Bác Hồ đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ (tiếp theo kỳ trước)
BHG - Nói đến tuổi trẻ, chúng ta còn nói đến trình độ học vấn, chí hướng, tư tưởng văn hóa, lựa chọn giá trị để làm người cho nên Bác dày công rèn luyện lớp trẻ về mọi phương diện. Những gương điển hình tiên tiến của thiếu niên, thanh niên, học sinh, sinh viên đều được Bác chăm chú theo dõi, động viên, khuyến khích. Bác thưởng Huy hiệu người tốt, việc tốt cho các tầng lớp trong xã hội thì chúng ta thấy phần lớn dành cho lớp trẻ. Từ em bé tàn tật vươn lên có nghị lực sống, cho đến những em bé dũng cảm quên mình cứu bạn trong hoạn nạn, thiên tai, lũ lụt hoặc do chiến tranh bom đạn; thanh niên quên mình, xả thân cứu nước trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ, Pháp. Tất cả các trí thức, thanh niên điển hình tiên tiến đều nằm trong sự quan tâm, bồi dưỡng và dìu dắt của Bác.
Bác luôn quan niệm, một năm khởi đầu bằng mùa Xuân, cuộc đời khởi đầu bằng tuổi trẻ. Bằng những thực tiễn của mình, Bác đã để lại cho chúng ta những lời chỉ dẫn về tư tưởng, phương pháp lẫn phong cách bồi dưỡng thế hệ trẻ xây dựng tương lại của đất nước.
Vậy thế hệ trẻ hôm nay đã kế thừa, học hỏi và vận dụng tư tưởng của Bác như thế nào?
Chúng ta có quyền tự hào về thế hệ trẻ hôm nay, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của Đảng và nhân dân. Vì thế hệ trẻ hôm nay đã kế thừa được những vẻ vang của các lớp cha anh đi trước. Nhìn lại 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp, kể cả trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội trước đây cũng như đổi mới hiện nay. Rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất phát từ thanh niên, từ đó cho chúng ta căn cứ để tin rằng lớp trẻ trong từng giai đoạn lịch sử đã xứng đáng kế thừa, tiếp tục sự nghiệp của cha ông, đồng thời tích cực thực hiện những lời dạy của Bác.
Bác dạy các thanh niên: Tuổi trẻ phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, có hoài bão, ý chí lớn vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, xây dựng đất nước ngày cành văn minh, hiện đại. Đồng thời, Bác nhấn mạnh: Tuổi trẻ phải tránh xa 3 điều sau như tránh lửa: Tiền bạc; quyền lực địa vị; danh vọng. Những ham muốn đó cũng là chuyện thường tình ở đời, nhưng nếu không rèn luyện vượt qua cám dỗ này thì rất dễ rơi vào hư hỏng. Chúng ta hãy nhìn vào các gương điển hình tiên tiến, trong đó có các bạn trẻ của Hà Giang, những năm học tập và làm theo Bác vừa qua, ta thấy tự hào thế hệ trẻ đang ra sức học tập, rèn luyện, yêu đất nước, yêu Đảng, yêu nhân dân.
Dĩ nhiên mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại đều có những yêu cầu đặt ra với từng thế hệ. Thế hệ trẻ ngày nay có những mặt mạnh, đồng thời có những điểm hạn chế, không phải tất đều đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, thậm chí nhiều bạn chưa chú trọng điều này. Nhìn vào các thống kê về tội phạm, mới thấy phần lớn là thanh niên, những người mất phương hướng nên rơi vào tội lỗi, phí phạm những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh niên thì chúng ta mới thấy trọng trách của người lớn trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã có từ năm 1946; những điều Bác dạy thanh niên vẫn còn nguyên giá trị nên chúng ta cần phải thường xuyên bồi đắp lý tưởng, đạo đức văn minh để các cháu, các em luôn luôn là điểm tựa, coi đó là sự lựa chọn giá trị, lối sống. Để thế hệ trẻ Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt, hậu bị cho Đảng, đưa sự nghiệp của chúng ta đến thắng lợi.
GS, TS Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc