Tạo động lực phát triển miền cực Bắc Tổ quốc: Kỳ cuối - "Trái ngọt đầu mùa"
BHG - 2018 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nhìn lại những cách làm và kết quả đạt được, chúng ta thêm hy vọng về gam màu tươi sáng của nền kinh tế.
Người dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: MY LY |
Tại Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh diễn ra trong tháng 9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Nửa nhiệm kỳ qua, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết, năng động, sáng tạo trong ban hành nghị quyết, cơ chế, chính sách và quyết liệt lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trong các lĩnh vực của đời sống, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh – quốc phòng ổn định, trật tự an toàn xã hội giữ vững…
Những con số minh chứng rất ấn tượng trong hơn 2 năm qua như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt 7,5%; 19/48 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết, 21 chỉ tiêu đạt từ 80 đến dưới 100%, 4 chỉ tiêu đạt từ 50 đến dưới 80%, chỉ còn 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng 32 bậc, từ vị trí 57/63 tỉnh, thành phố năm 2015 lên vị trí 25/63 năm 2017; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông năm 2017 đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 40 vạn tấn; giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt trên 4.280 tỷ đồng, tăng trên 300 tỷ so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2017 đạt trên 3,5 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 44.400 lao động. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 13,5 triệu đồng/năm, tăng 28,45% so với năm 2014. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 43,65% năm 2015 giảm xuống còn 34,18% năm 2017 và đến nay toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn Nông thôn mới…
Trong nửa nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chuyển mạnh từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” đối với việc thu hút đầu tư; thực hiện quyết liệt việc giao nhiệm vụ theo cơ chế “mỗi việc một cơ quan chủ trì, một người phụ trách, một thời gian hoàn thành và một kết quả nhất định”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, thực hiện công vụ. Đặc biệt, tiến hành sắp xếp các cơ quan theo hướng tinh gọn, hiệu quả; hàng loạt các đơn vị đã, đang “về chung một nhà” như: Sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật với Trường Cao đẳng Nghề thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ; tổ chức lại 12 Ban Quản lý dự án đầu tư các sở, ngành thành 3 Ban Quản lý trực thuộc UBND tỉnh; sáp nhập 4 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế thành một đơn vị. Đồng thời thực hiện hợp nhất UBKT cấp ủy với Thanh tra nhà nước; Sở/phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy… Đây thực sự là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cán bộ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, góp phần đáng kể vào kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách tỉnh đã ban hành.
Bên cạnh đó, tỉnh ta tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thành lập các Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, huyện và cắt giảm gần 600 thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục khoảng 30%, góp phần thu hút các nhà đầu tư. Động thái này đã thúc đẩy 35 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cam kết và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 với tổng số vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng. Trong 10 tháng của năm 2018, có 29 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn trên 1.500 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng xây dựng Bộ tiêu chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có sự phân công các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện từng tiêu chí, nội dung, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.
Điểm nhấn quan trọng là việc tỉnh ban hành Nghị quyết về Tái cơ cấu kinh tế đến năm 2030 (Nghị quyết 17) với những phân tích rõ thực trạng nền kinh tế, sự cần thiết thực hiện cuộc cách mạng tái cơ cấu kinh tế. Đồng thời, định hình cơ bản chính xác các “nút thắt” trong phát triển kinh tế cũng như nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn. Quyết tâm Tái cơ cấu nền kinh tế, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công một đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban. UBND tỉnh cũng xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết; thành lập 5 nhóm hành động, thành viên là cán bộ chủ chốt các sở, ngành và các đồng chí quy hoạch dự nguồn lãnh đạo nhiệm kỳ tới.
Còn nhớ, trong Lễ công bố kết quả nghiên cứu Đề tài Chiến lược tái cơ cấu kinh tế tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Sự linh hoạt, sáng tạo và dám mạnh dạn đi vào “vùng xám” đã mở lối đi mới để tháo gỡ “nút thắt” là bước đi thành công đầu tiên của tỉnh, tiền đề biến tầm nhìn, kỳ vọng tạo bứt phá cho nền kinh tế thành hiện thực.
DUY TUẤN
[links()]
Ý kiến bạn đọc