Nghị quyết: Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030
BHG - Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; để thống nhất quan điểm và định hướng hành động tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, tái cơ cấu kinh tế hiệu quả trong giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030; Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030 như sau:
I - THỰC TRẠNG VÀ NÚT THẮT
Trong giai đoạn vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 tăng trên 8%, từ năm 2016 đến nay tăng trên 7,0%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2017 đạt 22,36 triệu đồng, tăng 3,31 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2017 giảm còn 34,18%, giảm 9,47% so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, năm 2017 đạt 1.901,5 tỷ đồng, tăng 7,59% so với năm 2015. Tỷ lệ thôn, bản có đường xe cơ giới đi được đến thôn đạt 100%. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu năm sau cao hơn năm trước, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2017 đạt hơn 540 triệu USD. Đã thu hút thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Tính đến hết năm 2017, đã có 23/176 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia tiếp tục được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, tỉnh Hà Giang đang gặp phải các nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là:
1. Tỉnh gặp bất lợi về khả năng kết nối giao thông, cũng như sự đa dạng của các loại hình giao thông.
2. Nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế từ khu vực tư nhân còn yếu, tạo nguồn thu ngân sách tại địa bàn hạn hẹp, thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương. Chi ngân sách cho phát triển nông nghiệp và du lịch chưa tương xứng.
3. Thông tin dữ liệu thiếu tin cậy, công tác quy hoạch còn dàn trải, dễ bị phá vỡ; sự ỷ lại của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Động cơ không muốn thoát nghèo của bộ phận không nhỏ người dân.
4. Lực lượng doanh nghiệp của Hà Giang mỏng về số lượng, nhỏ về quy mô; năng lực quản trị còn hạn chế và gần như đã đạt đến điểm bão hòa về phát triển số lượng. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và đang có xu hướng giảm dần; doanh nghiệp trong khu vực thương mại, dịch vụ tuy có tăng về số lượng, nhưng quy mô nhỏ nên chưa đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương. Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp lớn nào thực sự đến với Hà Giang và đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.
5. Sản phẩm du lịch chưa rõ nét, hoạt động quản lý du lịch chưa đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền cấp huyện; đầu tư chưa tương xứng để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch; chưa khắc phục được tính mùa vụ và thiếu hụt nguồn nhân lực.
6. Lợi ích của các hoạt động kinh tế biên mậu hiện nay (về việc làm, thu nhập cho người lao động và ngân sách) mang lại cho tỉnh là rất thấp. Hoạt động kinh tế biên mậu với Trung Quốc thiếu tính ổn định, việc đầu tư nguồn lực cho kinh tế biên mậu chưa thật sự bền vững, có nhiều nguy cơ rủi ro, lãng phí do tác động từ các chính sách của phía Trung Quốc; đồng thời, có thể xảy ra sự chèn lấn giữa phát triển kinh tế biên mậu và các lĩnh vực ưu tiên khác, đặc biệt là du lịch.
II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
Nhìn nhận và đánh giá khách quan trong 5 - 10 năm tới, tỉnh Hà Giang gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn để có thể phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Do vậy, sự lựa chọn và ưu tiên hàng đầu của tỉnh là: Tập trung vào giải quyết các vấn đề có tính xã hội, những trục trặc của bộ máy; nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực hiện hữu. Chủ động thu hút tối đa các yếu tố từ bên ngoài, nhưng phải xác định nội lực là trọng tâm, không trông chờ và ỷ lại các yếu tố khách quan. Thúc đẩy mối quan hệ với Trung Quốc để khai thác các cơ hội phát triển. Tham gia một cách tích cực trong việc tháo gỡ các nút thắt bị ràng buộc, quy định chung của cả nước, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo động lực để cán bộ công chức, viên chức làm việc hiệu quả. Tập trung chỉ đạo quyết liệt và kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra để tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh. Mỗi chương trình hành động được đề xuất cần gắn với mục tiêu, kế hoạch triển khai cụ thể và trách nhiệm của cá nhân phụ trách.
III- MỤC TIÊU
1. Đến năm 2020, Hà Giang cơ bản đạt Bộ tiêu chí thoát ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
2. Tích cực, chủ động và tận dụng tốt cơ hội phát triển theo chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phân vùng mới (giai đoạn 2021-2030); phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang ở vị trí trung bình khá trong vùng về thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
3. Đổi mới trong bố trí và sử dụng các nguồn lực đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
IV- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Tạo dựng các nền tảng cơ bản cho phát triển dài hạn. Trong đó, ưu tiên giao thông kết nối với Hà Nội và giữa các địa điểm chiến lược trong tỉnh. Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án số 22-ĐA/TU, ngày 08/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; Kế hoạch số 296-KH/TU, ngày 09/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai đề án cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 25/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, đánh giá chất lượng và phân loại nguồn nhân lực của tỉnh (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động); xác định nhu cầu nhân lực cụ thể và xây dựng chiến lược, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng.
2. Nuôi dưỡng các nguồn thu, rà soát tất cả các khoản chi tiêu hiện tại để đảm bảo tất cả các nguồn chi từ ngân sách nhà nước phải tạo ra hiệu quả thiết thực; đồng thời, cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết ngay từ khâu lập, phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện; khai thác và huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực ngoài nhà nước cho những ưu tiên trọng yếu và triển khai các hoạt động tái cơ cấu kinh tế cụ thể; làm tốt công tác công khai ngân sách, công khai việc quản lý, sử dụng các khoản chi tiêu công các cấp.
3. Tập trung giải quyết các hạn chế về thông tin dữ liệu, công tác quy hoạch, công tác lập, giao và điều hành kế hoạch và các chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc. Thiết lập hệ thống chỉ tiêu điều hành và giao kế hoạch trung hạn, hàng năm trên cơ sở đánh giá lại về giá trị phân tích của hệ thống chỉ tiêu hiện có; xác định và thiết lập phương pháp đo lường chính xác đối với các chỉ tiêu cần thiết phục vụ công tác phân tích, đánh giá kết quả phát triển kinh tế và điều hành của địa phương; đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành và phương pháp tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức nghiên cứu xây dựng nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua phần mềm dùng chung của tỉnh; ứng dụng các phần mềm về quản lý thông tin đảm bảo các yếu tố tiện lợi, chính xác, tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện rà soát, đánh giá lại toàn bộ các nội dung trong các quy hoạch hiện có, xác định rõ nội dung đã thực hiện, đang thực hiện dở dang và chưa thực hiện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch của bộ, ngành Trung ương.
4. Tạo dựng cơ chế khuyến khích cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc gắn với chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; khắc phục đồng bộ các hạn chế trong toàn bộ quy trình quản lý cán bộ, công chức, viên chức từ khâu tuyển dụng, phân công công việc, quy hoạch đến đánh giá năng lực, kết quả làm việc nhằm giảm thiểu sự cào bằng, tính ỷ lại, trục lợi, đảm bảo gia tăng động lực, khuyến khích cán bo, công chức, viên chức làm việc; tập trung đánh giá cán bộ dựa trên kết quả; giao việc có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho cán bo, công chức, viên chức thực thi; tạo cơ chế chủ động và chịu trách nhiệm của người đứng đầu; tạo cơ chế cạnh tranh trong tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng (thay đổi từ quy trình đề xuất, bình bầu sang ghi nhận, lựa chọn), quy hoạch chức vụ lãnh đạo; sáp nhập một số cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có chức năng nhiệm vụ tương đồng và cắt giảm tối đa số lượng các phòng, ban trực thuộc các sở, ngành để giảm đầu mối, giảm cơ cấu lãnh đạo, tăng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Xây dựng Bộ chỉ số đo lường chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan của tỉnh.
5. Đổi mới công tác truyền thông, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện giúp người dân thay đổi tư duy trong xóa đói, giảm nghèo; minh bạch, công khai dữ liệu liên quan đến chính sách giảm nghèo; áp dụng cơ chế khuyến khích dựa trên hiệu quả sử dụng nguồn lực; thực hiện phân loại đối tượng nghèo để thiết kế, điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp; đồng thời nghiên cứu trao quyền cho người nghèo và cộng đồng nghèo trong việc quyết định áp dụng giải pháp nào cho vấn đề giảm nghèo để khuyến khích tinh thần tự lực; chuyển từ việc cấp phát, cho không người nghèo sang hỗ trợ có điều kiện; nghiên cứu, thiết lập cơ chế khuyến khích tăng dần theo mức độ cải thiện của đối tượng nghèo.
6. Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, du lịch, biên mậu; cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiện hữu phát triển cùng với việc hình thành các doanh nghiệp mới ở những cụm ngành tỉnh có lợi thế; nâng cao chất lượng công tác thẩm định hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư và năng lực của nhà đầu tư; thực hiện sàng lọc nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án; nghiên cứu làm rõ cơ chế, hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa các bên trong thực hiện dự án; nâng cao hiệu quả hoạt động đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp; tập trung thu hút các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt phát triển khu vực tư nhân. Giải phóng các nguồn lực, đặc biệt là đất đai để tạo cơ hội cho các hoạt động đầu tư hiệu quả và khả thi hơn; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Chương trình số 31-CTr/TU ngày 16/10/2017 của Tỉnh ủy.
7. Phát triển du lịch theo hướng tiếp cận phát triển cụm ngành với định hướng dài hạn là thu hút các nhà đầu tư vào phân khúc khách hàng hạng sang và siêu sang; trong ngắn hạn, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; xây dựng và gia tăng giá trị sản phẩm du lịch, đảm bảo tính cạnh tranh, giảm tính mùa vụ, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, khả năng chi trả của du khách gắn với thiết lập 08 tiêu chuẩn (bao gồm: Giá cả phù hợp, tính độc đáo, tính bản địa, dễ tiếp cận, tính thuận tiện, tính hữu dụng, tính lâu bền và tính hẫp dẫn); thiết lập tiêu chuẩn đối với các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch; quản lý, khai thác tài nguyên du lịch đồng bộ, thống nhất, tránh phân mảnh về nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động, phương thức xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
8. Phát triển của các sản phẩm nông nghiệp và dược liệu phải dựa trên giá trị gia tăng; triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành nông nghiệp; trong đó, các sản phẩm có thể giữ vai trò chủ lực sẽ tập trung xây dựng thành vùng nguyên liệu và thu hút mạnh trong hoạt động sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn an toàn, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu; tạo sự bứt phá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm tái cơ cấu.
9. Tăng cường và khai thác các cơ hội từ nền kinh tế Trung Quốc gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu; nghiên cứu xây dựng phương án tổng thể phát triển kinh tế biên mậu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020- 2025, tầm nhìn 2030 và tìm kiếm sự đồng thuận, ủng hộ từ Trung ương; rà soát, sàng lọc các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy; rà soát lại công tác quy hoạch đất đai khu kinh tế, dọc tuyến biên giới, khu công nghiệp để thu hút đầu tư; xác định rõ và thiết lập danh mục ưu tiên các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới để khai thông, đầu tư phát triển; chủ động tăng cường và thắt chặt mối quan hệ với chính quyền địa phương lân cận phía Trung Quốc để đảm bảo sự lưu thông hàng hóa được thuận tiện nhất có thể. Thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa sáng kiến “Một hành lang, một con đường” và sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, Nhóm hành động thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết này.
2. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch với các tiêu chí đánh giá cụ thể để triển khai, đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế đến năm 2030. Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thể chế hóa Nghị quyết bằng các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.
3. Các đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, các ban Đảng Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ hàng quý tổng hợp tình hình, kết quả triển khai báo cáo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chỉ đạo.
Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
BÍ THƯ
Triệu Tài Vinh
Ý kiến bạn đọc