Những trải nghiệm từ chuyến đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên trường Chính trị tỉnh

09:44, 23/09/2024

BHG - Nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở là một hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện cho giảng viên của trường Chính trị có cơ hội tham gia, quan sát các hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Từ đó, các giảng viên sẽ có điều kiện để đối chiếu các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác tổ chức, hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức ở cơ sở, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân; tích lũy thêm những kiến thức thực tế phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bổ sung tư liệu thực tiễn phong phú, sinh động, có minh chứng để “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng. Đây cũng là cơ hội tốt để giảng viên cọ sát với các hoạt động trên mọi lĩnh vực mà cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở thực hiện, từ đó rèn luyện cho giảng viên những kỹ năng, kinh nghiệm như quản lý, điều hành, xử lý tình huống, tiếp công dân, giải quyết các tranh chấp trong Nhân dân… Đồng thời việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở không chỉ giúp giảng viên thâm nhập vào thực tế sinh động, học hỏi, tích lũy kiến thức từ cơ sở, mà còn góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường vững về lý luận, am hiểu về thực tiễn xã hội, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển.

Lê công bố quyết định cử giảng viên Lê Quang Hùng đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình
Lê công bố quyết định cử giảng viên Lê Quang Hùng đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình

Nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở; với mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong điều kiện xây dựng trường Chính trị tỉnh Hà Giang đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025. Trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án số 40 - ĐA/TU, ngày 15-7-2020 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc cử giảng viên Trường Chính trị tỉnh đi thực tế có kỳ hạn giai đoạn 2020 - 2030. Trên cơ sở Đề án, để việc đi nghiên cứu thực tế cơ sở của giảng viên đảm bảo theo đúng quy trình, trường đã ban hành kế hoạch số 127/KH-TCT ngày 29/9/2020 của về việc cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở tại các xã của một số huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2024. Từ năm 2021 đến nay, tường đã cử được 19 giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại 19 xã của 4 huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Các giảng viên khi nghiên cứu thực tế tại cơ sở sẽ có nhiều thời gian gần bà con nhân dân - Họ là những đồng bào dân tộc thiểu số chất phác với tập quán, phong tục truyền thống lâu đời như đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng… và nhờ có các vấn đề nảy sinh trong quá trình nghiên cứu ở chính người dân như các tình huống về giải quyết. Trao đổi với giảng viên Trịnh Diệu Bình - Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, giảng viên dạy môn Kinh tế chính trị. Cô chia sẻ trong khoảng thời gian 5 tháng đi nghiên cứu thực tế tại xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, cô nhận thấy việc đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở của giảng viên Trường chính trị tỉnh là vô cùng cần thiết. Với riêng cá nhân tôi, những tháng nghiên cứu tại cơ sở đã giúp ích cho tôi rất nhiều về cả nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn. Mặc dù cuộc sống của người dân ở nhiều thôn tuy còn rất khó khăn nhưng họ luôn đoàn kết, chăm chỉ vươn lên như người dân ở thôn Sủng Pảo 1 với mô hình trồng cây su su, tỏi cô đơn trứ danh. Cảm nhận về tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc của lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, HĐND cũng như của tất cả cán bộ, công chức của xã. Họ luôn gương mẫu, luôn đi làm tại trụ sở cơ quan cũng như xuống cơ sở đúng giờ, nghiêm túc và chuyên nghiệp trong quá trình công tác và đặc biệt là khi phục vụ nhân dân trên địa bàn. Tại bộ phận một cửa của xã luôn ngăn nắp, nhiệt tình và nhanh nhẹn, xã dành riêng 1 khu vực trong 1 phòng để quần áo, tất, mũ và bánh kẹo, sữa… Tôi đã rất ngạc nhiên khi hỏi về những vật tư đã chuẩn bị đó và được giải thích đó là để dành tặng người dân đến liên hệ công việc, trao đổi thông tin, vì thực tế nhiều bà, cô, chị, em thường mang theo con nhỏ và cuộc sống của họ thường rất khó khăn, lam lũ, mỗi khi như vậy, các em ở xã đều nhanh chóng thu xếp 1 phần quà để trao tặng cho người dân bằng sự chân thành nhất. Thấy chị Bí thư đảng uỷ xã mỗi ngày chợ chủ nhật đều mua từng cân thịt, mớ rau cho một số hộ nghèo lại neo đơn, thiếu thốn, rồi mua cả quà tết ngoài chính sách chung của xã bằng tiền cá nhân của chị… và rất nhiều điều ý nghĩa xảy ra hàng ngày nữa, đã khiến tôi nhận ra, chỉ có tinh thần trách nhiệm thật cao với một cái tâm trong sáng, thực sự vì nhân dân mới hình thành nên phương châm của xã: không để người dân chờ dù chỉ 1 phút.

Giảng viên Trịnh Diệu Bình – Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, là một trong 2 giảng viên đầu tiên được cử đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại xã Hữu vinh, huyện Yên Minh
Giảng viên Trịnh Diệu Bình – Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, là một trong 2 giảng viên đầu tiên được cử đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại xã Hữu vinh, huyện Yên Minh

Khi sống và làm việc tại cơ sở, giảng viên có nhiều thời gian làm việc, tiếp xúc, trao đổi hơn với các cán bộ thôn, xã từng là học viên các khóa của nhà trường, nghe tâm tư, nguyện vọng, sự phản ánh từ họ về những đúc kết trong quá trình công tác sau khi tham gia các lớp học chính trị tại trường Chính trị để từ đó mà các giảng viên có thể có những điều chỉnh, thay đổi, tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường về phương pháp đào tạo và nhu cầu kiến thức cần đào tạo sâu, sát hơn. Giảng viên Hoàng Thị Hiếu - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng: Trong 5 tháng học hỏi kinh nghiệm thực tế tại xã Thuận Hòa, mỗi lần được đi xuống thôn cùng các đồng chí cán bộ, công chức của xã để dự sinh hoạt chi bộ thôn, đi khảo sát, tìm hiểu mô hình kinh tế, kế hoạch giảm nghèo tại mỗi thôn hay khi đi trao cây, con, vật tư nông nghiệp… cũng như những hỗ trợ rất thiết thực cho người dân, tôi mới thấy sự sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội của xã; luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chu đáo của lãnh đạo, cán bộ, công chức của xã, nhận được sự trân quý của các học viên cũ đã từng học trung cấp lý luận với giảng viên của trường Chính trị một cách chân thành. Từ đó, tôi nhận ra mình cần phải cố gắng hơn nữa trau dồi kiến thức chuyên môn, nhã nhặn và tôn trọng học viên hơn nữa để giữ gìn hình ảnh của người giảng viên của nhà trường.

Mỗi giảng viên của nhà trường khi nhận nhiệm vụ đều không quản ngại khó khăn về địa hình hiểm trở đi đến những thôn vùng biên, thôn cao, thôn đặc biệt khó khăn để tự mình chiêm nghiệm từ lăng kính lý luận được kiểm chứng trực quan trong thực tiễn sinh động về ý nghĩa, vai trò và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh như vấn đề con người, vấn đề tôn giáo, vấn đề xây dựng nông thôn mới, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân…và trong chính thực tiễn phong phú ấy các giảng viên đã được tôi rèn thêm về bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, năng lực tư duy nhạy bén, linh hoạt. Giảng viên Nông Quốc Đoàn – phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu đi nghiên cứu thực tế tại xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn cho biết: Đi thực tế ở cơ sở là một trong những nguồn cung cấp cho giảng viên những tư liệu sống động, giúp giảng viên tự tin về chuyên môn khi vận dụng linh hoạt vào bài giảng, giải quyết tường minh một số vấn đề đặt ra, so với những kiến thức được học tập, nghiên cứu, tiếp thu và đưa vào giảng dạy trong chương trình. Giảng viên thực sự được hòa nhập vào cơ sở, để thấu hiểu, chia sẻ với điều kiện còn khó khăn về kinh tế - xã hội và cả về trình độ, nhận thức của cán bộ cơ sở (là học viên của nhà trường) và người dân, thấy được kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo vô cùng sinh động với nhiều cách thức vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Đồng chí Hoàng Thị Hiếu tham gia hoạt động cải tạo vườn tạp tại thôn Lũng Rầy, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên
Đồng chí Hoàng Thị Hiếu tham gia hoạt động cải tạo vườn tạp tại thôn Lũng Rầy, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên

Giảng viên Vũ Tuấn Việt – khoa Xây dựng Đảng đi nghiên cứu thực tế tại xã Yên Thành, huyện Quang Bình: Thông qua thực tế cơ sở bản thân tôi đã thu nhận được rất nhiều kiến thức có thể gắn với lý luận của nhiều bài giảng. Giúp bản thân khắc phục được tình trạng thiếu kiến thức thực tiễn, chỉ đưa ra những số liệu, những ví dụ trong những báo cáo của tỉnh, của huyện, của cơ sở, việc phân tích các ví dụ chưa được chú trọng hoặc phân tích thiếu chiều sâu, thiếu tính cụ thể, thiếu sự phong phú đa dạng, và có những phần học vẫn nặng về lý luận…Thực tế cơ sở thực sự là một giải pháp hữu ích giúp tôi thu thập kiến thức thực tế một cách trực tiếp, sinh động và chân thật nhất, mang lại nguồn kiến thức phong phú cho quá trình giảng dạy nhiều môn học, nhiều bài học trong chương trình giảng dạy lý luận chính trị, góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đảng ủy xã Thuận Hòa tiếp nhận 1 giảng viên là đồng chí Hoàng Thị Hiếu, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã cho biết: Đây là đề án không chỉ có ý nghĩa, giá trị với trường mà còn có ý nghĩa và giá trị với xã. Giảng viên được phân công nghiên cứu thực tế ở xã đã tích cực đi các thôn nắm bắt điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của bà con, từ đó không chỉ tư vấn cho Đảng ủy xã đề ra chủ trương, giải pháp, cách thức nâng cao chất lượng hoạt động lãnh chỉ đạo của Đảng ủy xã trong xây dựng tổ chức đảng, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp đội ngũ công chức xã hiểu thêm về nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Phạm Sỹ Hùng, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Hà Giang trao quyết định hoàn thành đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở cho đồng chí Đặng Ngọc Mai, Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở
Đồng chí Phạm Sỹ Hùng, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Hà Giang trao quyết định hoàn thành đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn tại cơ sở cho đồng chí Đặng Ngọc Mai, Phó trưởng khoa Lý luận cơ sở

Đồng chí Phạm Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Qua thực tế triển khai Đề án, với 18 giảng viên đi thực tế, nhà trường nhận thấy ý thức, trách nhiệm, nhận thức về thực tiễn của mỗi giảng viên đều có sự tiến bộ rõ rệt; việc giảng dạy gắn lý luận sát với thực tiễn hơn; qua thực tế, nhà trường cũng đã xem xét bổ nhiệm một số đồng chí vào cương vị cao hơn. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đưa các giảng viên trong độ tuổi quy định đi thực tế cơ sở. Với những đồng chí đã đi cơ sở, sẽ tiếp tục xem xét bố trí thực tế ở các sở, ngành.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Đề án số 40-ĐA/TU, ngày 15/7/2020 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc cử giảng viên trường Chính trị tỉnh đi thực tế có kỳ hạn giai đoạn 2020 – 2030 cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, các giảng viên đăng ký đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở nên đăng ký những xã cách từ 35 km trở lên, có nghĩa là địa bàn đủ xa để không đi lại hàng ngày, đủ xa để có thể ở lại xã từ đầu tuần đến cuối tuần, thì sẽ có nhiều thời gian gắn bó, sự cảm nhận, sẻ chia sâu sắc hơn thực tiễn cơ sở các xã.

Hai là, mỗi giảng viên được cử đi nghiên cứu thực tế nên cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết về kiến thức lý luận của từng lĩnh vực chuyên môn giảng dạy để mạnh dạn đề xuất giải pháp, cách làm nào đó dù nhỏ nhưng giúp ích được cho xã. Chỉ khi nào mà mỗi giảng viên thực sự yêu thích việc nghiên cứu thực tế, mới thực sự tâm huyết, say mê với những trải nghiệm học hỏi được tại cơ sở.

Ba là, giảng viên phải tích cực chủ động, hòa mình vào các công việc của xã, coi mình như là một cán bộ, công chức xã thực thụ thì mới nắm bắt và hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, từng vị trí việc làm, quy trình thực hiện những công việc đó, cũng như cách thức giải quyết những công việc phát sinh, đột xuất. Bên canh đó tích cực chủ động đề xuất sáng kiến, giải pháp trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã.

Bốn là, lãnh đạo nhà trường tiếp tục chọn cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở theo kế hoạch để có thêm nhiều giảng viên của trường theo đúng đối tượng của Đề án, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt và động viên kịp thời các giảng viên tự giác, nghiêm túc trong hoạt động thực tế tại cơ sở và đi đôi với quản lý, nắm bắt thông tin phản hồi từ các xã để tiếp tục thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng của việc đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên.

Năm là, nhà trường có thể cho các giảng viên đã hoàn thành nghiên cứu thực tế tại cơ sở nếu mong muốn có thêm thời gian bổ sung kinh nghiệm thực tế thì có thể tiếp tục đăng ký đi thực tế lần 2 ở địa bàn cơ sở khác để nắm bắt, so sánh toàn diện hơn.

Việc cử cán bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn tại các địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong lãnh đạo, quản lý, trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như về lâu dài của trường Chính trị tỉnh. Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở, để tạo cơ hội, điều kiện cho đội ngũ giảng viên phấn đấu, rèn luyện trưởng thành hơn về kỹ năng, bản lĩnh và chuyên môn. Nhằm từng bước xây dựng và kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của trường hoàn thiện cả về kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tiễn, đáp ứng yêu cầu giảng viên của trường Chính trị và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh trước mắt cũng như lâu dài./.

Ths. Lê Quang Hùng

Ths. Trịnh Diệu Bình

(Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường Chính trị tỉnh Hà Giang)

 

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang - Kỳ II: Thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện

BHG - Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng của cả nước, có nhiều tiềm năng lợi thế nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Tỉnh uỷ đã họp bàn thống nhất đưa ra những quyết sách làm sao để vừa giải quyết được các khó khăn, vừa tập trung bảo vệ biên cương Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế gắn với ổn định quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới. Chính vì lẽ đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, tích cực phát huy tinh thần chủ động kiến tạo, biến thách thức thành tiềm năng cơ hội mới. Trong đó ngành Nông nghiệp đang dần khẳng định là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

26/10/2023
Phát huy vai trò lãnh chỉ đạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp Hà Giang - Kỳ I: Quyết tâm tạo nền tảng vững chắc đưa ngành Nông nghiệp lên một bước tiến mới

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đưa ra, có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân và Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. 

24/10/2023
Nghị quyết 11 "mở đường" cho du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: Kỳ I: Nỗ lực để trở thành ngành kinh tế trọng điểm
BHG - Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, giữ vị trí quan trọng trong phát triển du lịch vùng và cả nước… Tuy nhiên, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng, nhằm “đánh thức” vẻ đẹp và con người Hà Giang, ngày 4.8.2021 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. 
23/09/2024
Đảng dẫn lối dân đi: Kỳ cuối - “Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”
BHG - Thẳng thắn chỉ ra hạn chế, tìm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp chiến lược phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân chính là cách Đảng bộ tỉnh tiếp tục đưa Nghị quyết 27 thấm sâu hơn vào đời sống đồng bào các dân tộc. Mặt khác, Đảng bộ tỉnh luôn xác định “dân là gốc”, hướng đến mục tiêu cuối cùng xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân và để “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
20/09/2023