"Lương y phải như từ mẫu"
BHG - Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những người làm trong ngành y. Cách đây 63 năm, ngày 27.2.1955, trong bức thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Rồi Người kết luận: "Lương y phải như từ mẫu".
Trong xã hội, nghề nào cũng vẻ vang, cao quý nếu phục vụ lợi ích cho dân, tuy nhiên có hai ngành đặc biệt là giáo dục và y tế được Bác đặc biệt quan tâm, dìu dắt và nâng đỡ. Hai ngành là điển hình cho chủ nghĩa nhân đạo, một bên là dạy dỗ, đào tạo con người nên nhân cách; một bên là trị bệnh cứu người. Tình cảm của Bác với các thầy thuốc đặc biệt cảm động qua những câu chuyện, trong đó câu chuyện về Bác với GS Tôn Thất Tùng làm chúng ta nhớ mãi. Dù là một Bác sĩ giỏi hàng đầu về tim mạch không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, nhưng GS Tôn Thất Tùng luôn tích cực tham gia cách mạng cùng với Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, chiến tranh diễn ra ác liệt, Bác được tin vợ của GS sinh con trai đầu lòng ở Chiến khu Việt Bắc, Bác đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên: Bác rất mừng chú thím đã sinh cháu trai đầu lòng, Bác đến thăm xem thím và cháu có khỏe không? Chú là Tùng, Bác muốn đặt tên cháu là Bách (Tôn Thất Bách). Sau này, Tôn Thất Bách được Bác dìu dắt, nâng đỡ đã nối nghiệp cha và cũng trở thành một thầy thuốc nổi tiếng của Việt Nam.
Một câu chuyện khác, đó là GS, Bác sĩ Trần Hữu Tước - một trí thức lớn được Bác đưa từ Pháp về Việt Nam để cống hiến cho ngành Y tế nước nhà. Khi GS ốm đau, Bác đến nhà hỏi thăm, động viên an ủi GS Trần Hữu Tước, Bác nói mong GS cần giữ gìn sức khỏe, làm việc điều độ để còn phục vụ lâu dài cho đất nước…
Bác có một phương châm rất khoa học, đó là kết hợp đông y với tây y để điều trị bệnh. Bác đến thăm Bệnh xá Vân Đình, Bác khuyên cán bộ, y sĩ ở đây cần chú trọng đến việc phát triển các loại cây thuốc sẵn có của Việt Nam để kết hợp đông y và tây y chữa trị cho nhân dân và chiến sỹ. Hơn thế nữa, Bác rất chú trọng công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh cho nhân dân. Khi Bác về nước, tại Cao Bằng, việc đầu tiên Bác làm là vào các làng, bản đưa các cháu nhỏ ra suối tắm, vệ sinh sạch sẽ, bôi thuốc ghẻ lở cho các cháu và dặn bà con phải ăn, ở vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi rãnh nước thông thoáng để bảo vệ sức khỏe… Đi đến đâu Bác cũng thăm nơi ăn, nơi ở, khu vực vệ sinh có đảm bảo sức khỏe cho con người không. Tất cả điều đấy cho thấy tính nhân văn của Bác trong ngành Y tế là thấm nhuần tính nhân đạo, tính nhân dân vì sức khỏe nhân dân phục vụ.
Riêng cá nhân Bác rất chú trọng tập luyện thể dục để giữ sức khỏe, chính vì vậy Bác đã có lời kêu gọi toàn dân tập thể dục để có sức khỏe phục vụ đất nước. Bác nói, một người khỏe mạnh thì cả gia đình khỏe mạnh; một người dân khỏe mạnh thì đất nước sẽ cường mạnh. Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta và cho ngành y tế hiện nay.
Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chính vì vậy, năm 1961, Bác lên thăm đồng bào dân tộc Hà Giang, tại đây Bác dặn đồng bào phải ăn sạch, uống sạch, ở sạch để giữ gìn sức khỏe. Vận dụng những lời căn dặn của Bác, tỉnh ta hiện nay tích cực chăm lo và phát triển con người cũng như cơ sở vật chất trong ngành y để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
GS, TS Hoàng Chí Bảo (kể)
Lê Lâm (ghi)
Ý kiến bạn đọc