"Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo"
BHG - Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 - 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện gần 700 lượt đến thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội, từ miền núi đến hải đảo thăm hỏi, động viên chiến sỹ, đồng bào và kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ ở cơ sở. Điều đó thể hiện Bác là một tấm gương sáng của vị lãnh đạo sâu sát, kiểm tra - kiểm soát thường xuyên để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
Bác là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, công việc lãnh đạo và quản lý gắn liền với kiểm tra, giám sát. Bác từng nói “Không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Đường lối, nghị quyết dù có hay đến mấy mà không có kiểm tra, đôn đốc thì cuối cùng chỉ là mớ giấy lộn”. Cho nên Bác đã dành nhiều thời gian, tâm sức đi kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở cơ sở. Trong những câu chuyện kể về Bác đến cơ sở, có một điểm rất lưu ý đó là Bác luôn tạo sự bất ngờ: Bố chí cho Bác đi ngày hôm nay, Bác lại đi ngày hôm khác; bố chí Bác đi chỗ này, Bác lại đi chỗ khác… Vì Bác muốn kiểm tra xem sự thật các nơi đến như thế nào. Rồi Bác cho chủ trương đi đúng nơi bố chí cho Bác đến để xem độ chênh lệch giữa thật và giả ra sao? Bây giờ chúng ta đang đổi mới nên rất cần phong cách kiểm tra, giám sát thiết thực đó của Bác.
Một lần Bác đi kiểm tra hợp tác xã, thời kỳ có phong trào “Xây dựng tổ đổi công”, chúng ta đưa Bác đi thăm đơn vị lá cờ đầu của sản xuất và chăn nuôi thời bấy giờ. Bác đến thăm đơn vị, chúng ta giới thiệu say xưa về các thành tích trồng trọt và chăn nuôi, Bác nghe hết. Nghe xong Bác đến từng luống đất nhổ cây lên hết. Bác bảo: Các chú mới cắm hoa đón Bác à? Trồng trọt, tăng gia như thế nào mà hoa không có rễ, héo thế này? Bác phát hiện ngay sự mâu thuẫn đó của đơn vị này, bởi Bác là người có biệt tài về quan sát.
Chúng ta lại đưa Bác vào khu chăn nuôi, chưa kịp giới thiệu, Bác đã nói: Các chú nuôi thật hay mượn của nhà dân cho Bác xem vậy? Chưa kịp thanh minh, Bác đã kết luận: Thôi các chú bắt ngay những con lợn nhảy ra khỏi chuồng trả cho dân, không họ lại bắt đền. Bác hỏi các chú, nếu các chú nuôi thật vậy tại sao chúng nó lại cắn nhau? Muốn Bác đến thăm nữa thì phải làm ăn cho tử tế, chứ làm ăn giả dối như thế này dân họ oán, họ gét đấy. Và quả đúng như vậy, khi Bác vừa dời đi, những cán bộ này bắt lợn trả lại dân, nhưng vì trước khi mượn không đánh dấu nên trả không đúng, dân không nhận. Những câu chuyện như vậy đến bây giờ đã rút kinh nghiệm và không còn nữa, nhưng chúng ta vẫn phải nhắc lại để biết sự tinh tế, am hiểu vấn đề trong quá trình kiểm tra, giám sát của Bác Hồ.
Theo quan điểm của Bác, cấp xã, phường là tế bào hành chính rất quan trọng, đơn vị gần dân nhất, chính vì vậy, nếu mọi việc ở xã thông suốt thì cả hệ thống sẽ chuyển động. Nhưng trên thực tế, xã lại là nơi trì trệ, uể oải nhất; ngay gần dân mà vẫn quan liêu xa dân. Qua kiểm tra cái tốt, cái xấu sẽ hiện ra, chính vì vậy công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết ở cấp xã, phường rất quan trọng. Bác nói, ở cấp nào cũng vậy, không được quan niệm: Biến nghị quyết của Đảng thành lá bùa của thầy cúng. Trong những năm cuối đời, Bác đã xuống thăm, kiểm tra các xã đến gần 700 lần để kịp thời phát hiện và uốn nắn cơ sở.
(Còn nữa)
Gs, Ts Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc