Đem hết trí tuệ, tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của cử tri
BHG - Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015, để thực hiện quyền vận động bầu cử của những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng thời để cử tri và Nhân dân nghiên cứu, xem xét lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội. Báo Hà Giang đăng giới thiệu về Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV, bà Dương Ánh Phượng, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang:
Bà Dương Ánh Phượng, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang: |
Với tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương, nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH, tôi sẽ làm tốt vấn đề ưu tiên mang tính xuyên suốt, góp phần cho sự phát triển tỉnh Hà Giang.
Trước hết, là người đại biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi sẽ thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, không ngừng rèn luyện để giữ gìn phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; đem hết trí tuệ, năng lực, tâm huyết của mình phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm và lòng tin của cử tri. Thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết, gần gũi, sâu sát với cử tri, nhất là ở những địa phương nơi mình ứng cử dưới nhiều hình thức như tiếp xúc cử tri, thực hiện tiếp công dân thông qua công việc và trong cuộc sống đời thường để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của cử tri và thống nhất cùng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang phản ánh trung thực, có trách nhiệm những ý kiến đó với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, giúp cho việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Hai là, tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội sửa đổi, xây dựng mới pháp luật có liên quan chặt chẽ đến đời sống của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giới, thúc đẩy kinh tế... nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi. Tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với đặc thù của địa phương; góp sức cùng các cơ quan trong tỉnh tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho đầu tư phát triển. Đối với những vấn đề nổi lên của địa phương, tôi sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời có ý kiến cùng với các cơ quan của tỉnh, cấp huyện, cấp xã giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và mong đợi của nhân dân.
Ba là, về hoạt động giám sát, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống. Cụ thể là các vấn đề: Vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; việc thực hiện pháp luật về đất đai; bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường góp phần ngăn chặn hành vi phá rừng, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ, gìn giữ nguồn nước cho nhân dân - đây cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với khu vực địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước, thiếu đất canh tác.
Bốn là, hiện tỉnh Hà Giang vẫn còn không ít địa bàn khó khăn ở 7 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Do đó, tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu thực tế, nghiên cứu đề xuất những chính sách thích hợp nhằm tạo vốn, nguồn lực, giãn nợ cho người nghèo để thực hiện xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số sau khi ra trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng đất đai; xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; chính sách nhà ở cho người nghèo; hoàn thiện chính sách thương mại biên giới nhằm tạo ra động lực to lớn, phát huy được tiềm năng của các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới.
Năm là, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, tôi sẽ cùng với các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đoàn ĐBQH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn để giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp của các cơ quan quản lý nhà nước; nhất là việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em... Từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi như vấn nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; mua bán người, lạm dụng phụ nữ, trẻ em, di cư tự do, kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài... Tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách, đề án, chương trình xóa bỏ hủ tục, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc