Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của Việt Nam
3. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025:
a. Xuất xứ: Liên kết ASEAN là một tiến trình liên tục, phát triển từ thấp đến cao, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc, tạo nền tảng và động lực cho giai đoạn phát triển mới cao hơn. Do vậy, trong năm 2014 – 2015, ASEAN đã tích cực xác định một khuôn khổ chiến lược mới đến năm 2025 để kế tục lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó đề ra định hướng, mục tiêu và biện pháp tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN. Tháng 11.2015, các lãnh đạo ASEAN đã ký “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, trong đó kèm theo văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và 03 Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng; và nhất trí bộ văn kiện này sẽ bao gồm cả Kế hoạch kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển (thông qua trong năm 2016).
b. Nội dung: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đề ra định hướng tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu bao trùm là đưa ASEAN trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực; một cộng đồng vận hành theo luật lệ, có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân và mang lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Cộng đồng Chính trị – An ninh hướng tới 4 mục tiêu lớn: Một là, hoạt động theo luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, với 3 nội dung chính gồm: (i) tuân thủ và phát huy các nguyên tắc, giá trị và chuẩn mực của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; (ii) củng cố các giá trị dân chủ, pháp trị, quản trị tốt, chống tham nhũng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản; (iii) thúc đẩy các giá trị hòa bình, khoan dung và ôn hòa). Hai là, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, với 6 nội dung chính gồm: (i) nâng cao năng lực xử lý các thách thức; (ii) ứng phó kịp thời với những trường hợp khẩn cấp/khủng hoảng; (iii) giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; (iv) tăng cường an ninh và hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông; (v) giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống; (vi) khu vực không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt khác). Ba là, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, với 6 nội dung chính gồm: (i) củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; (ii) nâng cao hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; (iii) tăng cường hợp tác thực chất với các đối tác đối thoại; (iv) thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác khác; (v) xem xét mở rộng hợp tác với các đối tác tiềm năng mới; (vi) tăng cường đóng góp cho các vấn đề toàn cầu. Bốn là, tăng cường năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN, với 2 nội dung chính gồm: (i) nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; (ii) tăng cường sự hiểu biết và hiện diện của ASEAN.
Cộng đồng Kinh tế hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, một nền kinh tế thống nhất và liên kết cao, nhằm tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển thông thoáng của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng cũng như tạo một thị trường thống nhất hơn, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) thương mại hàng hóa; (ii) thương mại dịch vụ; (iii) môi trường đầu tư; (iv) tạo thuận lợi cho di chuyển của lao động có tay nghề và doanh nhân; (v) tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là, một nền kinh tế năng động, đổi mới và cạnh tranh, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) chính sách cạnh tranh hiệu quả để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp; (ii) bảo vệ người tiêu dùng; (iii) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (iv) thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), sáng chế và tăng trưởng theo năng suất; (v) hợp tác về thuế; (vi) quản trị tốt; (vii) thực tiễn tốt về quản lý; (viii) phát triển kinh tế bền vững; (ix) chiến lược phù hợp về các xu hướng lớn trên toàn cầu liên quan đến thương mại. Ba là, kết nối kinh tế và liên kết theo ngành, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) giao thông; (ii) công nghệ thông tin và truyền thông; (iii) thương mại điện tử; (iv) năng lượng; (v) thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp; (vi) du lịch; (vii) chăm sóc y tế; (viii) khoáng sản; (ix) khoa học và công nghệ. Bốn là, tự cường, dung nạp và chú trọng người dân, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; (ii) vai trò của khu vực tư nhân; (iii) quan hệ đối tác công – tư; (iv) thu hẹp khoảng cách phát triển; (v) đóng góp của các nhóm/giới khác cho liên kết khu vực. Năm là, gắn kết vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs/CEPs) với các đối tác, từ đó tạo cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết kinh tế khu vực.
Cộng đồng văn hóa – xã hội hướng tới 5 mục tiêu lớn: Một là, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) thu hút sự tham gia của các nhóm/giới vào các tiến trình của ASEAN; (ii) tăng quyền cho người dân và tăng cường các thế chế bảo đảm. Hai là, cộng đồng dung nạp, nhằm đáp ứng tốt hơn lợi ích của người dân về phúc lợi, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, giảm nghèo, y tế, việc làm, giáo dục và thông tin, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) xóa bỏ các rào cản và đối xử bất bình đẳng để tất cả mọi người dân được hưởng quyền con người và tiếp cận bảo trợ xã hội; (ii) thúc đẩy khả năng tiếp cận cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người dân; (iii) thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Ba là, cộng đồng bền vững, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) bảo tồn và quản lý bền vững các nguyên tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; (iii) phát triển các thành phố bền vững về môi trường; (iii) bền vững về khí hậu (thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý các nguy cơ của biến đổi khí hậu); (iv) sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bốn là, một cộng đồng tự cường, nhằm nâng cao năng lực để cùng xử lý những thách thức, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) khả năng dự báo, xử lý và quản lý thảm họa; (ii) khả năng ứng phó với các mối đe dọa đối với sức khỏe; (iii) khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người già, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động di cư, các nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế khác; (v) bảo đảm cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu (nước, thực phẩm, năng lượng,...) và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác khi xảy ra khủng hoảng; (vi) hướng tới một ASEAN “không có ma túy”. Năm là, một cộng đồng năng động, nhằm tạo môi trường thuận lợi (chính sách, thể chế) để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thích ứng, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm hơn, thông qua các biện pháp chiến lược về: (i) rộng mở và có khả năng thích nghi; (ii) đổi mới, sáng tạo và có khả năng ứng phó: (iii) xây dựng văn hóa kinh doanh trong ASEAN.
c. Nhận xét sơ bộ: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể để triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng là sản phẩm của sự đồng thuận, phản ánh tầm nhìn và lợi ích chung của các nước thành viên về ASEAN trong năm 2025. Những điểm đáng chú ý là: (i) đề ra mục tiêu liên kết sâu rộng hơn, đồng thời coi trọng hơn cơ sở pháp lý và người dân cũng như đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; (ii) mối quan hệ gắn kết và bổ trợ giữa 3 trụ cột cộng đồng được thể hiện đậm nét qua các mục tiêu xuyên suốt (liên kết và gắn kết, dựa trên luật lệ, nâng cao năng lực, hướng tới người dân và phục vụ lợi ích thiết thực của người dân năng động và sáng tạo, phát triển bền vững, quan hệ rộng mở với bên ngoài trong lúc bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN); (iii) đây là văn kiện “mở”, để ngỏ khả năng điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và khu vực, nhất là các nhân tố tác động đến triển vọng phát triển của ASEAN, mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như lợi ích quốc gia và tính toán chiến lược của các nước thành viên, có thể dự báo khả năng hiện thực nhất là cộng đồng ASEAN sẽ vẫn là một tổ chức liên Chính phủ, nhưng mức độ liên kết sẽ sâu rộng hơn và ràng buộc hơn về pháp lý, có vai trò quan trọng hơn ở khu vực Đông Á. Mức độ liên kết trong từng trụ cột Cộng đồng sẽ tiến triển không đều nhau, trong đó liên kết kinh tế sẽ đi nhanh hơn cả vì phù hợp với nhu cầu chung của các nước thành viên và xu thế của tình hình khu vực và quốc tế; liên kết chính trị – an ninh sẽ phát triển từng bước, tiệm tiến trên cơ sở nâng dần mẫu số chung về lợi ích do tính phức tạp và nhạy cảm của lĩnh vực này; liên kết về xã hội – văn hóa cũng tiến triển dần và tùy thuộc vào nhiều mức độ nguồn lực có thể huy động được.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc