Những câu chuyện cảm động về hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác Hồ (tiếp theo kỳ trước)
BHG - Có một điều đặc biệt, đó là cuộc hành trình bôn ba của Bác sau 10 năm lại có bước ngoặt (1911 – 1920). Bác từ một người yêu nước trở thành một người Cộng sản. Bác sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920, Bác ủng hộ Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) là quốc tế duy nhất trên thế giới ủng hộ giải phóng các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Khi Bác dự các đợt sinh hoạt Đảng của Đảng Xã hội, sau này là Đảng Cộng sản, Bác thấy họ tranh luận thế nào là đệ nhất quốc tế, đệ nhị quốc tế, Bác cũng chưa hiểu sâu vì lúc đó đang học, tích lũy tri thức, nhất là ngoại ngữ cũng chưa thành thạo. Bác chỉ hỏi một câu rất thấm thía: Tôi chỉ cần biết quốc tế nào giải phóng thuộc địa – các đồng chí Cộng sản Pháp nói với Bác là anh hãy ủng hộ cho Quốc tế III, Bác tán thành và gia nhập Đảng Cộng sản, cuối cùng thành lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp.
Để rồi 10 năm sau, một bước ngoặt nữa là Bác sáng lập ra Đảng ta. Bác khác chúng ta ở chỗ Bác có 2 thẻ Đảng. Đó là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam đều do Bác sáng lập. Năm 1923, Bác đến Liên Xô, tại đây Bác dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Bác đi với tư cách lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp nên chuyến đi đến Liên Xô lần đó mạo hiểm và gian truân vô cùng, phải nghi binh, mật thám Pháp theo dõi khắt khe nên khi Bác sang tới Liên Xô đã muộn và không gặp được Lê – Nin, chỉ kịp dự Đại hội Quốc tế Cộng sản. Khi viếng Lê – Nin dưới trời tuyết trắng bao phủ với tấm áo mỏng manh, Bác khóc rất nhiều, khi trở về Pháp Bác ốm nặng. Đây cũng là nguyên nhân sau này Bác mắc lại bệnh phổi.
Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V ở Liên Xô, Bác nổi tiếng với bài tham luận về phong trào cách mạng thuộc địa. Đến năm 1925, Bác lại có mặt ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Bác đã tập hợp, bắt tay với những hạt giống của các phong trào cách mạng Việt Nam yêu nước bằng cách thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và Đường cách mệnh là những bài giảng cách mạng của Bác cho lớp nòng cốt đầu tiên này. Đến năm 1930, Bác thành lập Đảng ta, sau khi thành lập Bác lại trở về châu Âu tiếp tục hoạt động cách mạng...
Trong suốt cuộc đời cách mạng của Bác, chúng ta không thể quên sự kiện ở Hương Cảng, Hồng Kông khi thực dân Anh vây bắt Bác. Luật sư Loseby - người có tư tưởng yêu nước tiến bộ và khâm phục nhân cách cao cả của Bác đã ra sức cứu Bác. Sau này, Bác coi đó là ân nhân của mình và cũng là ân nhân của chính chúng ta. Bác tiếp Luật sư Loseby tại Hà Nội như một người bạn thân khi Bác là người đứng đầu Đảng ta. Đến khi Luật sư mất, Bác đã gửi điện chia buồn cho bà quả phụ và nói “tôi mất một nửa sự sống rồi”…
Đến khi Bác trở về Pác Bó (Cao Bằng) đã tròn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Để rồi sau đó, Bác đưa đất nước Việt Nam vào một kỷ nguyên mới với Cách mạng Tháng Tám, với sự nghiệp cách mạng vẻ vang hôm nay.
GS, TS: Hoàng Chí Bảo
Lê Lâm (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc