môi trường biển.
Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng cùng nhân dân trên đảo Trường Sa thu gom rác. |
Thời gian gần đây, số lượng rác thải ở đảo Trường Sa ngày càng nhiều, gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Rác thải đến từ nhiều nguồn khác nhau, như: Từ sinh hoạt trên đảo; do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển; bị sóng biển đánh dạt vào đảo tạo thành những bãi rác lớn trên bờ cát.
Nối tiếp những kết quả đạt được của phong trào “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngôi nhà 100 đồng”… Liên chi Đoàn đảo Trường Sa phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” với khẩu hiệu: “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ không sử dụng túi nilon, chai nhựa”; “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ không xả rác thải xuống biển”; “Ngay từ hôm nay, tôi sẽ thu gom, xử lý rác thải biển”…
Trung tá Lê Trọng Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo, cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy đảo Trường Sa đã cùng chỉ huy các cấp, các lực lượng và nhân dân trên đảo có nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường; hướng tới xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong việc thu gom, xử lý rác thải; sau đó, nhân rộng ra các lực lượng cũng như nhân dân trên đảo”.
Thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ, các buổi sinh hoạt, tọa đàm thanh niên, Liên chi Đoàn đảo Trường Sa đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, ĐVTN về tác hại của rác thải, cách phân loại, xử lý và công tác bảo vệ môi trường biển…
Chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN các lực lượng thực hiện buổi thu gom, xử lý rác tại các khu vực xung quanh đảo; dù trời nắng nóng hơn 400 C, nhưng với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng các lực lượng vẫn hăng hái thu gom, vệ sinh môi trường.
Thượng úy Nguyễn Xuân Việt, Bí thư Chi đoàn Cụm 3, chia sẻ: “Ngay từ sáng sớm, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN đã chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để hưởng ứng chiến dịch này. Đây là chiến dịch đánh thức cộng đồng, khơi dậy trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường sống; góp phần làm sạch môi trường biển, đảo”.
Lau vội những giọt mồ hôi, binh nhất Nguyễn Quốc Anh, đoàn viên Chi đoàn Cụm 2, chia sẻ: “Qua công tác vận động, tuyên truyền về ý nghĩa của chiến dịch, bản thân tôi thấy được trách nhiệm trong bảo vệ môi trường xung quanh; góp phần bảo vệ cuộc sống trong lành, tôi sẽ ý thức hơn trong sinh hoạt để góp phần bảo vệ môi trường biển, đảo”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, hộ dân số 1 cùng gia đình thức dậy từ rất sớm để tham gia thu dọn rác thải trên bãi biển cùng bộ đội. Chị kể: “Trước đây, nhà em cũng không để ý, cứ đổ rác ra biển… Nay hiểu rồi, sẽ phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định; em cùng bà con sẽ tích cực dọn rác cùng các chú bộ đội để đảo luôn sạch”.
Cùng với việc làm sạch bãi biển, ĐVTN và cán bộ, chiến sĩ còn kết hợp tuyên truyền ý thức giữ gìn khu vực biển, đảo xanh, sạch, đẹp. Sau một ngày làm việc tích cực, các khu vực đã được thu dọn sạch sẽ; rác thải được tập trung tại các địa điểm để phân loại và xử lý.
Ngư dân nói chung và ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa nói riêng thường có thói quen xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Trong các đợt tàu cá của ngư dân vào Âu tàu Trường Sa tránh, trú bão hoặc nghỉ trăng…, chỉ huy đảo thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường biển. Thượng úy Nguyễn Xuân Việt, cho biết thêm: “Chúng tôi tuyên truyền để bà con hiểu tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển, hướng dẫn ngư dân phân loại rác; trong đó, những rác thải rắn, khó phân hủy, như: Vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa, túi nilon… thì phải đập bẹp, đóng vào các bao; sau đó mang vào đảo hoặc mang vào bờ để xử lý chứ không được vứt xuống biển”.
Trao đổi về chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Trung tá Lê Trọng Thông, khẳng định: Việc thu gom rác thải trên bãi biển mới là bước đầu; chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động để ĐVTN, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân trên trên đảo có ý thức hơn trong việc phân loại, xử lý rác thải; góp phần chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo.
Bài, ảnh: Hoàng Minh
Ý kiến bạn đọc