Xín Mần đẩy mạnh công tác đối ngoại kinh tế
BHG - Xác định chính sách phát triển thương mại biên mậu, kinh tế cửa khẩu là một trong những chương trình trọng tâm của Đảng bộ huyện Xín Mần; những năm qua, huyện đã quán triệt sâu sắc và định hướng quan điểm ngoại giao toàn diện, đồng bộ của Đảng và Nhà nước; tập trung lãnh, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại.
Chợ Mốc 172 xã Pà Vầy Sủ duy trì hoat động vào thứ 6 hàng tuần. |
Là huyện phía Tây của tỉnh và có đường biên giới giáp với huyện Mã Quan, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài 32 km, gồm 4 xã giáp biên là: Pà Vầy Sủ, Nàn Xỉn, Xín Mần và Chí Cà. Với lợi thế về điều kiện đất đai, địa hình và khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và các loại cây dược liệu như: Thảo quả, Quế, Ý dĩ... Hiện, toàn huyện có gần 3.200 ha Thảo quả, diện tích đang cho thu hoạch là 1.500 ha; sản lượng Thảo quả tươi hàng năm đạt 2.300 tấn. Cây quế diện tích gần 1.000 ha, trên 200 ha đang cho khai thác. Các loại cây gừng, nghệ, Ý dĩ được trồng tại các xã Chí Cà, Thèn Phàng, Cốc Pài, Nàn Ma...
Những năm gần đây, huyện đang có chủ trương đầu tư phát triển vùng chè nguyên liệu; hướng đến sản xuất chè an toàn, với diện tích 743 ha theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ. Về phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc hiện có gần 120 nghìn con; trong đó, đàn trâu, bò trên 32 nghìn con. Là huyện có tiềm năng về nguồn nhân lực, với lao động trong độ tuổi trên 41 nghìn người, chiếm 62,7% dân số toàn huyện; số lao động đã qua đào tạo gần 20 nghìn người đạt 45% lao động trong độ tuổi và trên 14 nghìn lao động nông thôn đã qua đào tạo các nghề như: Xây dựng, thủ công mỹ nghệ... Bên cạnh đó, Xín Mần còn có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên cũng như di tích, danh lam thắng cảnh; điểm du lịch tâm linh cùng nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa riêng và nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống… Đó là những điều kiện để huyện Xín Mần đẩy mạnh công tác đối ngoại kinh tế, phát triển thương mại với phía đối đẳng Trung Quốc.
Để đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển, công tác đối ngoại được huyện tiếp tục duy trì, mở rộng quan hệ hữu nghị với Chính phủ nhân dân huyện Mã Quan (Trung Quốc); thường xuyên trao đổi các chuyến thăm hữu nghị, tổ chức các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền của hai bên. Thực hiện phối hợp tổ chức tuần tra song phương, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống dịch bệnh trên tuyến biên giới. Công tác quản lý biên giới được tăng cường, thường xuyên trao đổi, giải quyết các vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới. Đồng thời, phối hợp khảo sát lối mở chợ biên giới Mốc 172, 188, 197 - 198/2. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng, trong đó, tổ chức thành công Lễ ký kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt – Trung; tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên biên giới tăng cường thắt chặt mối quan hệ đoàn kết dân tộc, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ; đảm bảo an ninh thôn, bản và giúp nhau phát triển KT - XH. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai, quản lý tốt các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài như: ODA, Ailen, Plan, Cô - Oét...
Với nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả; công tác đối ngoại kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị hàng tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu của huyện đạt 5,375 triệu USD, lưu lượng người xuất, nhập cảnh năm 2017 đạt 27.833 lượt; 5 tháng đầu năm 2018 đạt 11.061 lượt. Tại 4 xã biên giới đã hình thành và duy trì hoạt động 1 chợ cửa khẩu, 4 chợ xã, 2 chợ lối mòn là Mốc 172 thôn Ma Lỳ Sán (xã Pà Vầy Sủ) và Mốc 188 thôn Hậu Cấu (xã Chí Cà) phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên. Thu hút lượng người tham gia họp chợ trung bình từ 150 - 200 người/phiên chợ, giá trị trao đổi hàng hoá tại các chợ năm 2017 đạt 27,32 tỷ đồng... Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân các xã biên giới và thúc đẩy phát triển KT - XH của huyện.
Tại buổi Hội đàm với Chính phủ nhân dân huyện Mã Quan diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn đã nêu một số kiến nghị đến chính quyền 2 bên về giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển thương mại mậu dịch biên giới, việc mở cửa thông thương 2 bên biên giới; cụ thể là ký kết thỏa thuận giữa 2 bên để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu lao động. Hiện, cặp Cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long đã được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc gia, đây là cơ hội để phát triển thương mại mậu dịch biên giới; trong thời gian tới, huyện Xín Mần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, góp phần giữ vững và bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc