Những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu của Bác
BHG - Câu chuyện cảm động về tuổi thơ Bác mà đến khi là Chủ tịch nước Bác vẫn còn nhớ. Một lần nhà ngoại có giỗ, bà ngoại cho Bác và cụ cả Khiêm (anh trai Bác) mỗi người 1 cái chân vịt luộc (sau này Bác rất thích ăn thịt vịt luộc là thế); lúc còn nhỏ hồn nhiên, ngây thơ và cũng rất nghịch nên anh Bác mới trêu là anh được ngoại cho cái chân vịt to hơn, dài hơn. Thấy anh nói vậy, Bác tưởng thật nên mới giằng với anh cái chân vịt đó. Trong lúc giằng co, là anh nhường em nên ông cả Khiêm mới buông tay làm Bác ngã vào chồng bát của ngoại, vỡ mấy cái bát nên bà ngoại đánh mỗi cháu 10 roi. Ông cả Khiêm chịu đúng 10 roi, còn Bác bà ngoại rất thương, lại là em nhỏ tuổi hơn nên chỉ đánh 5 roi. Và ngoại nói cho cháu nợ 5 roi, ngoan thì bà tha mà hư thì bà sẽ đánh tiếp. Sau này Bác nhớ câu của bà ngoại nói năm đó như in khi Bác đã là Chủ tịch nước.
Khi chị gái Bác lặn lội từ quê ra Hà Nội thăm em, lúc đó Bác là Chủ tịch nước, trong bữa cơm tiếp chị, bà Thanh mới gắp một miếng thịt vịt cho Bác ăn mà tay bà cứ run run. Bà Thanh muốn xem hàm ý trong lòng mình với Bác đúng hay sai. Bác của chúng ta lại vô cùng nhạy cảm nên nhìn chị hành động như vậy là Bác biết chị muốn nói điều gì. Bác nói với chị gái: Chị ơi, chị gắp thịt vịt cho em mà em nhớ bà ngoại quá, em còn nợ ngoại 5 roi mà chưa kịp trả thì bà đã đi xa rồi. Bà Thanh giàn dụa nước mắt, và coi như phép thử của mình thế là thành công. Một người nhớ đến từng chi tiết như vậy, bây giờ lại đứng đầu Nhà nước, đứng đầu Chính phủ lo cho dân chu đáo, vẹn toàn đến từng chi tiết. Vì thế mà sau này Bác đã phát động phong trào tiết kiệm, nhịn ăn để dành gạo cứu dân nghèo, dân đói là vì thế.
Bác cũng như trẻ nhỏ khác, đó là rất sáng dạ, thông minh nhưng cũng nghịch ngợm. Có lần chơi trò đóng vai tuồng cổ, lấy hoa râm bụt vò nát làm son phấn, trang trí lên mặt. Nhựa râm bụt làm sưng hết cả má. Mẹ Bác đánh Bác, Bác mới thắc mắc với mẹ: Con tưởng ông bụt rất hiền, bây giờ con chơi hoa râm bụt mà con lại bị đòn? Thế là bà Loan phì cười và tha cho Bác không phải chịu đòn nữa. Hay là lúc tuổi già khi ở tuổi 70, Bác về thăm quê mà Bác vẫn còn nhớ người bạn thơ ấu ngày xưa ở lò rèn của làng Hoàng Trù, khi đó Bác không phân biệt Chủ tịch nước và người dân mà bây giờ là bạn đồng môn, đồng lứa ngày xưa. Và trên tai của Bác vẫn còn vết sẹo nhỏ vì đi câu cá, lưỡi câu móc vào tai, cái sẹo đó vẫn còn nguyên.
Lớn lên chút nữa Bác đã có khả năng tư duy độc lập đến mức hoài nghi 3 chữ: Tự do – bình đẳng – bác ái của cách mạng tư sản Pháp. Bác đi bộ từ làng Hoàng Trù ra tận hiệu sách ở thành phố Vinh mà tiền không có, chỉ đứng ngoài cửa nhìn sách. Ông chủ hiệu sách xúc động trước sự ham học của Bác nên đưa cho Bác cuốn chuyện đó. Bác đọc liên tục ở hiệu sách đó để ghi nhớ, thuộc lòng trở về quê kể cho bạn bè nghe lại. Và cốt cách của Bác sau này là được hình thành từ thuở ấu thơ. Từ làng Hoàng Trù, làng Sen đã sinh ra, nuôi dưỡng một người con vĩ đại của dân tộc.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc