Viết tiếp trang sử hào hùng - Kỳ 1: Vinh dự, tự hào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126

17:13, 06/09/2018

BHG - Những ngày cuối tháng 8, Đoàn công tác Báo Hà Giang được về Hải Phòng, cùng đoàn Báo Hải quân thăm Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Đây cũng là hành trình kết nối và thực hiện công tác tuyên truyền về biển, đảo, lãnh thổ, lãnh hải và thềm lục địa của Tổ quốc theo chương trình ký kết giữa Tỉnh ủy Hà Giang và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Đoàn công tác Báo Hà Giang thăm Nhà truyền thống của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.
Đoàn công tác Báo Hà Giang thăm Nhà truyền thống của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.

 Ấn tượng với đoàn Báo Hà Giang, đó là sự đón tiếp trang trọng mà cảm động của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đã dành cho đoàn. Những câu chuyện, ánh mắt, nụ cười, những cái bắt tay tạo nên sự gần gũi giữa chủ và khách. Khuôn viên đơn vị quả là sạch, đẹp, màu xanh của hệ thống cây cảnh, vườn hoa bao quanh các khu nhà của đơn vị. Nổi bật trong khung cảnh ấy, là Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Đặc công Hải quân. Khối tượng đài trung tâm cao 30m, gồm hình ảnh 5 chiến sỹ đặc công: Người chỉ huy, đặc công nước, đặc công đặc nhiệm chống khủng bố và đặc công người nhái.

Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Đặc công Hải quân ở Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Đặc công Hải quân ở Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126.

Lữ đoàn 126 là đơn vị có bề dày lịch sử, được thành lập ngày 13.4.1966, là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng Trường Sa tháng 4.1975 và tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. Với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã tham gia hàng trăm trận đánh; trong đó, có những trận đánh khiến địch thất điên, bát đảo. Suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 đã vinh dự hai lần được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1969 và 1971), 4 tập thể thuộc đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng (riêng Đội 1 của Lữ đoàn đã 3 lần được phong Anh hùng), 12 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Ngay khi đến đơn vị, Đoàn cán bộ Báo Hà Giang, Báo Hải quân đã đến dâng hương, báo công, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Đặc công Hải quân. Tiếp đó, Đoàn được xem những thước phim truyền thống của đơn vị, tham quan phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. Đoàn được chiêm ngưỡng những hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa; đặc biệt là những bức ảnh truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam; kết quả huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Hồi hộp nhất, ngưỡng mộ nhất, ấy là khi Đoàn công tác của Báo Hà Giang và Báo Hải quân được tham quan cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 biểu diễn võ thuật và các khoa mục huấn luyện khác.

Đại tá Đoàn Văn Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, gới thiệu truyền thống của đơn vị với Đoàn công tác của Báo Hà Giang
Đại tá Đoàn Văn Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, gới thiệu truyền thống của đơn vị với Đoàn công tác của Báo Hà Giang

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân được giao nhiệm vụ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh cùng các mục tiêu trọng yếu về kinh tế, quốc phòng - an ninh, trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, vừa sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao.

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân đã có nhiều giải pháp thiết thực để cùng các lực lượng của Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, chất lượng huấn luyện, đối tượng huấn luyện đa dạng, ở nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác nhau; phát huy sáng kiến cải tiến mô hình, học cụ huấn luyện sát thực tế.

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu - xây dựng lực lượng, đơn vị luôn chú trọng công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị xanh – sạch - đẹp. Nhiều năm liền, Đảng bộ Lữ đoàn luôn đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh, đơn vị đạt Đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dẫn chúng tôi đi thăm đơn vị, Đại tá Đoàn Văn Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, kể nhiều về gương cán bộ, chiến sỹ các thời kỳ của đơn vị đã lập nên nhiều kỳ tích trong huấn luyện, chiến đấu, trong tham gia các hoạt động của địa phương; những câu chuyện về tình quân - dân nơi đơn vị đóng quân đầy tính nhân văn. Đại tá Đoàn Văn Mạnh cho biết: Đặc thù của bộ đội đặc công Hải quân là hoạt động trong môi trường nước, nên ngoài việc phải tinh thông võ thuật, các chiến sĩ phải có kỹ năng hoạt động dưới nước. Bơi đường dài và thả trôi là hai trong nhiều kỹ năng cơ bản của đặc công Hải quân. Không chỉ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, các hoạt động tình nghĩa trên địa bàn.

Ở Lữ đoàn 126, cùng với nơi ăn, ở cho cán bộ, chiến sỹ được coi trọng, việc đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cũng ngày càng được nâng cao. Ngoài Nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, thư viện,  thì khu Nhà đa năng của đơn vị cũng được phát huy hiệu quả: Tầng 1 là khu luyện tập, thi đấu thể thao. Lên tầng 2 của Nhà đa năng, chúng tôi khá bất ngờ, bởi có phòng “Thư viện - cà phê - âm nhạc”. Một chiến sỹ trẻ ở Lữ đoàn, khoe: Sau thời gian huấn luyện, ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sỹ đến vừa đọc sách, báo, vừa uống cà phê, hoặc vừa uống cà  phê, vừa nghe nhạc. Đây cũng là nơi đơn vị tổ chức “Sinh nhật đồng đội”, hoặc tiếp người thân khi đến thăm cán bộ, chiến sỹ đơn vị.

Nhận rõ vai trò, trách nhiệm và vinh dự đặc biệt của mình với nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 126 luôn đoàn kết một lòng, xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Vượt qua gian nan thử thách, các anh đã và đang tiếp nối các thế hệ đi trước viết nên trang sử hào hùng của của Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội Hải quân.

Kỳ cuối: Chuyện ở đơn vị “5 giỏi - 2 keo sơn” và “nhiều hơn 1”

Bài, ảnh:  HOA SIM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Non sông liền một dải! – Kỳ cuối: Miền đá hướng về biển, đảo thân yêu!

BHG - Mặc dù thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước, điều kiện KT – XH cũng thuộc diện khó khăn nhất nước; Nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới những vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Có nhà thơ đã viết: "Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt", hai tiếng Tổ quốc khi cất lên trong tim mỗi người dân Việt Nam thật thiêng liêng và có sức mạnh lạ thường!

22/08/2018
Non sông liền một dải! Kỳ 2: Thắm tình đoàn kết keo sơn!

BHG - Ấm áp, keo sơn và thắm tình đoàn kết là không khí của buổi Lễ ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Tỉnh ủy Hà Giang và Đảng ủy Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam diễn ra đầu tháng 8 vừa qua. Những cái bắt tay thật chặt, thể hiện quyết tâm chính trị cao, phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT – XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

20/08/2018
Non sông liền một dải! - Kỳ 1: Hiên ngang dáng hình Tổ quốc nơi đầu sóng!

BHG - Tháng Tám, mùa Thu lại về trên dải đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Tháng Tám, trái tim hàng triệu người Việt Nam trên khắp dặm dài Tổ quốc lại bồi hồi nhớ về sự kiện lịch sử trọng đại: Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong không khí mùa Thu lịch sử, cùng với quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta luôn hướng về biển, đảo Tổ quốc, nguyện kề vai, sát cánh bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo quê hương…

 

17/08/2018
Nhân lên tình yêu Tổ quốc - Bài cuối: Cùng chung nhịp đập

BHG - Sau chuyến thăm của Đoàn công tác số 14 trên tàu HQ-996 Hải quân, mang theo Lá cờ Tổ quốc đã treo ở Cột cờ Lũng Cú, Phiến đá trên Cao nguyên đá Đồng Văn và Bức ảnh Cột cờ Lũng Cú đầy ý nghĩa tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa, đã có thêm nhiều đại diện cho các ngành, đoàn thể, LLVT của tỉnh đến với Trường Sa. Đặc biệt, tháng 5.2017, tại Đảo Trường Sa lớn, diễn ra  Lễ trao "Đất thiêng gửi Trường Sa -  từ Cột cờ Lũng Cú", trong hành trình mang đất thiêng từ các vùng miền ở đất liền ra Trường Sa, do Báo Tuổi trẻ tổ chức.

09/08/2018