Những câu chuyện của Bác gắn với dân chủ
BHG - Có rất nhiều câu chuyện cảm động của Bác Hồ về dân chủ. Chúng ta biết rằng, năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, nhưng Bác kiên trì luyện tập thân thể để tiếp tục làm việc. Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Cán bộ T.Ư Đảng đi làm rất sớm bằng xe đạp, thấy Bác liền xuống xe chào Bác, có những đồng chí nữ còn xúc động ngã xe, Bác lại tiến gần đỡ lên và nói: Các cháu lúc nào cũng gặp Bác ở đây, cứ đi làm bình thường, chỉ cần gật đầu với Bác, mỉm cười với Bác, gọi Bác là được rồi, việc gì phải xuống xe, Bác có phải là vua đâu mà các cô, các chú hạ mã mãi thế! Đây cũng thể hiện sự dân chủ của Bác.
Năm 1957 và sau đó 1961, là 2 lần Bác về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An. Quê Bác thời bấy giờ rất nghèo. Bác về thăm quê giữa trời nắng của miền Trung như đổ lửa, vậy mà khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân Bác không cần phải che nắng, đứng giữa trời hòa đồng, động viên nhân dân lao động, sản xuất. Thấy vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lấy ô che cho Bác, Bác nói ngay: “Liệu chú có đủ 1 vạn cái ô ở đây không?” Rất thấm thía vậy đấy! “Bác muốn hòa vào dân, chịu đựng những vất vả, khó khăn cùng dân nên chú cất ô đi. Dân chịu được thì Bác cũng chịu được; để Bác nói chuyện với nhân dân còn kết thúc sớm cho dân đỡ nắng”. Đây chính là ý thức, tình cảm dân chủ của Bác với nhân dân.
Bác thường dặn chúng ta, đừng nể Bác mà không phê bình, Bác có điều gì sai các chú phải nói Bác mới sửa được. Ví dụ, thấy Bác có một vết nhọ trên trán mà các chú nể không nói thì sao Bác biết để sửa. Vết nhọ đó không đáng sợ, vết nhọ trong tư tưởng, trong đầu mới đáng sợ! Cho nên thương yêu nhau thì phải nghiêm khắc, giúp đỡ, phê bình để cùng nhau tiến bộ. Vì ai cũng có khuyết điểm. Ở đời có 2 loại người không có khuyết điểm và không còn khuyết điểm nữa: Một là đang nằm trong bụng mẹ; hai là đã nằm gọn trong áo quan. Chứ còn sống, còn làm việc thì có khuyết điểm là chuyện bình thường, nhất là làm lãnh đạo thì càng dễ mắc khuyết điểm vì áp lực, tránh nhiệm cao. Quan trọng là có biết sửa hay không. Bác là tấm gương về điều này.
Để có dân chủ thì phải có khoa học; phải có đạo đức; có ý thức trách nhiệm về chính trị… Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Từ những ngày đầu đổi mới, Đảng ta đã đặt mục tiêu dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực của xã hội; sau 15 năm đổi mới chúng ta đã đưa mục tiêu dân chủ vào hệ thống các mục tiêu của xã hội: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Đảng và Nhà nước đã có quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp những trở ngại. Thứ nhất, đó là ý thức tôn trọng pháp luật của người dân còn chưa cao, kể cả cán bộ và đảng viên; ở đây chúng ta thường thấy rõ trong dân mình đó là trọng lệ hơn trọng luật. Thứ hai, đó là dân chủ đối lập với quan liêu, tham nhũng; mà người dân phản cảm, lên án nhất chính là quan liêu, tham nhũng của cán bộ nhà nước. Thứ ba, hiện nay chúng ta phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, những mặt tích cực cũng nhiều, tiêu cực cũng không ít nhất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, coi thường luật pháp, thông tin thật – giả lẫn lộn, chính vì vậy chúng ta phải tạo được môi trường lành mạnh từ gia đình, nhà trường đến xã hội; từ trong Đảng, Nhà nước đến nhân dân…
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc