Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua lá phiếu bầu cử
BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”. Ghi nhớ lời căn dặn của Bác, những ngày này, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh với tư cách là một cử tri đều tích cực nghiên cứu, nắm vững nguyên tắc bầu cử, nghiên cứu kỹ lưỡng danh sách ứng cử viên để thông qua lá phiếu lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp.
Tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Đồng Văn tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Mông tại thôn Lao Xa, xã Sủng Là. Ảnh: TRIỆU NGHỊ |
Trong bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu Quốc, số 130, ra ngày 31.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó... Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Trên tinh thần đó, cho đến các kỳ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau này, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đề cao việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bầu cử. Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Bầu cử.
Tuyên truyền về bầu cử bằng loa phóng thanh di động tại xã Lao Chải (Vị Xuyên). |
Nhận thức rõ cuộc bầu cử vào ngày 23.5 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước và dân tộc, thông qua lá phiếu bầu của mình sẽ góp phần xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh; những ngày này, nhiều cử tri trên địa bàn dành thời gian nghiên cứu tiểu sử, lý lịch, đặc biệt là lời hứa trong chương trình hành động của từng ứng cử viên. Đến thời điểm hiện tại, danh sách các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đã được niêm yết công khai, rộng rãi, cử tri đã biết và hiểu phần nào về những người mà họ có quyền lựa chọn trong ngày bầu cử sắp tới. Anh Trần Xuân Cường, tổ 6, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) chia sẻ, thông qua các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử, cử tri được tiếp xúc trực tiếp, có dịp để “chấm điểm” hình ảnh, tư thế, tác phong, thái độ của ứng cử viên cũng như cân nhắc xem chương trình hành động của ứng cử viên đó có thiết thực, khả thi không; có lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri hay không. Để từ đó mỗi cử tri sẽ tự đánh giá, phân tích, lựa chọn đại biểu nào xứng đáng đại diện cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Phát huy dân chủ trong bầu cử là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc đóng góp xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở các cấp. Nhiều tháng nay, khắp các địa phương, từ thành phố, thị trấn đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh đều tràn ngập trong sắc thắm của băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa, biểu ngữ tuyên truyền về bầu cử. Cùng với phương pháp trực quan, công tác tuyên truyền về bầu cử còn được các huyện, thành phố đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: Thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua mạng xã hội, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, loa truyền thanh di động, tuyên truyền tại các buổi chợ phiên, họp thôn, sinh hoạt hội, đoàn thể… với mục đích bảo đảm người dân đi bầu cử đầy đủ, đúng thời gian, an toàn, tiết kiệm, đúng pháp luật, phát huy dân chủ trong bầu cử.
Bác Hồ cũng từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn”, do đó, mỗi cử tri cũng cần hiểu rõ giá trị của lá phiếu bầu, từ đó phát huy trách nhiệm của mình. Tự giác, tích cực tìm hiểu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND các cấp; các quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND. Nghiên cứu kỹ lưỡng danh sách ứng cử viên và nắm vững nguyên tắc bầu cử, tránh tình trạng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu.
“Mỗi lá phiếu như viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh” – chính vì vậy, mỗi người dân với tư cách là một cử tri cần nhận thức thật sâu sắc và thể hiện tích cực quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong bầu cử. Để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân và đạt được mục đích cao nhất, đó là bầu ra những đại biểu thật sự xứng đáng, đại diện cho tiếng nói và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc