Du lịch thời công nghiệp 4.0
BHG - Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nên một thế giới phẳng, xóa nhòa giới hạn về không gian, thời gian; tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo đà phát triển du lịch bền vững.
Du khách nước ngoài tham quan đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). |
Nhờ cách mạng 4.0, giờ đây du khách khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch, giúp họ lựa chọn địa điểm và hành trình phù hợp, an toàn, hiệu quả. Việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm du lịch cũng thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn; thông qua các Website thông minh, mạng xã hội, các thước phim được quay bằng công nghệ hiện đại, hình ảnh về các điểm đến và thông tin du lịch được cung cấp đầy đủ, nhanh nhất đến du khách. Các tài nguyên du lịch và dịch vụ như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm đến, hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, giao thông, các thông tin về thời tiết… của tỉnh đều được số hóa và cập nhật rộng rãi, kịp thời giúp các công ty lữ hành và du khách lựa chọn hành trình thuận lợi.
Bên cạnh đó, việc kinh doanh qua mạng hiện đang là một xu thế tất yếu. Khách du lịch chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin về nhà hàng, khách sạn, điểm đến phù hợp, đáp ứng nhu cầu cá nhân và thực hiện thao tác đặt chỗ, thanh toán điện tử trên ứng dụng điện thoại thông minh hoàn toàn có thể yên tâm về hành trình. Đặc biệt, trong mùa Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, hoa Tam giác mạch… lượng khách lên Cao nguyên đá Đồng Văn rất lớn, việc đặt chỗ ăn, nghỉ trực tiếp gặp nhiều khó khăn thì việc đặt chỗ và thanh toán điện tử là giải pháp tối ưu. Kinh doanh trên môi trường mạng cũng giúp các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng kết nối tour, tuyến du lịch, tăng lượng khách và hiệu suất kinh doanh.
Anh Nguyễn Mạnh Hưng, quản lý Công ty TNHH QT (thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang) cho biết: Hiện nay, hoạt động kinh doanh của Công ty phần lớn thực hiện trên môi trường mạng; trên 90% khách du lịch tìm kiếm thông tin, đặt chỗ ở và thuê dịch vụ xe máy tự lái qua mạng. Tuy nhiên, kinh doanh trên môi trường mạng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn khi khách hàng có nhiều thông tin để lựa chọn; vì vậy, Công ty luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, giá thành hợp lý, sử dụng đội ngũ lao động qua đào tạo, có kỹ năng ứng dụng công nghệ và giao tiếp thành thạo ngoại ngữ.
Hiện tại, phần lớn các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đều có Website riêng hoặc tài khoản mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối khách hàng. Mới đây, Tỉnh đoàn phối hợp với Công ty Cổ phần GEM triển khai Đề án “Phát triển kênh phân phối nông sản, sản phẩm thủ công, làng nghề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phục vụ phát triển du lịch”. Với công nghệ sử dụng mã QR code do Sở Công thương cấp và kiểm định chất lượng để mã hoá, xử lý dữ liệu, hệ thống giúp nhà cung cấp sản phẩm quảng bá và thực hiện giao dịch với khách hàng trên hệ thống. Từ đây, du khách hoàn toàn có thể tìm kiếm thông tin du lịch, liên hệ đặt chỗ và thanh toán điện tử một cách nhanh chóng, tiện ích qua ứng dụng điện thoại thông minh; khách hàng có thể gửi phản hồi về chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp ngay trên hệ thống. UBND tỉnh vừa phối hợp với Tập đoàn VNPT lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu kết nối Internet của du khách; phối hợp xây dựng thành phố Hà Giang thành đô thị thông minh.
Đặc biệt, mới đây, Cổng thông tin du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh và ứng dụng Ha Giang tourism (hỗ trợ cho hệ điều hành IOS và Android trên thiết bị di động) được khai trương, đi vào hoạt động là bước đột phá quan trọng trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển du lịch. Cổng thông tin du lịch thông minh được thiết kế với nhiều tiện ích; hỗ trợ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách có thể truy cập, tìm kiếm thông tin du lịch Hà Giang một cách dễ dàng trên máy tính và các loại điện thoại thông minh theo bộ lọc như: Lưu trú, ẩm thực, điểm du lịch, cửa hàng, giải trí, lữ hành, sự kiện… với hệ thống cung cấp công cụ đặt phòng nhanh, đặt phòng theo mô hình kinh tế chia sẻ. Cùng với đó, hệ thống sẽ tích hợp bản đồ số về du lịch, giúp du khách dễ dàng định vị, chỉ đường, tìm kiếm các địa điểm xung quanh để tự tạo lịch trình theo thời gian, sở thích. Việc đưa vào hoạt động Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhờ nhạy bén trong áp dụng khoa học, kỹ thuật và nhiều quyết sách đúng trong phát triển du lịch, lượng khách đến tỉnh tăng bình quân gần 32%/năm. Năm 2018, khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu từ du lịch đạt trên 1.150 tỷ đồng.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc