Tận dụng cơ hội từ CPTPP, thúc đẩy KT-XH phát triển
BHG - Thời gian qua, tỉnh ta luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình phát triển KT-XH. Tháng 3 vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết. Hiệp định CPTPP sẽ tác động lớn đến nước ta trên rất nhiều khía cạnh như: Chính trị, đối ngoại, kinh tế. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: Cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: Lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Thực hiện quá trình hội nhập quốc tế, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố của tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện thực tế của UBND tỉnh. Công tác cải cách hành chính tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước; các thành phần kinh tế tập trung phát triển…
Người dân thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang thu hái chè. |
Năm qua, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt cao tăng trên 7,36% so với năm 2016. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 7.614 tỷ đồng, tăng trên 17% so với năm 2016. Chương trình khởi nghiệp đang tạo sức lan tỏa rộng khắp; nhiều chính sách của tỉnh có tác động lớn, hiệu quả rõ rệt. Công tác nghiên cứu, liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế mở rộng, dần đi vào chiều sâu.
Khó khăn hiện nay là phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa gắn kết với khâu tiêu thụ nên dễ bị tác động tiêu cực khi có biến động của thị trường; chưa kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách đồng bộ. Mặt khác, quy mô sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tác…
Phó Giám đốc Sở Công thương, Mai Văn Sướng cho biết: Quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh được tiến hành cùng với quá trình đổi mới, mở cửa của cả nước. Do đặc thù vị trí địa lý, đặc điểm phát triển KT-XH của một tỉnh miền núi, biên giới, Hà Giang chú trọng thúc đẩy quan hệ song phương với các địa phương nước láng giềng Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, từng bước mở rộng quan hệ với các đối tác khác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và huy động nguồn lực quốc tế giúp thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển KT-XH khu vực biên giới; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa địa phương; nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa các vùng chuyên canh; đổi mới công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh.
Hiệp định CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng các nước thành viên.
Trước những lợi thế của hội nhập quốc tế, tỉnh ta có thể tận dụng những ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH một cách đồng bộ.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc