Phát huy vai trò lãnh chỉ đạo trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp Hà Giang - Kỳ I: Quyết tâm tạo nền tảng vững chắc đưa ngành Nông nghiệp lên một bước tiến mới
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định Hà Giang là tỉnh nông nghiệp; nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 3 đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã đưa ra, có 02 đột phá liên quan đến ngành Nông nghiệp, đó là: Tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân và Phát triển Du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở
Đại hội Đảng bộ các cấp thành công cũng chính là thời điểm một nhiệm kỳ mới bắt đầu với nhiều khát vọng và mục tiêu phấn đấu vì Hà Giang phát triển. Tất cả đều được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể trong các nghị quyết, chỉ tiêu được đề ra tại Đại hội. Sau khi đã đi qua được nửa chặng đường nhiệm kỳ 2020 - 2025, đây chính là thời điểm quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhìn nhận tổng thể tình hình thực tiễn, kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Tỉnh uỷ tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào ngày 07/8/2023. |
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung Nghị quyết. Đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá bằng một số Nghị quyết chuyên đề và các văn bản hướng dẫn, kết luận cụ thể nhằm đưa ra các giải pháp khả thi, bố trí đủ nguồn lực thực hiện để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện các Nghị quyết trong lĩnh vực Nông nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp bằng việc ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông lâm nghiệp, là: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 01/12/2020 của BTV Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây Cam sành trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 05 - NQ/TU ngày 01/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 17 - NQ/TU ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời cho chủ trương để HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để có nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND tỉnh ngày 09/12/2020 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây Cam Sành giai đoạn 2021 - 2025. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt các đề án và các kế hoạch tổ chức, thực hiện hàng năm.
Để các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện tổ chức quán triệt, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh đến các Chi, Đảng bộ. Các huyện, thành phố đã tuyên truyền được 7.299 buổi với trên 373.750 lượt người tham gia; Đài PT-TH tỉnh sản xuất 456 tin, 144 phóng sự ngắn, 24 phóng sự chuyên đề. Báo Hà Giang thực hiện 152 tin, 48 bài, mở chuyên mục “Vươn lên từ những mảnh vườn”. Các tổ chức chính trị tổ chức tuyên truyền 6.336 buổi, với trên 504.560 người tham gia, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn. Từ đó, Nghị quyết đã dần đi vào cuộc sống, tạo tiền đề thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp thăm các gian hàng sản phẩm đặc trưng của các huyện được bày bán tại khu vực Quảng trường trung tâm Thành phố Hà Giang. |
Kết quả sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt 4,7% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực, đúng hướng. Nông nghiệp chiếm 86,58%; lâm nghiệp chiếm 12,51%; thủy sản chiếm 0,91%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo sinh kế cho người dân như hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn trong sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực triển khai các bộ giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, ước năm 2023, giá trị thu hoạch bình quân đạt 62 triệu đồng/ha, tăng 12 triệu đồng/ha so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 chiếm 58,58% , tăng 3,45% so với năm 2020 và đạt 97,63% so với Nghị quyết Đại hội.
Theo đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Triển khai thực hiện các giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp nhằm tạo đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã thử nghiệm, lựa chọn các giống cây trồng mới năng xuất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương, như các giống ngô, lúa, đậu tương, lạc mới… vào sản xuất; đẩy mạnh thâm canh; triển khai xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Với tổng diện tích đất gieo trồng các loại cây hàng năm của tỉnh là 177.414 ha, năm 2023, ước tổng sản lượng lương thực đạt 418.730 tấn sẽ đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng đến phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm; chuyển hướng phát triển chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại với quy mô nhỏ và vừa. Hiện toàn tỉnh có 192 trang trại. Trong đó có 02 trang trại có quy mô lớn, 13 trang trại quy mô vừa, 177 trang trại có quy mô nhỏ. Các giống vật nuôi chủ yếu là Bò vàng, Lợn đen bản địa, gia cầm địa phương, ong nội. Hiện toàn tỉnh có 146.149 con trâu, 117.067 con bò... Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 32,02% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn ngành vẫn đang tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng
Nhằm tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 2490/QĐ-UBND về “Phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch, giai đoạn 2022 - 2026”. Cùng với đó tỉnh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chích sách của trung ương để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và các làng nghề nhằm giúp các hợp tác xã, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, làng nghề tạo ra các sản phẩm thế mạnh, mang tính đặc thù để phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hà Giang xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng từng vùng miền để phục vụ người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất. |
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trong lĩnh vực Nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương để xây dựng, phát triển, sản xuất thành công các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị như: Cam sành Hà Giang; Hồng không hạt, Lê, Mận; Chè Shan tuyết; cây dược liệu, gia vị; Lúa đặc sản chất lượng cao gắn với ruộng bậc thang; cây Tam giác mạch; mật ong…
Riêng đối với cây cam sành, tỉnh đã xác định phát triển cây cam sành trở thành cây đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh tại 38 xã của các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Sản phẩm cam sành đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam vàng. Niên vụ 2022 – 2023, giá trị sản xuất cam đạt 658 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 375 tỷ đồng. Sản phẩm cam sành được ví như “Vàng trong đá” của Hà Giang và là sản phẩm được tỉnh chú trọng dùng để “níu chân du khách phương xa”.
Cùng với việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất cam, tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ 222 tổ chức, cá nhân vay vốn để thực hiện cải tạo diện tích 367 ha cam, đạt 18,35% so với Nghị quyết, với tổng kinh phí thực hiện giải ngân 21.732 triệu đồng. Các hộ sau khi được vay vốn đã đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; kết quả, trừ chi phí tăng khoảng 40 -50 triệu đồng/ha, gấp 2,2 - 3,1 lần so với trước khi đầu tư.
Đối với với đặc sản Chè Shan Tuyết, toàn tỉnh hiện có là 13.295 ha Chè Shan Tuyết, trong đó có 1.324 cây chè Shan Tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 huện được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2023 là 36.561 tấn. Giá trị sản xuất ước đạt 674,69 tỷ đồng, giá trị tăng thêm ước đạt 289,1 tỷ đồng. Sản phẩm Chè Shan Tuyết được sản xuất tập trung tại 43 xã của 6 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang. Sản phẩm chè Shan Tuyết của Hà Giang đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và có 02 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Hiện sản phẩm chè này của Hà Giang được tiêu thụ ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, châu Mỹ…
Mật ong Bạc Hà là một trong những sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh Hà Giang được phát triển tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Năm 2013, “Mật ong bạc hà Mèo Vạc” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Có thể thấy, nghề nuôi ong khai thác mật từ hoa cây Bạc Hà đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững đối với đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá. Hiện 4 huyện vùng Cao nguyên đá có 43.000 tổ ong, chiếm 73,1% tổng đàn ong toàn tỉnh; sản lượng đạt 122,2 nghìn lít. Giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt gần 113 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Giang cũng chú trọng phát triển các thương hiệu cây ăn quả ôn đới như Hồng không hạt Quản Bạ, Yên Minh; Mận máu Hoàng Su Phì, Xín Mần và các thương hiệu đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch như lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với ruộng bậc thang; cây Tam giác mạch; các loại dược liệu quý dưới tán rừng như thảo quả, lan kim tuyến...
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định ngành Nông nghiệp là một trong sáu cụm ngành, lĩnh vực quan trọng cần đột phá ưu tiên phát triển; trong đó Quy hoạch cũng xác định việc hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Trên cơ sở các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa đã được xác định, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo, định hướng các địa phương phát triển sản phẩm OCOP hướng vào các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tập trung tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các huyện, các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 03 sao trở lên. (Còn nữa)
Lan Phương - Nguyễn Đoan
Ý kiến bạn đọc