Di chúc thể hiện đạo đức của Bác Hồ

08:24, 11/06/2019

BHG - Như chúng ta đã biết, Di chúc của Hồ Chí Minh là kết tinh của tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Đây cũng là tác phẩm cuối đời Bác, ở đó không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược mà còn là  tình cảm trong sáng, suốt đời vì nước, vì dân. Đây chính là sự cao thượng trong lối sống của Hồ Chí Minh. Phong cách của Bác trong Di chúc cũng cho thấy Bác là một nhà văn hóa lớn.

Trong Di chúc Bác căn dặn Đảng ta phải thực sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đây được coi là đạo đức cách mạng của người cách mạng và Đảng cách mạng. Và Bác là người mẫu mực nhất về thực hành đạo đức. Ngay cả đoạn nói về việc riêng, Bác cũng cho biết: Là người hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, nay từ biệt thế giới này tôi không có điều gì ân hận, chỉ tiếc rằng tôi không được phục vụ lâu hơn nữa và nhiều hơn nữa! Vậy là đời Bác chỉ có dâng hiến, chỉ có phục vụ, không có một chút riêng tư nào trong cuộc sống cá nhân, một con người như thế có thể nói là chói sáng về thực hành đạo đức cách mạng. Bác để lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc chính từ tấm gương đạo đức đó. Ngay cả niềm vui cũng như nỗi đau của Bác cũng phản ánh giá trị đạo đức. Niềm vui chính là sự lạc quan, không bi quan, chán nản, luôn động viên đồng bào, đồng chí vượt qua mọi khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đến thắng lợi. Còn nỗi đau của Bác, thì Bác cho biết: Tôi càng tự hào bao nhiêu càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hòa của các đảng anh em với nhau. Bác căn dặn chúng ta phải làm hết sức mình để hàn gắn bất đồng đó. Bác còn tin tưởng các đảng anh em nhất định phải đoàn kết. Đấy là thể hiện đạo đức của Bác trong chính trị và sự nghiệp cách mạng.

 

Một đặc điểm nữa trong Di chúc nói về đạo đức của Bác đó là sự thanh cao, tại sao Bác dặn chúng ta: Sau khi tôi qua đời, thi hài tôi phải đốt (hỏa táng); trên mộ tôi không cần bia đá, chỉ cần bên cạnh xây một ngôi nhà thoáng đãng, giản đơn để ai đến thăm có chỗ nghỉ ngơi. Lúc sắp đi xa nhưng Bác chỉ nghĩ cho dân, cho nước. Bác còn dặn: Ai đến thăm mộ Bác nhớ trồng một vài cây kỷ niệm, trồng cây nào phải sống cây ấy để lâu dần cây sẽ thành rừng, vừa đẹp cho phong cảnh vừa lợi cho nông nghiệp.

Nhất là đoạn Bác viết rất cảm động: Bác cố chờ miền Nam được giải phóng rồi mới đi, tuy nhiên Bác không chờ được, vì Bác linh cảm rõ mình không sống được đến ngày giải phóng. Trong Di chúc Bác dặn: Nếu như tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa được giải phóng thì xin gửi lại một ít tro cho đồng bào miền Nam. Có ai trên đời này mà thân thể mình, hài cốt của mình cũng không nghĩ là của mình nữa! Đấy là một sự hóa thân. Tại sao Bác lại dành cho miền Nam? Vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác; miền Nam đi trước về sau, đầu sóng ngọn gió. Bác thương nhớ đồng bào miền Nam, cũng vì miền Nam mà Bác từ chối nhận huân chương là như vậy.

Bác chữa những chi tiết quan trọng trong Di chúc như: Chôn Bác ở Tam Đảo hoặc Ba Vì, vì ở đó có đồi núi đẹp. Bác còn dặn hỏa táng hoặc chôn Bác để đỡ tốn đất, và Bác lấy bút mực đỏ thêm chữ ruộng. Nghĩa là để đỡ tốn đất ruộng. Điều này cho thấy Bác suốt đời chỉ nghĩ về nông dân, nghĩ về ruộng đất của dân. Vì Bác thương nông dân nhất trong các đối tượng của xã hội, vì đây là những người nghèo khổ, thiệt thòi nhất. Rồi Bác lại nghĩ: Tro của Bác chia đều vào 3 hộp sành, miền Bắc một hộp, miền Trung một hộp và miền Nam một hộp. Tìm đồi cao để chôn cho đỡ tốn đất ruộng. Bác muốn suốt đời được ở với nhân dân, Bác muốn nhân dân được nhìn thấy Bác. Những điều này cho chúng ta thấy Bác với nhân dân gắn bó sâu sắc như thế nào. Và đây chính là đạo đức sâu thẳm của Hồ Chí Minh.

Lời cuối cùng khép lại trong Di chúc: Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, cho các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến bạn bè quốc tế. Một con người chí tình, chí nghĩa cả với dân tộc và bạn bè quốc tế. Nên Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà là ngọn cờ đầu của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.

Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)

Lê Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những điều Bác căn dặn về Đảng ta

BHG - Trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng ta phải thu xếp công ăn, việc làm cho thanh niên xung phong, bộ đội phục viên, xuất ngũ về quê hương, gia đình; bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ sau là một việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết. Riêng phụ nữ, Bác dặn phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti và mặc cảm để giành quyền bình đẳng. Trong đó, Bác yêu cầu chính quyền các cấp phải chăm lo đến sự tiến bộ của phụ nữ

28/05/2019
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam (tiếp theo kỳ trước)

BHG - Có nhiều câu chuyện cảm động về Bác với Đảng để chúng ta noi gương. Là lãnh tụ của Đảng nhưng Bác sinh hoạt chi bộ rất đều đặn, trong thực tế hiện nay nhiều khi vì công việc bận rộn mà ta ít để ý chuyện sinh hoạt chi bộ cơ sở. Bác sinh hoạt chi bộ với những đảng viên rất bình thường như lái xe, phục vụ, bảo vệ… mà Bác biết trình độ anh em còn hạn chế nhưng Bác luôn hòa mình vào quần chúng.

28/01/2019
Những câu chuyện của Bác gắn với dân chủ

BHG - Có rất nhiều câu chuyện cảm động của Bác Hồ về dân chủ. Chúng ta biết rằng, năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, nhưng Bác kiên trì luyện tập thân thể để tiếp tục làm việc. Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Cán bộ T.Ư Đảng đi làm rất sớm bằng xe đạp, thấy Bác liền xuống xe chào Bác, có những đồng chí nữ còn xúc động ngã xe, Bác lại tiến gần đỡ lên và nói: Các cháu lúc nào cũng gặp Bác ở đây, cứ đi làm bình thường, chỉ cần gật đầu với Bác...

27/03/2019
"Đảng ta là một cơ thể sống vì vậy cần xây dựng, chỉnh đốn để phát triển" (tiếp theo và hết)

BHG - Đảng cũng là con người chứ không phải siêu nhân, thần thánh, mà đã là con người thì có tốt, xấu, hay, dở, có khuyết điểm, ưu điểm, vì vậy chúng ta càng phải chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh. Trước việc cán bộ lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, Bác chỉ trích rất sớm, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Bác chỉ ra...

27/02/2019