Nâng cao giá trị cam Sành Tiên Yên
BHG - Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị kinh tế của cây cam Sành đã làm “thay da, đổi thịt” cuộc sống người dân xã Tiên Yên, huyện Quang Bình. Thứ quà quê mang hương vị ngọt ngào trở thành đặc sản nức tiếng, vang danh trên thị trường. Bởi thế, cam Sành được lựa chọn, đăng ký thành sản phẩm hàng hóa chính để giữ gìn thương hiệu, mang đến tiềm lực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH trên địa bàn.
Vườn cam Sành VietGAP của gia đình ông Đặng Hồng Minh (bên trái) tại thôn Buông, xã Tiên Yên đang chờ ngày thu hoạch. |
Nhờ các chính sách ưu tiên của tỉnh, huyện, đặc biệt thông qua chương trình “Đẩy mạnh phát triển cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP” gắn với phục hồi cây cam già cỗi, giá trị cam Sành Tiên Yên không ngừng tăng lên. Hiện nay, xã có 489 ha cam Sành; trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 287 ha. Đây là loại cây trồng cho thu nhập cao, làm giàu cho nhiều hộ. Thực tế, năng suất trung bình hàng năm đạt 75 tạ/ha; sản lượng 2.152 tấn/năm; tương đương khoảng 17 tỷ đồng. Nếu như vài năm trước, việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống của bà con còn nhiều hạn chế; thì nay, người trồng cam khẳng định giữ gìn uy tín, danh tiếng của cam Sành là trách nhiệm, vinh dự.
Xác định cây cam là chủ lực kinh tế và nằm trong Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), UBND xã Tiên Yên đã triển khai lựa chọn hộ, chọn điểm, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước, kiểm tra, phân tích đánh giá, tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc cam VietGAP cho người dân. Đến năm 2017, xã có 3 tổ sản xuất cam VietGAP được công nhận với 83,9 ha ở thôn Buông, thôn Kem, thôn Yên Chàm. Đồng thời, tạo điều kiện, giúp đỡ cho 23 hộ dân tiếp cận, vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng để phát triển sản xuất cam. Nhằm nâng cao vị thế cam Sành, hàng năm xã đều tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại do huyện tổ chức, đưa trái cam quê hương vươn rộng ra thị trường gần, xa.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang độ sung sức, ông Đặng Hồng Minh, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ cam Sành VietGAP thôn Buông tự hào cho biết: “Tổ có 43 ha cam Sành VietGAP và 34 thành viên tham gia. Dù nghề trồng cam đã có từ rất lâu, nhưng khi bắt tay vào sản xuất theo quy trình, mỗi thành viên phải có một cuốn sổ nhật ký theo dõi toàn bộ khâu chăm sóc cam, cụ thể từ phun thuốc sinh học đến bón phân định kỳ. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng có tem, nhãn mác, bao bì nên được yên tâm, tin tưởng. Với cách làm nghiêm ngặt, giá thành cam bán ra cao hơn trước kia, thời điểm chính vụ đạt 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao nhất đạt trên 20.000 đồng/kg. Từ cây cam, bộ mặt nông thôn cũng khác hẳn, cuộc sống no đủ hơn, có gia đình sắm được cả ô-tô để làm dịch vụ. Năm 2018, thôn chỉ còn 21 hộ nghèo, giảm 50% so với năm 2015; có 12/123 hộ khá giả. Đó là minh chứng cho thành quả lao động miệt mài, cần mẫn và nhận thức đúng đắn của người trồng cam”.
Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã, Phùng Minh Thanh khẳng định: “Cam Sành là cây ăn quả mũi nhọn, cần ưu tiên đầu tư phát triển. Theo định hướng đến năm 2020, xã sẽ duy trì diện tích cam, phục hồi vườn cam theo quy hoạch vùng, gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới ổn định bền vững, hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho nhân dân. Phấn đấu 100% các hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tăng cường quảng bá, tiếp thị, khuyến khích các doanh nghiệp, tư thương trong và ngoài tỉnh tham gia chế biến, thu mua cam. Xã đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục giúp đỡ, quan tâm xây dựng sản phẩm cam Sành đặc trưng theo Đề án OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp phân phối cam ra thị trường”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc