Những câu chuyện của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “cần, kiệm, liêm, chính” là 4 đức tính quan trọng của con người, giống như trời có 4 mùa Xuân – Hạ - Thu - Đông; đất có 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc; người có 4 đức “cần, kiệm, liêm, chính”. Thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người.
Bác Hồ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài, nhưng đồng thời cũng là một người rất gần gũi với người dân. Đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính”, “Chí, công vô tư” là một thực hành nổi bật và xuyên suốt cuộc đời Bác. Theo Bác, “đức” là gốc, “tài” rất quan trọng, cho nên “đức” là nền tảng của nhân cách, muốn có nền tảng nhân cách suốt đời chúng ta phải rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính”.
Bác quan niệm, “cần” tức là cần mẫn, chịu khó, làm việc tự giác, tự nguyện không cần một sự thúc đẩy, tác động nào bên ngoài. Hơn thế nữa, “cần” còn phải đi với năng động, sáng tạo chứ không phải chăm chỉ máy móc.
Còn “kiệm” là trong vấn đề tiết kiệm. Với Bác tiết kiệm và tiêu dùng hợp lý chứ không phải keo kiệt, bủn xỉn. “Kiệm” còn đối lập với lãng phí. Tiết kiệm cả về tiền của, vật chất lẫn sức lực của con người. Trong một lần Bác đến dự buổi bế giảng Trường Quân Chính từ thời kỳ đầu của cách mạng, Bác đến rất đúng giờ, thế nhưng đợi 10 phút vị chỉ huy mới đến. Khi đến vị chỉ huy vội trình bày với Bác là có việc đột xuất nên mong Bác thông cảm. Bác hỏi chú đến muộn mấy phút rồi – vị chỉ huy xem đồng hồ thưa Bác 5 phút ạ. Bác bảo – không phải đâu, chú nhân cho Bác lên 500 lần nữa, vì cả hội trường đang ngồi đợi chú. Câu chuyện ở đây cho chúng ta thấy rằng chỉ một câu nói giản dị đó cũng đã thể hiện tiết kiệm không chỉ của cải vật chất mà cả thời gian nữa.
Theo Bác, tiết kiệm cần phải tinh tế; tiết kiệm kiểu keo kiệt, bủn xỉn là xấu, nhưng tiết kiệm mà văn minh và hợp lý thì phải khen. Bác còn nhấn mạnh việc đáng tiêu thì 1 vạn cũng không tiếc, nhưng việc không đáng tiêu thì 1 xu cũng không chi, vì tất cả đều tiêu dùng vào tiền của, công sức của nhân dân.
“Liêm” tức là liêm khiết, trong sạch, không tơ hào của công, không chút gì vướng bận. Có “cần, kiệm, liêm” thì mới đạt được “chính”. Chính trực, ngay thẳng, không làm điều gì khuất tất mà Bác tổng kết một câu “Quang minh, chính đại”.
Đây là 4 đức tính liên quan mật thiết với nhau, phản ánh gương mặt đạo đức, tinh thần của người cách mạng là nền tảng của một nhân cách. Từ những ngày đầu cách mạng, đến khi cách mạng thành công; từ khi Đảng cầm quyền cho đến suốt những ngày kháng chiến gian khổ chống Pháp và chống Mỹ cũng như những phút cuối cùng, Bác luôn cho chúng ta những bài học cảm động về “cần, kiệm, liêm, chính”.
Bác cũng được xem là hiện thân của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. Chúng ta đều biết Bác làm việc bao nhiêu tiếng trong một ngày. Ngay cả những ngày kháng chiến gian khổ, Bác làm việc rất khuya. Bác tự tay đánh máy tài liệu. Bác đọc sách, viết sách, viết thư gửi cho các cháu thiếu nhi, các cụ phụ lão đến thư động viên chiến sỹ ngoài mặt trận, thư thăm hỏi đồng bào và cả bạn bè quốc tế, Bác làm việc như vậy là tấm gương về sự cần mẫn, chăm chỉ. Đời sống của Bác rất thanh cao và giản dị. Ngay chuyện Bác mời chúng ta ăn cơm, Bác dặn chúng ta ăn tự nhiên, ăn để làm việc và chiến đấu. Nhưng ăn món nào thì hết món đó, đừng chọc đũa vào món khác mà mình không ăn. Là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn mặc áo vá như người dân thường. Đôi tất Bác đi bị thủng ở ngón chân cái, Bác bảo cán bộ khâu vào để Bác dùng…
(Còn nữa)
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc