Những điều Bác căn dặn về Đảng ta
BHG - Trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng ta phải thu xếp công ăn, việc làm cho thanh niên xung phong, bộ đội phục viên, xuất ngũ về quê hương, gia đình; bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ sau là một việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết. Riêng phụ nữ, Bác dặn phải chủ động vươn lên, khắc phục tự ti và mặc cảm để giành quyền bình đẳng. Trong đó, Bác yêu cầu chính quyền các cấp phải chăm lo đến sự tiến bộ của phụ nữ. Bác rất đề cao vấn đề bình đẳng nhất là cho phụ nữ; không giải phóng phụ nữ, không bình đẳng nam – nữ thì mới là một nửa của Chủ nghĩa xã hội; lời căn dặn của Bác về thanh niên và phụ nữ trong Di chúc rất cảm động.
Điểm cuối trong Di chúc, Bác không quên gửi lời chào thân ái đến bạn bè quốc tế, gửi lời thăm các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng: Tôi gửi muôn vàn tình thân yêu cho đồng bào, đồng chí. Có một chi tiết mà chúng ta ít để ý, đó là trong Di chúc Bác viết cụm từ đồng bào trước đồng chí sau, Bác viết đảng viên rồi mới nhấn mạnh cán bộ. Ở đây, Bác có ý rất sâu xa về dân chủ cũng như ý thức tôn trọng nhân dân. Đảng là tập hợp những tinh hoa của giai cấp và dân tộc, nhưng Đảng phải nằm trong lòng dân. Nên có đồng bào số đông thì mới có đồng chí đảng viên ưu tú; toàn Đảng vững mạnh và đoàn kết thì mới chọn được cấp ủy xứng đáng. Hiện nay, chúng ta quen gọi cụm từ “đồng chí đồng bào”, “cán bộ, đảng viên” là chưa chuẩn theo quan niệm của Bác.
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến phẩm chất cao quý của Bác đó là tư tưởng đạo đức, mà ở đây Bác đề cập đến việc riêng của Bác. Trong Di chúc Bác dặn chúng ta: Sau khi tôi mất, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ, tiền của nhân dân. Trọng trách là người Cộng sản nên Bác còn nghĩ đến sự nghiệp quốc tế.
Còn với những người làm công tác nghiên cứu, phát hiện một điều sâu xa nữa của Di chúc mà lúc đầu vì cảm xúc bồng bột của chúng ta đọc chưa thấy hết. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng phát hiện rất nhiều điều mới trong Di chúc của Bác, đó là: Bác định nghĩa về Chủ nghĩa xã hội; Bác đề cập đến sự nghiệp đổi mới (mãi đến năm 1986 Đảng ta mới đổi mới). Bác cho biết, điều mong muốn cuối cùng của tôi là một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng của thế giới, đây chính là định nghĩa về Chủ nghĩa xã hội. Bây giờ Đảng ta đưa vào cương lĩnh là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh, đây chính là tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh. Về đổi mới, Bác cho biết: Tình hình thay đổi, hoàn cảnh thay đổi thì chúng ta phải đổi mới. Bác nói điều này từ trong kháng chiến chống Pháp, và bây giờ trong Di chúc Bác nói về đổi mới như cuộc chiến khổng lồ, một sự nghiệp gian khổ, khó khăn và lâu dài. Giữa cái tốt mới mẻ với cái xấu, hư hỏng, lỗi thời. Những chỉ dẫn như vậy được coi là cẩm nang cho Đảng ta để lãnh đạo nhân dân xây dựng sự đổi mới.
Trên đây là những giá trị căn bản nhất trong Di chúc mà được Bác khiêm nhường gọi là bức thư. Nhưng ở đó toát lên tất cả những giá trị về khoa học, cách mạng, nhân văn; được Đảng, Nhà nước ta coi là Quốc bảo – trường tồn với thời gian.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc