Tư duy, tầm nhìn trong sự lãnh đạo của Đảng mang lại đời sống ấm no cho đồng bào rẻo cao Hà Giang

11:08, 19/09/2024

BHG - Sau 33 năm nhìn lại, khi tái thành lập tỉnh năm 1991, với những hậu quả nặng nề của chiến tranh biên giới để lại, tỉnh Hà Giang là một tỉnh thuần nông nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và những yếu tố vật chất bảo đảm cho sản xuất còn thiếu thốn, yếu kém, thu nhập, đời sống nhân dân thấp, cùng vô vàn khó khăn bộn bề, chồng chất…Đến nay, Hà Giang đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà khởi nguồn của những thành công đó bắt đầu từ sự đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo của Đảng.

“Đánh thức” từ cuộc sống

Đời sống vô cùng khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, thiếu nước…của người dân, đã thôi thúc những người cán bộ, lãnh đạo phải tìm ra những bước đi mới để từng bước giúp nhân dân thoát khỏi đói nghèo, xứng đáng với niềm tin và ý nguyện của Hồ Chủ Tịch khi lên thăm mảnh đất Hà Giang vào năm 1961: Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà; Ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm…Cán bộ, đảng viên và đoàn viên đoàn kết chặt chẽ, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân trên lợi ích riêng của mình, phải gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh…đó chính là động lực "đánh thức" những tư duy, những khối óc của những người mang trên mình trọng trách phải tìm ra hướng đi mới để mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Hà Giang – tháng 3.1961 (ảnh sưu tầm)
Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Hà Giang – tháng 3.1961 (ảnh sưu tầm)

Ngày 25.12.1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hà Giang, đồng chí Hồng Quân được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời. Sau năm 1975, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên. Tháng 1.1976, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tuyên, đồng chí Trần Hoài Quang được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Ngày 12.8.1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã ra Quyết định chia chia tách tỉnh Hà Tuyên thành tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Ngày 16.9.1991, Bộ Chính trị chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hà Giang, đồng chí Hoàng Thừa được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Ngày 1.10.1991, tỉnh Hà Giang chính thức được tái lập.

Sau gần 33 năm sau khi tỉnh Hà Giang được tái lập gồm 10 đơn vị hành chính là thị xã Hà Giang và 9 huyện, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Giang, diện tích tự nhiêm là 7.831 km2, dân số 461.839 người gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống (Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng), trong đó đông nhất là người Mông chiếm 31,35%.

Vào thời điểm tái thành lập tỉnh Hà Giang là một tỉnh nghèo nhất của cả nước, đời sông vô cùng khó khăn, nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu, công nghiệp và thương mại và dịch vụ quá nhỏ bé, thô sơ và lạc hậu, tỷ lệ người mù chữ còn cao (trên 65%), thu ngân sách trên địa bàn chưa đáp ứng được 10% chi thường xuyên của tỉnh; số hộ đói nghèo chiếm trên 55%, thu nhập tính theo đầu người thấp xa so với bình quân chung cả nước.

Về xã hội, những hậu quả sau chiến tranh để lại như cơ sở vật chất bị tàn phá, tình trạng nhân dân không có việc làm còn nhiều, các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu vẫn còn phổ biến; hoạt động của hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, khó khăn; đội ngũ cán bộ trong các cơ quan còn thiếu và mới, còn nhiều bất cập với yêu cầu nhiệm vụ…

Đây thực sự là một thời không dễ quên, Hà Giang sau ngày tái thành lập tỉnh với những bước đi trên những chặng đừng mới đậy khó khăn, gian khổ và chính điều này đã đặt ra câu hỏi lớn cho toàn Đảng bộ phải làm từ đâu, làm như thế nào để đời sống đồng bào nơi vùng đầy đầy sỏi đá này được ấm no, giàu mạnh hơn?

Những bước chuyển biến căn bản

Với những trăn trở đặt ra và căn cứ vào tình hình thực tiễn, ngay từ đầu quý IV (1991) Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã quan tâm và đặt nhiệm vụ sản xuất nông - lâm nghiệp trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đặc biệt quan trọng, cần phải chỉ đạo thường xuyên và tập trung.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XI xác định 5 mục tiêu lớn về kinh tế - xã hội trong 4 năm (1992 - 1995), tiếp tục tập trung vào nội dung "Phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu nông - lâm - công nghiệp; lấy kinh tế đồi rừng, phát triển công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc để làm chuyển biến nền kinh tế tự cấp tự túc sang nền kinh tế hàng hóa; gắn phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp với xây dựng nông thôn mới…"

Triển khai và thực hiện 5 mục tiêu kinh tế - xã hội, nhiều chương trình mang tính sáng tạo, đem lại những hiệu quả thiết thực như: mô hình “Mái nhà – bể nước – con bò – phản nằm”; “ 2 con bò, 600 khóm cỏ”, “Đầu tư tái thu hồi”; “Nhóm sản xuất cùng sở thích” “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”... bên canh đó với tinh thần “Đại công trường xây dựng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, kết cấu hạ tầng từng bước được thay đổi,tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.     Kết quả trong những năm đầu sau khi tái thành lập tỉnh, kinh tế – xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 7,49%; công nghiệp – xây dựng tăng 22,9%, dịch vụ tăng 17,16%, nông – lâm nghiệp tăng 2,29%. Đời sống của đồng bào tuy chưa được sung túc, đầy đủ, hộ đói nghèo còn cao, song so với những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đã có bước khởi sắc cơ bản.

Những thành tựu đó không chỉ được đo đếm bằng những con số, quan trọng hơn, nó gợi mở, tạo ra phương pháp duy khoa học trong quản lý và điều hành sản xuất kinh tế. Đồng thời, khẳng định sự vận dụng đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng, tạo tiền đề quan trọng để Hà Giang tiếp tục đổi mới, cùng cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự mong mỏi, khát vọng một cuộc sống ấm no của người dân đã trở thành động lực để các thế hệ đảng viên đi tìm câu trả lời bằng cả trái tim, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, đột phá.

  Trải qua các thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế Hà Giang từng bước tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sau gần 20 năm chia tách tỉnh dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh cùng với sự cố gắng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đời sống nhân dân các dân tộc đã khấm khá hơn. Song so với cả nước, “Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, chưa thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh đặc biệt khó khăn”.

Nhìn nhận lại quá trình phát triển, trên cơ sở đánh giá những tiềm năng, lợi thế của địa phương, mục tiêu đặt ra là phải tìm ra được những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Giang, như lời đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, XIII, XIV, khi lên dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 - 2015  “Cần phân tích vì sao chưa khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy mạnh nội lực, chưa có bước “đột phá” trong phát triển”. 

Nhận thấy, với vị trí địa lý là một tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, sở hữu nhiều ngọn núi cao, vách núi đá hiểm trở dựng đứng, những cánh rừng nguyên sinh đan xen với thung lũng thơ mộng tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo và hùng vĩ. Bên cạnh đó là truyền thống đấu tranh với những di tích lịch sử ý nghĩa, mảnh đất Hà Giang cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em với những nét truyền thống vô cùng độc đáo và phong phú, tạo nên một quần thể đa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định đây là một nguồn lực quan trọng cần được khai thác để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - đó chính là tập trung khai thác và phát triển ngành kinh tế du lịch.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5.10.2010 tại thành phố Hà Giang. Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa XV, đồng chí Triệu Tài Vinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát đến năm 2015. Đại hội đề ra bốn đổi mới, tám đột phá, mười lăm chương trình trọng tâm và 19 chỉ tiêu chủ yếu, một trong tám đột phá là "Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở cho dịch vụ, du lịch". Đồng thời,  Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV (Nhiệm kỳ 2010 - 2015) cũng đề ra Nghị quyết về xây dựng Chương trình "Phát triển Văn hóa gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, địa chất, tâm linh”.

Từ việc xác định đúng đắn các khâu đột phá, đặc biệt là đột phá về xây dựng hạ tầng cơ sở cho dịch vụ, du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt. Năm 2010, công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO vinh danh là công viên địa chất toàn cầu. Năm 2015 lượng khách du lịch đến với Hà Giang ước đạt 762.622 lượt người, kéo theo đó là sự phát triển của các ngành như: giao thông vận tải, công nghệ thông tin, các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống…tạo ra sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 6,8%, đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực.

Từ đây, Hà Giang đã tìm ra được hướng phát triển mới, chuyển từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sau chiến tranh sang phát triển kinh tế hàng hóa, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đó có thể xem là bước chuyển căn bản nhất, là đột phá giúp Hà Giang tìm ra hướng đi mới, khai thác được tiềm lực sẵn có do thiên nhiên ban tặng, đời sống nhân dân được cải thiện.

 "Đột phá" để thành công

 Đánh giá đúng thực tế, hoạch định phương hướng, bước đi linh hoạt, phù hợp, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đưa Hà Giang vươn lên có được những thành quả to lớn.

 “Chân trời mới” của phát triển du lịch được tiếp nối, hoàn chỉnh, được cụ thể hóa trong từng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ 2016 - 2020, 2021 - 2025. Tạo sức bật cho công nghiệp, để giải phóng nhanh các nguồn lực, mở đường để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bứt phá, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình quan trọng về phát triển du lịch như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 62-CTr/TU ngày 29.3.2013 về phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 26.7.2013 để triển khai thực hiện chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các cấp, các ngành gắn công tác phát triển du lịch với việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 11 - NQ/TU, ngày 02.8.2021, về phát triển du lịch Hà Giang năm 2021 - 2025…và hàng loạt nghị quyết của HĐND, cùng các cơ chế, chính sách của UBND, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, là “bệ đỡ” để du lịch trở thành đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sự đồng thuận của người dân.

Du lịch mở ra trang mới. Năm 2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2023 ước đạt 3,07%, thấp hơn so với mục tiêu Nghị quyết của tỉnh (8,0%) và thấp hơn mức tăng 7,01% của năm 2022, các khu vực khác đều giảm, chỉ có khu vực dịch vụ là tăng 6,06%, mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành và có những lĩnh vực là điểm sáng trong phát triển kinh tế, có đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Du lịch Hà Giang tăng trưởng mạnh, lượt khách du lịch trong năm đạt 3 triệu lượt người. Hà Giang được công nhận điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á do Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awarrds lần thứ 30 khu vực Châu Á và châu Đại Dương bình chọn. Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024 Hà Giang đón 1.690.000 lượt du khách. Trong đó 222.883 lượt khách quốc tế (bao gồm khách mang hộ chiếu và giấy thông hành) khách nội địa là 1.467.117 lượt người, (tăng 19,1 % so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,8 % kế hoạch năm), tổng thu từ du lịch ước đạt 4,191,2 tỷ đồng. Du lịch có mức tăng trưởng cao đã tạo ra nhiều việc làm, đồng thời đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, trải qua các cuộc chiến tranh với tinh thần "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", khắc phục hậu quả chiến tranh với chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, giờ đây, đời sống của đồng bào dẻo cao đã được từng bước nâng lên, lối sống ngày càng văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những vùng núi đá khô cằn, những cung đường quanh co, những đời sống giản dị, khó khăn của người dân giờ đã trở thành “mỏ vàng” tạo ra sinh kế cho hàng nghìn lao động. Cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Hà Giang có những đảng viên, đoàn viên, những trí thức trẻ tiên phong, gương mẫu xung kích đi đầu, tạo chất "keo" kết dính ý Đảng lòng dân, tạo đồng thuận trong nhân dân; các cấp chính quyền luôn nắm bắt kịp thời những khó khăn, bất cập từ các địa phương…Thu hút đầu tư nước ngoài như một "đòn bẩy" tạo sự kích thích để kinh tế phát triển; du lịch, dịch vụ từ con số không đã khai thác thế mạnh, biến Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, chợ tình Khâu Vai trở thành điểm “hút” khách du lịch trong và ngoài nước… tất cả đã đưa nền kinh tế của Hà Giang có những khởi sắc… Hà Giang từ một tỉnh nghèo, chưa thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh đặc biệt khó khăn (năm 2010), đến năm 2023, So sánh với cả nước, tỉnh Hà Giang xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố; so với 14 tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, tỉnh Hà Giang xếp thứ 10/14 tỉnh trong khu vực (đứng trên 4 tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La và Cao Bằng).

Tuy nhiên, với tình hình thế giới, trong nước, và của tỉnh biến động đã và đang tác động nhiều chiều; việc thu hút đầu tư cho phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn; sản lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp khoáng sản nhiều, dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất, hoạt động sản xuất công nghiệp bị thu hẹp quy mô, thị trường bất động sản suy giảm… các yếu tố khách quan do thời tiết gây ra lũ lụt, hạn hán dẫn tới những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, các ngành sản xuất điện. Bên cạnh đó, các tiềm năng cho phát triển kinh tế, đặc biệt về phát triển ngành kinh tế du lịch chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng phong phú của Hà Giang. Đặc biệt, sợ nổi lên và chống phá của các thế lực thù địch, chúng lợi dụng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, đưa những nội dung, thông tin về đời sống, về phong tục, về văn hóa, con người, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về kinh tế, văn hóa, dân tộc… sai sự thật lên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTuber, Tiktoker…l àm ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của Hà Giang.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết như: Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10.5.2021 và Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác tuyên truyền và đấu tranh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng để người dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với sự phát triển đất nước nói chung và với tỉnh Hà Giang nói riêng.

Thời gian không chờ đợi ai. Tất cả đang dồn nén, đòi hỏi phải biết tận dụng thời cơ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để đổi mới trong tư duy, theo kịp xu hướng phát triển chung của nhân loại.Trong lãnh, chỉ đạo, Hà Giang phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp, các nhân tố mang tính đột phá nhằm kiến tạo những không gian phát triển mới phù hợp, tạo ra sự đặc trưng riêng của vùng miền. Phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: "…Phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước"

Trải qua những thăm trầm của lịch sử, qua mỗi thời kỳ cách mạng, để đi tìm đáp án cho câu hỏi "làm thế nào để đời sống đồng bào được ấm no?", Đảng bộ tỉnh đã tìm ra được những yếu tố căn cốt trong quá trình lãnh đạo của mình để có được những thành công, đó là: Đảng bộ tỉnh luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó, chú ý đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Và để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Hà Giang mạnh dạn đột phá, đi vào những vấn đề “cốt lõi”, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với việc coi phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá như trong Nghị quyết 11 đã nêu, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào rẻo cao.

Và tiếp nối tương lai:

                   Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên nơi viết nên những trang sử,

                   Dòng Nho Quế trong xanh uốn lượn,

                   Ruộng bậc thang thơm mùi lúa chín,

                   Cột cờ Lũng Cú hiên ngang,

Người Hà Giang đậm đà, đặc sắc...sẽ trở thành tiềm năng, thế mạnh để người Hà Giang tiếp tục “sống trên đá, thoát nghèo trên đá”, sống hiên ngang như những cây chè San tuyết hàng nghìn năm tuổi, xứng đáng là một tỉnh địa đầu cực Bắc, là “phên dậu” của Tổ quốc.

Nguyễn Thị Phượng (Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“ Hồi sinh” vườn tạp từ Nghị quyết 05

BHG - Từ những mảnh vườn bạc màu, cằn cỗi, tưởng chừng suy kiệt, hoang hóa, nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng sự đồng thuận, quyết tâm của người dân, Nghị quyết 05 ra đời, giúp hồi sinh những mảnh vườn trở lại màu xanh ngút ngàn, gọi no ấm cho những làng quê, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.  

26/10/2023
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang - Kỳ II: Thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện

BHG - Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của cả nước, có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Tỉnh uỷ đã họp bàn thống nhất đưa ra những quyết sách làm sao để vừa giải quyết được các khó khăn, vừa tập trung bảo vệ biên cương Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế gắn với ổn định quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới. Chính vì lẽ đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, tích cực phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, biến thách thức thành tiềm năng cơ hội mới. Trong đó ngành Nông nghiệp đang dần khẳng định là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

26/10/2023
Phát huy vai trò lãnh chỉ đạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp Hà Giang - Kỳ I: Quyết tâm tạo nền tảng vững chắc đưa ngành Nông nghiệp lên một bước tiến mới

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đưa ra, có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân và Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. 

24/10/2023
Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ III - Tỏa lan niềm vui lớn
BHG - Sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; xác định nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc khi thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đã giúp thay đổi tư duy người dân, mang lại cuộc sống ấm no nơi địa đầu Tổ quốc.
20/09/2023