Bác Hồ đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ
BHG - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng hơn 6 thập kỷ, Bác Hồ đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; vào những năm tháng cuối đời, Bác đã ký thác niềm tin vào thế hệ trẻ trong Di chúc thiêng liêng và cảm động. Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chúng ta phải đặt tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, về văn hóa và giáo dục; đặc biệt Bác quan tâm đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, đến thế hệ thanh niên.
Hãy bắt đầu bằng lời thức tỉnh trong các tác phẩm đầu tiên của Bác, Bác viết: Hỡi Đông Dương đáng thương hại, ngươi sẽ chết mất với đám thanh niên già cỗi của ngươi. Đây là một luận điểm thức tỉnh, bởi thanh niên nước ta thời điểm đó trong bối cảnh nước mất, nhà tan và dưới sự áp bức, nô lệ thực dân Pháp gần 1 thế kỷ làm mất phương hướng của thế hệ trẻ, bởi văn hóa thực dân Pháp đưa vào. Mất cả lối sống và niềm tin. Chính vì vậy, luận điểm trên của Bác đã làm thức tỉnh, mở đầu chủ kiến của Người cho thế hệ trẻ thời bấy giờ.
Ngay cả trước khi Đảng ta ra đời, từ năm 1925, Bác đã dày công giáo dục, bồi dưỡng lớp trẻ đầu tiên. Anh hùng Lý Tự Trọng là một điển hình, đây là người thanh niên Cộng sản đầu tiên trong sự dìu dắt, giáo dục của Bác. Và tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội mà Bác trực tiếp đào tạo, huấn luyện. Bác nói với tổ chức rất cảm động: Những con chim non cộng sản này rồi sẽ nở ra một bầy chim cộng sản. Đây cũng là sự lớn mạnh của Đảng ta sau này. Cho nên trong lịch sử Đảng, ngay sau khi Đảng ra đời, năm 1930, một trong những tổ chức chính trị đầu tiên mà Đảng quan tâm thành lập đó chính là Đoàn Thanh niên Cộng sản, mà bây giờ chính là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hiện nay, bối cảnh đất nước hòa bình, đổi mới thì chúng ta càng thấy rõ tầm vóc, ảnh hưởng, giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh về thế hệ trẻ.
Bác có lần nói với chúng ta, con hơn cha là nhà có phúc. Đấy là triết lý tổng kết nhân sinh của ông cha ta. Theo Bác, thế hệ sau mà tốt hơn, giỏi hơn thế hệ trước thì cách mạng càng có phúc lớn. Do đó, cần phải đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên là những người kế cận. Di chúc, một trong những tác phẩm cuối cùng của đời Bác, đoạn nói về thanh niên bao hàm cả về sự đánh giá, trù tính tương lai. Bác dặn: Thanh niên ta nói chung là tốt, nhưng đồng thời Bác cũng tính đến những khiếm khuyết, hạn chế trong suốt quá trình trưởng thành của họ, vì vậy Bác căn dặn Đảng ta phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Điểm lại một số sự kiện, một số lời dạy của Bác như thế từ đầu cho đến khi viết Di chúc để chúng ta thấy đây là một tư tưởng lớn, nhất quán của Bác xung quanh câu chuyện con người và thế hệ trẻ đời sau.
Điểm khởi đầu của con người là ấu thơ nên Bác dạy chúng ta: Tuổi trẻ có tâm hồn như một tờ giấy trắng, bôi xanh nó thành xanh, bôi đỏ nó thành đỏ nên phải đặc biệt chú trọng đào tạo, giáo dục đạo đức, giáo dục lẽ sống ngay từ khi các cháu còn ngồi trên ghế nhà trường. Bác căn dặn thanh niên không bao giờ đòi hỏi Tổ quốc mang lại cho chúng ta những gì, mà phải luôn luôn tự hỏi đã làm gì cho Tổ quốc. Bài dạy sâu sắc của Bác đã đi vào bài ca truyền thống của Đoàn.
Nói đến thanh niên là sự quyết tâm, nghị lực và hoài bão lớn. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên. Đấy là đặc trưng cho tuổi trẻ cả về sức sống và triển vọng tương lai. Tương lai là của tuổi trẻ, một năm khởi đầu là mùa Xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, cho nên tại sao Bác đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ cùng với giáo dục chính trị, lý tưởng và nghị lực. Và chúng ta đều biết, thực tế hiện nay, thanh niên là lực lượng nòng cốt của xã hội. Về sản xuất có thanh niên công nhân và nông dân, về lực lượng Công an, Bộ đội cơ bản là thanh niên… Cho nên giáo dục lòng trung thành với Tổ quốc, trung thành với lý tưởng của Đảng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập dân tộc đó là điều Bác và Đảng ta luôn căn dặn thanh niên…
(Còn nữa)
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc