Tạo động lực phát triển miền cực Bắc Tổ quốc: Kỳ đầu - Nhận diện "nút thắt"
BHG - Đảng bộ tỉnh ta đã trải qua 16 kỳ Đại hội; qua từng năm, nền KT - XH có chuyển biến rõ nét, cuộc sống người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Nhưng đến nay, tỉnh ta vẫn còn rất nhiều khó khăn và câu hỏi: Làm thế nào để tạo động lực phát triển đang được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm, tìm lời giải hiệu quả nhất.
Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Sính Mí Pó (bên phải), thôn Há Lìa, xã Sủng Thài hình thành từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. |
Là một tỉnh biên giới, cực Bắc Tổ quốc với vô vàn những khó khăn, nhưng tỉnh ta cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc dài hơn 270 km; có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, cùng nhiều lối mở đã chính thức được thông quan, thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế biên mậu. Bên cạnh đó, Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn đang dần trở thành trung tâm du lịch, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Với 86% diện tích tự nhiên là đồi núi, tỷ lệ che phủ rừng cao, có hàng nghìn loài thực vật, dược liệu quý hiếm, là tiền đề và động lực để tỉnh ta trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương đã và đang gây dựng được thương hiệu, như cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, bò Vàng...
Thế nhưng, đến nay tỉnh ta vẫn nằm trong nhóm những địa phương đặc biệt khó khăn; đời sống của nhân dân tuy được cải thiện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; kinh tế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng… Nguyên nhân của tình trạng trên được Nghị quyết số 17, ngày 7.9.2018 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về Tái cơ cấu kinh tế đến năm 2030 chỉ rõ: Thông tin dữ liệu chưa đầy đủ, thiếu sự tin cậy; quy hoạch kém hiệu quả, thường xuyên phải điều chỉnh; thiếu cơ chế khuyến khích hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức nên còn tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, “trên nóng, dưới lạnh” hay không chủ động vận dụng linh hoạt các quy định vì lợi ích chung. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích giảm nghèo chưa hiệu quả, khiến người nghèo không muốn thoát nghèo; lực lượng doanh nghiệp mỏng, quy mô nhỏ, không có những nhà đầu tư chiến lược, những “con sếu đầu đàn”; cụm ngành du lịch non trẻ, sản phẩm chưa rõ nét, du lịch vẫn theo mùa vụ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ lực chưa gắn với chế biến và tiếp cận thị trường lớn; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư; kinh tế biên mậu kém lợi thế, rủi ro cao, bất lợi hơn so với các tỉnh lân cận…
Dự đoán được những khó khăn, sớm có kịch bản phát triển, trước đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đặt ra mục tiêu thực hiện 48 chỉ tiêu phát triển KT – XH và 2 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm là: Nâng cao chất lượng công vụ, cải cách hành chính; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng Nông thôn mới; phát triển dược liệu gắn xóa đói, giảm nghèo; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Đồng thời, xác định 3 trụ cột chính của nền kinh tế là: Nông nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Từ mục tiêu trên, nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành đều tập trung giải quyết hiệu quả các chương trình trọng tâm, khâu đột phá. Chỉ 3 tháng sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 206 về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu và Nghị quyết 209 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Giữa năm 2016, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 35 về một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch. Trong quá trình thực hiện các nghị quyết, HĐND tỉnh đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 120 và 86 điều chỉnh Nghị quyết 206 và 209 phù hợp với thực tiễn. Các chính sách trên đều tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho 3 trụ cột nền kinh tế và giải quyết “nút thắt” ở các lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, còn nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế như: Đề án quy tụ các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, biên giới về sống tập trung gắn với xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo không thuộc đối tượng hưởng theo Quyết định của Chính phủ; phê duyệt thực hiện 8 chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa…
Ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm chia sẻ: Những cơ chế, chính sách đã ban hành và nỗ lực cải cách hành chính đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Nếu tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp và đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhiều doanh nghiệp sẽ “dốc túi” đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh đang tập trung thu hút, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 131 cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, công thương, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, lao động… Trong đó có 24 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 107 phương án, đề án, kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh với tổng kinh phí bố trí thực hiện các cơ chế, chính sách gần 1.250 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, dù còn một số hạn chế, nhưng những nghị quyết, đề án, chính sách tỉnh ban hành thời gian qua đã “thổi lửa” cho sự phát triển các trụ cột kinh tế.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn: Các cơ chế, chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong phát triển KT – XH của địa phương, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Kỳ cuối: “Trái ngọt đầu mùa”
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc