Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh, tầm nhìn đến năm 2030
BHG - Trước quá trình hội nhập tích cực, sâu rộng của Việt Nam khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu… tỉnh ta đã đề ra “Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đón Đoàn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lên thăm và làm việc với tỉnh ta tháng 3.2017. |
Theo đó, tỉnh chú trọng mở rộng, phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương Trung Quốc; tăng cường, mở rộng thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước phát triển trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; liên kết, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, tranh thủ khoa học, công nghệ; đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tạo sự chủ động, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đối ngoại; khai thác tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, phấn đấu đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Chiến lược hội nhập của tỉnh nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành mũi nhọn, các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh. Đồng thời, đổi mới tư duy trong tham gia các hoạt động hội nhập, liên kết quốc tế theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đề xuất và đóng góp”. Thúc đẩy liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương; nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế; huy động mọi nguồn lực, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược: Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn lực có chất lượng.
Riêng đối với hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh ta mong muốn thu hút tối đa các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, tính bền vững của tăng trưởng kinh tế. Nâng cao năng suất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các sản phẩm địa phương. Tranh thủ tối đa các nguồn lực quốc tế triển khai 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; phấn đấu đến năm 2020 có 2 - 3 nhà đầu tư nước ngoài và có thêm 8 - 10 tổ chức nước ngoài tham gia các dự án lớn của tỉnh.
Phát huy được các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh là sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ như: Mật ong, cam, thịt bò, dược liệu… phấn đấu đến năm 2020, Cao nguyên đá Đồng Văn tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch của các nước trong Cộng đồng ASEAN. Khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định thương mại tự do và tập trung vào thị trường ASEAN. Phấn đấu đến năm 2020, hàng nông - lâm sản của tỉnh có mặt tại thị trường ASEAN.
Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, duy trì và bảo vệ tốt an ninh trật tự tại khu vực biên giới; thúc đẩy quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đi vào chiều sâu, thiết thực. Mở rộng quan hệ hợp tác với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và quan hệ hữu nghị với các địa phương nước ngoài có chung đặc điểm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, các nước ASEAN và tiếp tục thiết lập quan hệ mới với các nước khác. Thực hiện các mục tiêu về lao động, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Nỗ lực tạo đột phá trong vận động các đối tác lớn, quan trọng của địa phương; đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động và doanh nghiệp địa phương.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc