Hoàng Su Phì chú trọng những cây trồng chủ lực

14:33, 20/03/2019

BHG - Nhằm triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì đã, đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương, nhất là các sản phẩm chủ lực, cây trồng thế mạnh, như: Chè, thảo quả và một số loại cây ăn quả khác. Qua đó, từng bước góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Người dân thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu chăm sóc cây Thảo quả.
Người dân thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu chăm sóc cây Thảo quả.

Hiện tại huyện Hoàng Su Phì đã có 3 loại cây trồng được coi là thế mạnh, gồm cây Chè, Thảo quả và Mận máu. Mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người nông dân, tuy nhiên do đặc thù địa lý, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng mà những cây trồng này chỉ được trồng tại một số xã nhất định như: Chè ở xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán… Thảo quả tập trung trồng chủ yếu ở xã Túng Sán, Hồ Thầu và cây Mận máu ở Thàng Tín, Chiến Phố… một số xã còn lại gần như chưa xác định được một loại cây trồng chủ lực thật sự.

Lãnh đạo UBND huyện Hoàng Su Phì cùng các phòng chức năng của huyện kiểm tra tiến độ phát triển của cây Mận máu tại xã Chiến Phố.
Lãnh đạo UBND huyện Hoàng Su Phì cùng các phòng chức năng của huyện kiểm tra tiến độ phát triển của cây Mận máu tại xã Chiến Phố.

Nhìn lại vụ Thảo quả năm 2018, với gần 2.000ha, mỗi năm cho thu hoạch trên 1.000 tấn thảo quả tươi. Đây là một nguồn thu lớn cho người nông dân Hoàng Su Phì. Vào những ngày này, những người trồng Thảo quả ở huyện Hoàng Su Phì đang tập trung chăm sóc, đây đang là giai đoạn hết sức quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng của thảo quả năm nay. Theo những người trồng Thảo quả, thời điểm cây ra hoa kết trái quyết định cả một mùa vụ, trong giai đoạn này cây Thảo quả dễ tổn thương nhất do chuột và các loại côn trùng tàn phá, nếu không chăm sóc tốt, tỷ lệ đậu quả sẽ rất thấp. Để có một vụ thảo quả bội thu, những người trồng Thảo quả đang tập trung toàn lực để chăm sóc từng khóm Thảo quả. Theo ông Phàn Lào Lủ, trú tại thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu cho biết: Nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi thì vụ Thảo quả năm nay hứa hẹn có thu nhập cao. Vì năm nay, chính quyền địa phương và cả cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cũng xuống từng hộ trồng Thảo quả đôn đốc, hướng dẫn chăm sóc từ lúc cây bắt đầu ra hoa, kết trái. Nhờ só sự sâu sát tuyên truyền vận động của cán bộ cấp ủy, chính quyền và phòng chức năng nên bà con các hộ trồng Thảo quả thường xuyên thăm rừng, tích cực sới cỏ, phát quang gốc, tránh để chuột làm tổ, gây hại. Bổ sung phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây, nếu thời tiết không thuận lợi thì cần phun thuốc kích thích đậu quả... Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Triệu Sơn An cho biết: “Để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây Thảo quả; những năm qua, UBND huyện đã quy hoạch vùng trồng cây Thảo quả tập trung tại các xã có diện tích rừng lớn; hỗ trợ cây giống, KHKT nhằm cải tạo, trồng mới, trồng dặm đối với những diện tích già cỗi. Cùng với đó, có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân nhận khoán trồng Thảo quả gắn với việc bảo vệ rừng; thành lập các Nhóm sở thích để hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hái, kỹ thuật sấy và bảo quản nông sản nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm; góp phần đưa cây Thảo quả trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp bà con nông dân thoát nghèo…”. Với những giải pháp hữu hiệu, thiết thực đối với giống cây Thảo quả và nếu tìm kiếm được tổ chức, doanh nghiệp, đối tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch cho người dân thì cây Thảo quả sẽ là một trong những cây trồng chủ lực để thoát nghèo bền vững cho người nông dân.

Cùng với cây Chè và cây Thảo quả, những năm qua huyện Hoàng Su Phì đã, đang rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho cây Mận máu, cây Lê thành hàng hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến năm 2030. Hiện tại trên địa bàn huyện có gần 340ha cây ăn quả, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 166ha, sản lượng đạt gần 1.500 tấn, giá trị sản xuất ước đạt trên 13 tỷ đồng. Tuy nhiên do tập quán canh tác còn mang tính truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thu hoạch nên sản phẩm làm ra chưa đồng đều về chất lượng. Để khắc phục những hạn chế này, huyện Hoàng Su Phì đã có phương án phát triển cây ăn quả địa phương theo hướng bền vững tại 8 xã với quy mô diện tích là 600ha. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua huyện tiến hành liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu, tư vấn phát triển cây Mận máu, cây Lê trên địa bàn. Xây dựng vườn ươm cây giống đảm bảo đủ cung ứng theo nhu cầu của người dân. Từ thực tiễn cho thấy: Giá quả Mận máu địa phương tăng từ 10.000 đồng/kg những năm trước đến vụ quả năm 2018 đã tăng lên 30 – 40.000 đồng/kg, thu nhập của người trồng Mận tăng lên rõ rệt. Ông Giàng Kháy Dìn, thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố cho biết: “Nhà tôi có 10 cây Mận máu đang cho thu hoạch, năm trước bán quả thu được 10 triệu đồng, tính ra thu nhập cao hơn nhiều so với trồng các cây trồng khác nên vừa rồi, xã phát động trồng cây Mận máu, gia đình nhà tôi đã trồng thêm được hơn 100 cây vào mấy nương ngô cho sản lượng thấp. Do trồng đúng thời vụ lại được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật nên tất cả số cây trồng đều sống và phát triển tốt…”.

Trưởng phòng NN&PTNT Lý Chòi Nhàn cho biết: “Từ những chủ trương của huyện, thời gian qua phòng đã, đang từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu tập trung bằng cách đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng lợi thế để sắp xếp lại sản xuất phù hợp, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bằng các giải pháp như tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn, giống mới năng suất cao. Cùng với đó, huyện đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh như thảo quả xã Túng Sán; chè cao cấp của xã Thông Nguyên; quả mận máu tại xã Chiến Phố; quả Lê xã Thàng Tín...”.

Với những giải pháp thiết thực, hữu hiệu của lãnh đạo huyện đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp trên cơ sở tập trung chỉ đạo bà con nông dân chủ động nguồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên đã giúp cho người dân nơi đây dần dần làm quen với những phương pháp lao động, sản xuất hàng hóa. Đây chính là điều kiện thuận lợi nhất cho người dân huyện Hoàng Su Phì tự xóa đói giảm nghèo bằng chính thế mạnh sẵn có của địa phương một cách bền vững và lâu dài.

Bài, ảnh: Phi Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Du lịch thời công nghiệp 4.0

BHG - Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên một thế giới phẳng, xóa nhòa giới hạn về không gian, thời gian; tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo đà phát triển du lịch bền vững. Nhờ cách mạng 4.0, giờ đây du khách khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, giúp họ lựa chọn địa điểm và hành trình phù hợp, an toàn, hiệu quả. 

21/12/2018
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh làm việc với Ban chỉ đạo Tái cơ cấu kinh tế tỉnh

BHG - Chiều 19.12, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang...

20/12/2018
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khẳng định vị thế cam Hà Giang

BHG - Thương hiệu cam Sành Hà Giang được khẳng định từ nhiều năm về trước bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm và độ sạch trong khâu sản xuất. Với sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế cam Hà Giang trên thị trường.

 

18/12/2018