Phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đưa chè Hà Giang vươn tầm

08:19, 13/12/2018

BHG - Tỉnh ta hiện có trên 20.626 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 18.232 ha; sản lượng đạt 67.532 tấn/năm. Con số này đã đưa Hà Giang trở thành địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước. Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và hơn cả, với lợi thế của vùng chè truyền thống, với sự đầu tư, phát triển theo hướng VietGAP, hữu cơ đã góp phần đưa danh tiếng chè Hà Giang ngày càng vươn xa.

Cùng với hỗ trợ sản xuất, công tác quảng bá sản phẩm chè luôn được tỉnh chú trọng.  Trong ảnh: Thiếu nữ trình diễn nghệ thuật pha trà.
Cùng với hỗ trợ sản xuất, công tác quảng bá sản phẩm chè luôn được tỉnh chú trọng. Trong ảnh: Thiếu nữ trình diễn nghệ thuật pha trà.

Hà Giang với lợi thế cực lớn của vùng chè chất lượng, đã tạo nên những sản phẩm chè hảo hạng, được người tiêu dùng tìm kiếm. Trong xu hướng phát triển và nhu cầu sử dụng chè trong nước, trên thế giới, vùng chè Hà Giang đang đứng trước những cơ hội lớn. Phát huy lợi thế, những năm qua tỉnh ta luôn có những cơ chế, chính sách tập trung phát triển cây chè theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Với sự tham mưu của ngành Nông nghiệp, năm 2016, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên diện tích chè, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đến 2020, toàn bộ sản lượng, sản phẩm chè búp tươi sản xuất trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì đạt chất lượng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quy trình GAP.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Từ đòi hỏi của thị trường và sự cần thiết phải chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm chất lượng, uy tín, từ 2016 đến nay toàn tỉnh triển khai áp dụng tiêu chuẩn GAP trong sản xuất cho 6.573 ha chè. Trong đó, diện tích chứng nhận VietGAP đạt 3.229 ha; diện tích triển khai để chứng nhận theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ 3.344 ha. Đã thu hút 15 cơ sở chế biến chè, gồm 13 HTX và 2 doanh nghiệp được phân giao vùng nguyên liệu tham gia liên kết, gắn với người trồng chè để thực hiện xây dựng, cấp chứng nhận và duy trì vùng sản xuất 3.344 ha chè búp theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo đánh giá của tỉnh, năm 2017 sản lượng chè búp tươi đạt tiêu chuẩn GAP 14.830 tấn, trong đó chè VietGAP khoảng 10.990 tấn; chè hữu cơ khoảng 3.840 tấn. Năm 2018, dự kiến tổng sản lượng đạt trên 21.022 tấn, trong đó chè VietGAP khoảng 10.990 tấn; chè hữu cơ khoảng 10.320 tấn. Đến nay, kinh phí triển khai thực hiện quy trình GAP được tỉnh bố trí 12,462 tỷ đồng; dự kiến nhu cầu kinh phí ngân sách hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho trên 12.640 ha chè kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 trên 31 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua giá bán chè búp tươi được chứng nhận hữu cơ có sự tăng mạnh, cao gấp 3 – 4 lần chè sản xuất theo phương thức truyền thống. Như vậy, với sản lượng chè búp tươi được chứng nhận GAP, khoảng 21.022 tấn/năm, sẽ cho thu nhập từ chênh lệch giá bán khoảng 128 – 130 tỷ đổng/năm. Qua đó, trong thời hạn Giấy chứng nhận GAP có hiệu lực (2 năm) sẽ đem lại giá trị tăng thêm cho sản phẩm khoảng 256 – 260 tỷ đồng. So với tỷ suất đầu tư theo dự kiến đến khi hoàn thiện Chứng nhận hữu cơ cho 3.344 ha (kết thúc vào năm 2020) là 17,764 tỷ đồng/256 tỷ đồng giá trị tăng thêm của sản phẩm, chỉ chiếm khoảng 6,9%, đem lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè theo hướng hữu cơ, VietGAP đã giúp liên kết 3.295 hộ sản xuất chè nhỏ lẻ, manh mún, tham gia vào các tổ sản xuất, HTX; thu hút 15 cơ sở chế biến chè tham gia liên kết với người trồng chè để quản lý, bao tiêu sản phẩm chè hữu cơ. Từ đó, góp phần đẩy nhanh thực hiện mục tiêu tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm chè của tỉnh.

Thông qua nỗ lực phát triển ngành chè với hướng sản xuất sạch gắn với việc nâng cao giá trị sản phẩm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp, 13 HTX và 290 cơ sở, hộ kinh doanh, chế biến chè, với tổng công suất khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày. Công tác chế biến chè đã có chuyển biến tích cực, từ chú trọng bao bì nhãn hiệu, đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, nhiều thương hiệu chè đã khẳng định vị thế trên thị trường như: Thành Sơn, Độ Khoa, Hùng Cường, Hùng An, Fìn Hò trà...

Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã quyết định cấp chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Hà Giang cho vùng chè của 44 xã thuộc 6 huyện, thành phố. Điều này góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu vùng chè sạch Hà Giang. Để tiếp tục phát huy lợi thế, thúc đẩy sản xuất chè theo hướng VietGAP, hữu cơ, rất cần tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư mạnh của tỉnh, từ đó góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Bài, ảnh:  HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tạo động lực phát triển miền cực Bắc Tổ quốc: Kỳ cuối - "Trái ngọt đầu mùa"

BHG - 2018 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nhìn lại những cách làm và kết quả đạt được, chúng ta thêm hy vọng về gam màu tươi sáng của nền kinh tế. Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra trong tháng 9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Nửa nhiệm kỳ qua, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo trong ban hành nghị quyết, cơ chế, chính sách và quyết liệt lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trong các lĩnh vực của đời sống, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh – quốc phòng ổn định, trật tự an toàn xã hội giữ vững…

 

16/11/2018
Tạo động lực phát triển miền cực Bắc Tổ quốc: Kỳ đầu - Nhận diện "nút thắt"

BHG - Đảng bộ tỉnh ta đã trải qua 16 kỳ Đại hội; qua từng năm, nền KT - XH có chuyển biến rõ nét, cuộc sống người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Nhưng đến nay, tỉnh ta vẫn còn rất nhiều khó khăn và câu hỏi: Làm thế nào để tạo động lực phát triển đang được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm, tìm lời giải hiệu quả nhất. Là một tỉnh biên giới, cực Bắc Tổ quốc với vô vàn những khó khăn, nhưng tỉnh ta cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc dài hơn 270 km...

15/11/2018
Nông nghiệp Yên Minh sau hơn 2 năm tái cơ cấu

BHG -  "Nông nghiệp của huyện Yên Minh đã có chuyển biến rõ nét, sản xuất chuyển dịch đúng hướng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; chăn nuôi phát triển mạnh, dần chuyển từ nông hộ, quy mô nhỏ sang hình thức gia trại, trang trại sản xuất hàng hóa; một số vùng sản xuất tập trung các loại cây, con thế mạnh đang được hình thành… góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo trên địa bàn" - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Phạm Xuân Diệu khẳng định.

 

10/12/2018
Nỗ lực thu hút đầu tư

BHG - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn 1.505 tỷ đồng; có thêm 3 dự án ODA được ký hiệp định vay và 4 dự án đã xây dựng đề xuất… Kết quả trên khẳng định sự nỗ lực của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị của tỉnh trong thu hút đầu tư. Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư) Phạm Thanh Hòa, hoạt động xúc tiến đầu tư được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm bằng việc tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá môi trường, chính sách đầu tư...

07/12/2018