Tết Trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ"
BHG - Bác Hồ là con người hài hòa giữa môi trường tự nhiên với đời sống xã hội và với chính bản thân con người. Bác thường đưa ra triết lý của người phương Đông trong ứng xử đó là “Thiên, địa, nhân hợp nhất” thiên là trời, địa là đất, nhân là con người là một chỉnh thể hệ thống, con người là tiểu vũ trụ trong hệ thống đó. Bác còn phát triển cả một triết lý đạo đức: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhân hòa là gốc, là quan trọng nhất. Bác ứng xử với tự nhiên với thiên nhiên cũng thuận theo lẽ đó. Cho nên ai làm chủ được quy luật thì người đó là người tự do và Bác luôn luôn là con người như vậy.
Thời kỳ kháng chiến ở Việt Bắc, Bác chọn địa điểm cho nơi làm việc của cơ quan Trung ương và của Bác rất hài hòa với rừng núi và thiên nhiên, việc này bác đúc kết thành thơ: Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng có bãi ta chơi; tiện đường đến trung ương, tiện lối sang bộ tộc, nhà kín mái thoáng mát, gần dân không gần đường.
Nổi bật nhất trong quan điểm hài hòa giữa bác với thiên nhiên là Tết Trồng cây, bây giờ đã trở thành nét đẹp văn hóa của chúng ta. Tết Trồng cây cuối cùng của Bác tại đồi Vật Lại vào mùa Xuân 1969 với bà con địa phương nhân dịp Tết Xuân mới, Bác trải chiếu nằm nghỉ ngơi trên thảm cỏ xanh trên đồi. Và đấy là lần cuối cùng Bác đi trồng cây với chúng ta.
Đi nước ngoài Bác luôn tìm hiểu bên đó có loại cây nào mà mùa Đông ít rụng lá để Bác lấy cây, lấy hạt giống về trồng. Điều đó cho thấy Bác thương các chị lao công vất vả quét rác như thế nào. Sự kiện Bác không cho chặt cây ở Quảng trường Ba Đình. Khi đó sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ di dời về Hà Nội, nhân dân Hà Nội vui mừng đón Bác, nhân dân ta tổ chức duyệt binh. Bộ Tư lệnh Thủ đô xin phép Bác chặt cây ở đầu đường Quảng trường để duyệt binh cho đỡ vướng. Bác nói “Cây này tổ tiên ta để lại, có phải bác cháu mình trồng đâu mà tự chặt, các chú cố gắng khắc phục khó khăn vừa duyệt binh tốt cho nhân dân vui, vừa giữ được cây cho Bác”…
Trong Di chúc cũng thấm đậm sự hài hòa giữa tự nhiên với môi trường. Bác dặn chúng ta sau khi Bác mất, thi hài hỏa táng, tro cốt được chia đều chôn tại 3 miền, tìm đồi cao chôn cho đỡ tốn đất; trên mộ không cần bia đá, tượng đồng, chỉ cần có một ngôi nhà thoáng đãng giản đơn, ai đến thăm Bác có chỗ nghỉ ngơi. Quan trọng nhất là Bác dặn ai đến thăm nhớ trồng 1 vài cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy, lâu dần cây sẽ thành rừng vừa đẹp cho phong cảnh vừa lợi cho môi trường. Thế giới họ rất quan tâm đến tư tưởng của Bác, họ bình luận Hồ Chí Minh đích thực là một nhà môi trường. Để chúng ta nhận thấy, Bác gắn bó với thiên nhiên, yêu thiên nhiên trở thành nhận thức và tâm hồn, tình cảm của Bác.
Đọc thơ Bác chúng ta mới thấy thấm đẫm tình yêu đối với thiên nhiên của Bác:
Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai
Hay là ngay trong kháng chiến gian khổ, Bác viết: Giữa dòng bàn bạc việc quân; Đêm về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Để chúng ta thấy trong thơ Bác sự gắn kết giữa con người với tự nhiên như bạn bè thân thiết. Trong cuộc đời của Bác đi đâu cũng tăng gia sản xuất, nó thành nhu cầu, nét văn hóa của Bác, từ chiến khu Việt Bắc đến khi trở về Hà Nội Bác vẫn cần mẫn tăng gia hàng ngày tạo ra một khung cảnh thiên nhiên xung quanh Bác ở. Nuôi cá cũng vậy, cũng đã tạo ra môi trường sinh thái hài hòa. Sau khi Bác mất, chúng ta hay gọi Vườn quả Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ tức là đem giống cây, con cá của Bác đến cho tất cả mọi miền nhân rộng phong trào văn hóa.
Bác về thăm chiến trường xưa ở Điện Biên, Bác còn mang theo những hạt bưởi tặng các chiến sỹ ở đây để trồng nhân giống. Những hạt bưởi Bác cho trở thành vườn bưởi xanh tốt. Như thế cho chúng ta biết càng gắn bó với thiên nhiên, làm chủ môi trường sống chính là nét đẹp văn hóa của Bác. Trong bối cảnh hiện nay, môi trường thiên nhiên đặt trong tình trạng cảnh báo cao vậy nên những bài học từ Bác đã có giá trị rất lớn cho chúng ta.
Năm 1961, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Hà Giang, trong 8 Lời căn dặn của Bác có dặn: Phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng; trồng cây ăn quả và cây làm thuốc. Bác đặc biệt nhấn mạnh đến việc trồng cây gây rừng cả cây ăn quả, cây lấy gỗ và giữ gìn phong cảnh, đây chính là tư tưởng hài hòa giữa tự nhiên và xã hội, vấn đề coi trọng môi trường của Bác Hồ. Đồng bào Hà Giang cũng như đồng bào các tỉnh miền núi cố gắng giữ lấy rừng, tránh đồi núi trọc, môi trường bị phá vỡ. Điều này có liên quan đến việc thay đổi tập quán, phong tục, lối sống của đồng bào, bảo vệ rừng để phát triển kinh tế và tạo văn hóa đẹp cho cả cộng đồng dân cư. Đồng bào các dân tộc Hà Giang cần ra sức học tập Bác từ 8 Lời căn dặn để phát triển, trồng cây gây rừng bền vững.
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc